Năm hiểu lầm trong quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên
- Hồng Ngọc
- •
Việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa không chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ giữa Trung Quốc – Triều Tiên, mà còn khiến Liên Hợp Quốc đầu tháng 6 vừa qua đã nhất trí thông qua một nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Trước nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, thái độ của Trung Quốc cũng có những thay đổi rõ rệt. Kênh truyền thông của Anh bình luận rằng, hiện tại trong vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc – Triều Tiên, phía Trung Quốc có 5 quan niệm tiềm tàng những hiểu lầm lớn.
Tờ Financial Times (Anh) ngày 20/6 đăng tải một bài bình luận nói rằng, thông qua việc tiếp tục phóng tên lửa với tầm xa hơn 5.000 km trong lúc tại Trung Quốc bàn đến sáng kiến “Một vành đai một con đường” tại Hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên chính là đã thể hiện quyết tâm trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân của mình. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên cũng hai lần ra bài viết chế nhạo Trung Quốc là “gã khổng lồ ngu ngốc”, điều này không chỉ dẫn đến sự suy giảm hơn nữa trong quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên mà còn dẫn đến làn sóng phản kích của các kênh truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục.
Bài báo cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, có 5 hiểu lầm lớn về quan niệm đã ảnh hưởng đến việc Trung Quốc ra quyết sách xử lý các vấn đề về Triều Tiên.
1. “Tình hữu nghị huyết thệ” giữa Trung Quốc – Triều Tiên
Khoảng những năm 1950, khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tối cao bấy giờ là Mao Trạch Đông đã phát động phong trào “kháng Mỹ viện Triều”, kết tình “hữu nghị huyết thệ” với Triều Tiên. Chính vì tình “hữu nghị” này mà Trung Quốc cũng phải trả một cái giá rất lớn.
Cái gọi là “hữu nghị huyết thệ” thực tế đã khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc – Triều Tiên không phải quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, mà là quan hệ giữa ĐCSTQ và Đảng Lao động Triều Tiên, quan hệ với Triều Tiên không xuất phát từ phía Bộ Ngoại giao mà là từ nội bộ ĐCSTQ, về bản chất là quan hệ giữa hai đảng nhưng lại mượn vỏ bọc quan hệ giữa hai quốc gia.
Triều Tiên cho rằng, mục đích thực sự của cái mà Trung Quốc gọi là “kháng Mỹ viện Triều” là để “bảo vệ quốc gia”, Triều Tiên đã trường kỳ hỗ trợ Trung Quốc chống lại Mỹ “xâm lược”, do đó mà Trung Quốc đã mắc nợ Triều Tiên, việc Trung Quốc viện trợ cho Triều Tiên là lẽ đương nhiên.
2. Triều Tiên là vùng đệm của Trung Quốc trong ván bài địa chính trị với Mỹ
Nhìn từ quan điểm này, vai trò địa chính trị của Triều Tiên có tác dụng vô cùng quan trọng trong quan hệ Mỹ – Trung, sự tồn tại của Triều Tiên khiến Mỹ không có cách nào vượt được qua sông Yalu (con sông hình thành biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia Trung Quốc và Triều Tiên). Nhưng bài báo cũng chỉ ra rằng, khu vực đệm trong địa chính trị thông thường dù vì lý do gì thì cũng không được phép mang đến rắc rối lớn. Nếu như khu vực đệm trong địa chính trị này là một khu vực liên tục nhiễu loạn, thì vai trò làm vùng đệm của nó cũng tự nhiên không còn tồn tại nữa.
Trong bối cảnh Triều Tiên không ngừng phóng tên lửa, nếu như cứ duy trì nó như một cái gọi là vùng đệm địa chính trị chiến lược này, thì sẽ chỉ dẫn đến một tình huống là Triều Tiên sẽ tiếp tục tự tin xin thêm nhiều viện trợ hơn từ phía Trung Quốc.
3. Sự nhất trí về ý thức hình thái của hai quốc gia
Trên danh nghĩa, Triều Tiên là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng Triều Tiên lại đề xuất cái gọi là “quốc gia tư tưởng chủ thể”, thực tế chính là một gia tộc thống trị tất cả mọi thứ, bao gồm tư tưởng của người dân, tất cả đều phải phục tùng sự thống trị của gia tộc họ Kim ở một quốc gia độc tài toàn trị. Hai trọng tâm trong tư tưởng chủ thể Triều Tiên chính là “quan điểm về thủ lĩnh cách mạng” và “luận về sinh mệnh chính trị xã hội”, do đó, hình thái ý thức của hai nước Trung – Triều thực tế là hoàn toàn khác nhau.
4. Phát triển vũ khí hạt nhân không chỉ là vấn đề của nội bộ Triều Tiên
Khoảng những năm 80-90 của thế kỷ 20, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực nhằm hạn chế nghiêm ngặt phát triển vũ khí hạt nhân, Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, và Triều Tiên cũng là một trong số các quốc gia ký kết hiệp ước này. Cộng đồng quốc tế cũng đồng thời yêu cầu một số quốc gia lớn giảm tải vũ khí hạt nhân.
Do đó, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân không chỉ thể coi là vấn đề nội bộ Triều Tiên, bản thân Triều Tiên không có quyền phát triển vũ khí hạt nhân.
5. Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân không liên quan hay gây hại cho Trung Quốc
Một số người Trung Quốc nghĩ rằng, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ không thể đe dọa Trung Quốc, mà là nhằm vào Mỹ. Quan điểm này là sai, bởi trước hết, cơ sở hạt nhân và các khu vực thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đều ở gần khu vực Đông Bắc của Trung Quốc Trong quá trình thử nghiệm hạt nhân, những khu vực này dễ bị tai nạn gây rò rỉ và ô nhiễm phóng xạ. Thêm nữa, nó cũng tiềm ẩn một mối đe dọa an ninh không nhỏ.
Thứ hai, khi quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên không tốt, sẽ không loại trừ việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa, và thậm chí tấn công Trung Quốc. Là một nhà nước độc tài cực quyền, vấn đề tín nhiệm của Triều Tiên là vô giá trị nhất. Nhìn vào thực tế thì dễ thấy được rằng những vấn đề mà Triều Tiên mang đến cho Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với Mỹ.
Kết luận lại, bài báo nhận định rằng 5 quan niệm hiểu lầm bên trên chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề xử lý Triều Tiên. Nếu như chính sách đối phó với Triều Tiên của Trung Quốc không thể tập trung giải quyết triệt để, thì sau này có thể sẽ vấp phải những vấn đề nan giải hơn.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc Trung Quốc Triều Tiên