Mời nghe đọc bài viết:

“Sự tàn bạo của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngôn ngữ loài người không thể diễn tả nổi.” Một người Tây Tạng dùng bí danh là Cách Tang tiết lộ với Epoch Times về thủ đoạn tàn bạo dưới sự thống trị của ĐCSTQ, từ tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân tộc cho đến tự do cá nhân, không điều gì thoát khỏi sự khống chế của họ.

id14541351 777071
Ngày 10/3/2025, Liên minh Nhân quyền Tây Tạng tại Đài Loan phát động hoạt động “Đạp xe vì tự do Tây Tạng”, thông qua việc đạp xe để biểu đạt ý nghĩa “tuần hoàn liên tục”, đồng thời hy vọng cho nhiều người biết đến nỗi khổ bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp của người dân Tây Tạng. (Ảnh: Tống Bích Long /Epoch Times)

Anh phẫn nộ chỉ trích ĐCSTQ biến toàn bộ khu vực Tây Tạng thành một nhà tù giám sát khổng lồ, và kêu gọi người dân Đài Loan: “Hãy trân quý tự do, đừng ảo tưởng về ĐCSTQ”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Muốn sang Trung Quốc phát triển? Vậy bạn đã chuẩn bị sống trong địa ngục chưa?”

“Da bò bọc người”: Địa ngục nhân gian

Cách Tang dùng một câu tục ngữ cổ của người Tây Tạng để miêu tả phương thức cai trị của ĐCSTQ: “Giống như da bò ướt bọc lấy bạn, khi khô lại sẽ càng ngày càng siết chặt, đến mức ngay cả việc thở cũng trở thành điều xa xỉ.”

Anh nói ban đầu ĐCSTQ dùng lợi ích dụ dỗ, sau đó là tẩy não chính trị, cuối cùng khống chế toàn diện khiến con người không thể trốn thoát. “Ban đầu họ khiến bạn tin tưởng, cho bạn hy vọng, đến khi bạn kịp nhận ra thì đã bị kiểm soát toàn diện.”

Đây không chỉ là ví von mà là thực tế đang xảy ra. Anh cho biết hiện nay, thanh niên Tây Tạng, ngay cả ở những làng xa xôi không có mạng internet hay tín hiệu điện thoại, cũng bị buộc phải tuyên thệ gia nhập ĐCSTQ và phải quay video làm bằng chứng.

“Người Tây Tạng bị yêu cầu phát lời cam kết trước camera giám sát. Nếu sau này lời nói và hành động không nhất quán thì đoạn video đó sẽ trở thành bằng chứng ‘phản bội lời thề’.”

“Không gia nhập thì bị trừng phạt; gia nhập rồi mà không đủ trung thành thì cũng bị xử lý.” Anh nói, kiểu kiểm soát toàn diện này khiến con người không dám tự do ngay cả về tư tưởng.

id14541353 777073
Ngày 10/3/2025, Liên minh Nhân quyền Tây Tạng tại Đài Loan phát động hoạt động “Đạp xe vì tự do Tây Tạng”, thông qua việc đạp xe để biểu đạt ý nghĩa “tuần hoàn liên tục”, đồng thời hy vọng cho nhiều người biết đến nỗi khổ của người dân Tây Tạng bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp. (Ảnh: Tống Bích Long /Epoch Times)

Chùa cũng phải treo cờ của ĐCSTQ, Lạt Ma bị ép hát nhạc cách mạng

Trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo vốn là thiêng liêng nhất đối với người Tây Tạng, ĐCSTQ đã thâm nhập đến tận xương tủy. Cách Tang nói hiện nay, hơn 90% các ngôi chùa ở Tây Tạng bị ép buộc gia nhập hệ thống của ĐCSTQ, các vị Lạt Ma, Rinpoche (Đấng cao quý), và lãnh đạo chùa đều phải trải qua “tái giáo dục Hán hóa”, tham gia huấn luyện chính trị.

Vào các dịp đại lễ, chùa buộc phải treo cờ đỏ sao vàng, hát vang Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vạn tuế”. Những hành động này không chỉ là sự sỉ nhục, mà còn là sự xúc phạm sâu sắc đối với văn hóa và tín ngưỡng người Tây Tạng.

Anh phẫn nộ chỉ trích: “Ngay cả tôn giáo cũng phải phục tùng chính quyền, một xã hội như vậy làm sao có linh hồn?”

Một cảnh sát nuôi 10 gián điệp, gián điệp có mặt khắp nơi

Cách Tang tiết lộ thêm: “Ở Trung Quốc, một cảnh sát có thể nhận trợ cấp của nhà nước để nuôi 10 gián điệp.”

Anh nói, những gián điệp này len lỏi trong cộng đồng, chùa chiền, trường học và các tổ chức dân sự, không phân biệt thân phận hay độ tuổi. “Dù bạn ở đâu, chỉ cần có dấu hiệu bất thường là sẽ có người báo cáo. Thậm chí ngay cả cụ già hơn 80 tuổi nói một câu ‘ĐCSTQ không tốt’ cũng có thể bị bắn chết.”

Về thủ đoạn thâm nhập xã hội bằng tôn giáo và văn hóa của ĐCSTQ, Cách Tang cho biết: “Chùa chiền rất dễ bị xâm nhập vì cần kinh phí. ĐCSTQ dùng danh nghĩa quyên góp, giao lưu văn hóa, thăm viếng nghệ thuật để cài người vào và thao túng tư tưởng.”

Anh nói thêm, ĐCSTQ rất giỏi dùng tôn giáo để thâm nhập xã hội, nhất là ở Đài Loan, nơi người dân nồng hậu và có tự do tín ngưỡng, nên trở thành mục tiêu hàng đầu.

Anh từng thấy các đoàn thể tôn giáo ở Đài Loan tiếp nhận “giao lưu văn hóa nghệ thuật” từ Trung Quốc, nhưng trong đó nhiều người thực chất mang nhiệm vụ. “Họ tự xưng là người hành hương, đệ tử bái sư, nhân viên giao lưu văn hóa, nhưng thực tế đều là quân cờ của sự thâm nhập.”

90% người Tây Tạng không có hộ chiếu, tự thiêu trở thành tiếng kêu đau đớn trong im lặng

Ngoài tín ngưỡng, văn hóa Tây Tạng cũng bị xóa bỏ có hệ thống trong bộ máy của ĐCSTQ. Anh dẫn ví dụ về một trường nghề của người Tây Tạng ở vùng Amdo có lịch sử 30 năm, chủ yếu giảng dạy ngôn ngữ và kỹ nghệ truyền thống Tây Tạng, đã bị chính quyền ép buộc đóng cửa vào tháng Bảy năm ngoái, với lý do “tỉnh Thanh Hải đã có đủ trường học, không cần giáo dục dân tộc đặc thù.”

Học sinh không thể phản đối, chỉ có thể cùng nhau than khóc, 300 người đồng loạt dâng khăn ban phước Hada rồi lặng lẽ rời đi. Anh xúc động nói: “Đây không phải là việc sáp nhập trường học thông thường, mà là phá hủy tận gốc văn hóa.”

Anh nói thêm, ĐCSTQ lợi dụng chế độ hộ khẩu và hạn chế xuất cảnh để cắt đứt liên lạc giữa người Tây Tạng và thế giới. “90% người Tây Tạng không có hộ chiếu. Dù có đi nước ngoài thì cũng phải giao nộp hộ chiếu. Khi trở về sẽ bị thu hồi, tức là không bao giờ có thể rời khỏi Trung Quốc nữa.”

Anh nói, dưới sự đàn áp lâu dài, hơn 200 người Tây Tạng đã tự thiêu. Mỗi người đều để lại di ngôn: “Chúng tôi chỉ muốn tự do.” Đây không phải sự kiện ngẫu nhiên mà là tiếng gào đau đớn nhất trong sự tuyệt vọng âm thầm.

Lời cảnh tỉnh cho Đài Loan: Tự do không phải là điều hiển nhiên

Đối với việc vẫn có người Đài Loan mơ hồ tin tưởng ĐCSTQ, anh lắc đầu nói: “Đó là vì sự tàn bạo của ĐCSTQ vẫn chưa xảy ra với chính họ, họ vẫn chưa bị bọc trong lớp da bò.”

Anh cảm thán: “Tự do không phải điều hiển nhiên, mà phải có người đổ máu và hy sinh mới đổi được. Muốn sang Trung Quốc phát triển? Vậy thì hãy chuẩn bị sống trong địa ngục đi.”

Cuối cùng, anh nhấn mạnh: “Điều đáng sợ nhất trong thủ đoạn của Mặt trận thống nhất của ĐCSTQ không phải là áp lực cao, mà là dùng văn hóa, tiền bạc và sự giả dối để từ từ mua chuộc linh hồn của bạn. Đến khi bạn nhận ra mình không thể thở được nữa thì đã quá muộn.”

Anh cảnh báo người dân Đài Loan: Đừng đợi đến khi mất tất cả mới hiểu được giá trị của tự do. “Ngày hôm nay của Tây Tạng, tuyệt đối không được trở thành ngày mai của Đài Loan.”