Nhân quyền Thế giới 2025: Nhà cầm quyền tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng vi phạm
- Theo RFI
- •
Trong Báo cáo Nhân quyền Thế giới 2025 công bố hôm thứ Năm (16/1), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp nhân quyền có hệ thống trên toàn quốc vào năm 2024, đặc biệt nghiêm trọng là các khu vực người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng ở Tân Cương, và tiếp tục tước đoạt các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông.
Báo cáo Nhân quyền Thế giới lần thứ 35 gồm 540 trang (do HRW công bố) xem xét tình hình nhân quyền ở hơn 100 nước trên thế giới. Trong phần giới thiệu báo cáo, Trưởng điều hành Tirana Hassan chỉ ra thực trạng những nhân vật đối lập chính trị, nhà hoạt động xã hội và nhà báo trên toàn thế giới thường bị các nhà cầm quyền trấn áp, bắt giữ và bỏ tù không thỏa đáng. Các nhóm vũ trang và lực lượng chính phủ ở khắp mọi nơi đang giết hại dân thường một cách tùy tiện, buộc hàng chục ngàn người phải di dời và cản trở viện trợ nhân đạo. Năm 2024, hơn 70 nước đã tổ chức bầu cử, theo đó cho thấy nhiều nhà lãnh đạo độc tài đã củng cố quyền lực thông qua kích động các tuyên bố và chính sách phân biệt đối xử.
- Số người Trung Quốc xin tị nạn trong thời Tập Cận Bình lên tới 1,16 triệu người
- Ước tính hơn 15.000 người giàu Trung Quốc đã ‘tháo chạy’ trong năm 2024
Đàn áp leo thang toàn diện tại Trung Quốc
Phó ban Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền là ông Vương Tùng Liên (Wang Songlian) cho biết, “Năm 2024 [và không chỉ năm đó], nhà cầm quyền Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền về mọi mặt và rộng khắp cả nước, từ tự do ngôn luận đến tự do tôn giáo. Chính phủ Trung Quốc ban hành luật vi phạm nhân quyền nghiêm ngặt hơn, đàn áp các nhà phê bình và các nhà hoạt động nhân quyền, làm cho việc đưa tin về các vấn đề nhân quyền trở nên khó khăn hơn”.
Năm 2024, Chính phủ Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ bí mật quốc gia, mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng với nhiều vấn đề bị cấm hơn, bao gồm cả những lời chỉ trích về chính sách kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục giam giữ những người bảo vệ nhân quyền, chẳng hạn như luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và vợ ông là Hứa Diễm đã bị bắt trong cuộc gặp với phái đoàn EU. Nhà báo nữ quyền Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin) và nhà hoạt động Vương Kiến Binh (Wang Jianbing) cũng bị kết án tù nặng.
Hạn chế hơn nữa tự do tại Hồng Kông
Chính quyền Hồng Kông vào tháng 3/2024 đã ban hành “Quy định Bảo vệ An ninh Quốc gia” mới, coi các hoạt động hòa bình là tội hình sự, trao cho cảnh sát quyền lực lớn hơn trong khi làm suy yếu các biện pháp bảo vệ pháp lý cho thủ tục tố tụng. Vào tháng 11 cùng năm, tòa án Hồng Kông đã đưa ra các bản án nặng đối với 45 người ủng hộ dân chủ làm dấy lên tức giận trong công luận.
Tiếp tục đàn áp Tân Cương và Tây Tạng
Tại khu vực Tân Cương, hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục bị giam giữ và lạm dụng tùy tiện. Một báo cáo do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 8/2024 lưu ý rằng nhiều luật và chính sách có vấn đề của Trung Quốc ở Tân Cương đang được thực thi là một phần của tội ác chống lại loài người.
Tại Tây Tạng, video do những nhà hoạt động truyền thông lưu vong công bố cho thấy nhiều ngôi chùa và làng mạc Phật giáo Tây Tạng ở Đức Cách (Dege) tỉnh Tứ Xuyên bị ngập lụt do dự án thủy điện, hàng trăm nhà sư và dân làng đã tổ chức biểu tình, sau đó một số lượng lớn người biểu tình đã bị bắt. Mặc dù một số người biểu tình đã được thả, nhưng vẫn còn nhiều nhà sư và lãnh đạo thôn làng mất tích, nghi ngờ bị “cưỡng chế mất tích”.
- ĐCSTQ phê duyệt dự án thủy điện lớn nhất thế giới ở Tây Tạng
- 5 hồ chứa thủy điện ở Tây Tạng xuất hiện vết nứt sau động đất mạnh
- ĐCSTQ bị cáo buộc khai thác quá mức tài nguyên dẫn đến thảm họa
Kêu gọi hành động quốc tế
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc ngay lập tức thực hiện trách nhiệm nhân quyền, bao gồm thả người Duy Ngô Nhĩ và những người khác bị họ giam giữ trái phép, hủy bỏ những luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, cho phép các quan sát viên độc lập đến Tây Tạng và Tân Cương, và thả những người bảo vệ nhân quyền trên khắp đất nước Trung Quốc đang bị giam giữ.
Theo RFI
Từ khóa Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Recommend