Olympic Bắc Kinh: Nơi tra tấn tù nhân lương tâm chỉ cách 16km
- Minh Nhật
- •
Việc chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp các nhóm thiểu số tín ngưỡng lại một lần nữa trở nên rõ ràng hơn sau khi một bản đồ số mới được công bố cho thấy khoảng cách chỉ từ 16km giữa nơi các vận động viên Olympic đang thi đấu với các trung tâm giam giữ và nhà tù được ghi nhận là “điểm nóng” về bức hại và tra tấn tù nhân lương tâm tại Bắc Kinh.
Ngày 8/2/2022 vừa qua, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center) có trụ sở tại New York đã công bố một bản đồ số tương tác, cho thấy các “điểm nóng” về bức hại và tra tấn người tập Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, và khoảng cách của chúng tới những địa điểm diễn ra các cuộc thi đấu Olympic.
Trên bản đồ tương tác, người dùng có thể bấm vào từng trung tâm giam giữ hoặc nhà tù, và xem thông tin về cơ sở, cũng như các trường hợp nổi bật về bức hại và tra tấn người tập Pháp Luân Công từng diễn ra tại các địa điểm này. Một số hình thức tra tấn được liệt kê như: kéo căng cơ thể, treo người, đáng đập, bức thực, sốc điện bằng dùi cui, đâm vật nhọn vào các điểm nhạy cảm, cưỡng bức tiêm thuốc…
Một số “điểm nóng” gần nhất có thể liệt kê như: Trung tâm giam giữ Triều Dương, cách Sân vận động Quốc gia 16km; Trung tâm phân phối lao động cưỡng bức Bắc Kinh, cách Sân vận động Trượt băng Quốc gia 19km; Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà Bắc Kinh, cách Sân vận động Trượt băng Quốc gia 19km…
Được biết trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 diễn ra, chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch “duy trì ổn định xã hội” mới, trong đó đặc biệt tập trung đàn áp người tập Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác tại 3 khu vực diễn ra các trò chơi Olympic là Bắc Kinh, Diên Khánh (Tây Bắc ngoại ô Bắc Kinh), và Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc).
Trang Minghui.org, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại, đã tiết lộ tài liệu “Công khai thông tin ngân sách của Sở Công an Trương Gia Khẩu năm 2020”, đề cập đến việc tăng kinh phí cho công tác an ninh của Thế vận hội Mùa đông 2022. Trong số đó, cột “Quỹ Công tác An ninh Quốc gia Đặc biệt” cho thấy Pháp Luân Công được liệt vào mục tiêu tấn công đầu tiên.
Tài liệu cho thấy hệ thống cảnh sát của Trương Gia Khẩu “thu xếp ngân sách năm 2020 là 48.121.000.000 NDT (khoảng 7,55 tỷ USD), tăng 5,1% so với ngân sách năm trước.” Nguyên nhân chính khiến ngân sách tăng là: “Theo kế hoạch tổng thể phát triển an ninh công cộng của thành phố, để thực hiện tốt công tác an ninh Thế vận hội Mùa đông 2022, các quỹ dự án xây dựng dữ liệu lớn về an ninh Thế vận hội Mùa đông, quỹ dự án giám sát video an ninh công cộng và chi phí hỗ trợ của cảnh sát sẽ được bổ sung.”
Tháng 1 vừa qua, cũng theo thông tin công bố từ Minghui.org, chỉ tính trong năm 2021, với số liệu thống kê không đầy đủ do khó khăn trong việc thu thập thông tin, tổng cộng có 14.290 người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại tại Trung Quốc Đại lục. Số liệu từ Minghui.org đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, trong đó đáng chú ý là được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngày 4/2/2022 vừa qua, bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tín ngưỡng thuộc viện Hudson, đã có một bài viết trên tờ National Review, tổng hợp lịch sử cũng như các thông tin mới nhất về cuộc đàn áp Pháp Luân Công để đưa ra kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện tội ác diệt chủng nhóm người này trong hơn 2 thập kỷ. (Xem bài: National Review: ĐCSTQ đã diệt chủng người tập Pháp Luân Công)
Xem bản đồ tương tác tại đây
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Olympic Bắc Kinh 2022