Vụ đánh người ở Đường Sơn một lần nữa chứng minh ĐCSTQ cần phải bị giải thể
- Vương Hách
- •
Bước sang năm 2022, người dân Trung Quốc hết lần này đến lần khác bị sốc bởi những chuyện xấu, chuyện ác xảy ra xung quanh họ. Không nói đến những sự kiện lớn như “Thượng Hải phong tỏa thành phố”, mà nói đến sự kiện cá biệt khác, như vụ “người phụ nữ bị xích cổ“ ở huyện Phong, Từ Châu, Giang Tô bị phanh phui vào tháng 1, và “sự kiện đánh người ở Đường Sơn” thuộc tỉnh Hà Bắc mới xảy ra vào rạng sáng ngày 10/6.
Trong một nhà hàng thịt nướng, Trần Kế Cường (Chen Jizhi) đã quấy rối một cô gái đang ăn uống cùng bạn bè nhưng không thành. Sau đó, người đàn ông này cùng với nhiều người đi cùng khác dùng các đồ vật như ghế, bình rượu vây đánh các cô gái này, họ còn lôi các cô ra ngoài nhà hàng để tiếp tục đánh. Đoạn video được tung lên mạng, gây ra sự phẫn nộ (theo The New York Times, “một trong ba tag có liên quan đến vụ việc trên nền tảng Weibo đã có đến hơn hơn 4,8 tỷ lượt xem“).
“Sự cố đánh người ở Đường Sơn” hoàn toàn không phải là một trường hợp duy nhất (ví dụ, vào năm 2020, người phụ nữ họ Cố ở Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, bị một người đàn ông lạ quấy rối khi đang ăn khuya, sau khi đẩy cô ra và đánh đến hôn mê, cuối cùng cô nằm viện 15 ngày, kẻ đánh người lần lượt bị giam giữ hành chính 10 ngày và 13 ngày. Về vấn đề này, nhiều bình luận trên mạng nói thẳng: “Cả nước là Đường Sơn, chỉ là còn thiếu một video”; “Nơi nào đông người thì đánh nhau; nơi nào ít người thì cưỡng gian; nơi không có người thì thành như ‘người phụ nữ bị xích cổ’, v.v. Nói một cách dễ hiểu, Trung Quốc ngày nay có ‘thảm họa ở khắp mọi nơi’. Tuy nhiên, tuyên bố có thẩm quyền của ĐCSTQ là ‘đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tạo nên kỳ tích ổn định xã hội lâu dài hiếm có trên thế giới’, và những ‘phấn hồng’ cũng liên tục chia sẻ nó ‘Đêm khuya ra ngoài ăn thịt nướng? Xin lỗi, nước Mỹ không thể mang lại cho bạn cảm giác an toàn này’.”
Hành động tàn bạo ở Đường Sơn gây phẫn nộ, tuy nhiên, phản ứng của chính quyền lại càng vô sỉ, càng khiến người ta phẫn nộ, có thể kể ra một số ví dụ.
Đầu tiên, chính quyền Đường Sơn “diễn kịch” truy bắt kẻ hành hung và thực hiện chiến dịch đặc biệt “bão sấm sét” nhằm chấn chỉnh an ninh trật tự xã hội vào mùa hè, trọng điểm chính là “bịt miệng”.
(1) Từ chối tiết lộ tung tích của 4 kẻ đánh người phụ nữ và thông tin chi tiết về nạn nhân. Vừa không cho ngoại giới thăm các cô gái, cũng không cho người nhà các cô lên tiếng, thông báo ngày 21/6 chỉ nói 2 người bị thương nhẹ, 2 người bị thương đôi chút, hoàn toàn không màng đến những nghi ngờ của xã hội. Ví dụ, ngày 10/6, trên mạng lan truyền video người đàn ông đánh người dùng xe cán người phụ nữ, có thông tin nói cô gái đã chết, v.v. Cư dân mạng “Hua Xia Chunqiu A” nói: “Lẽ nào là muốn giấu? là muốn che? Hay là muốn ‘bảo vệ’? Rốt cuộc thì có điều khó nói nào còn quan trọng hơn cả tiết lộ sự thật?”
(2) Hiện trường phạm tội bị phá hủy. Nhà hàng thịt nướng Laohancheng, nơi xảy ra vụ án bị dỡ biển, đổi chủ một cách kỳ lạ. Theo cư dân mạng, chủ sở hữu mới không muốn tiết lộ thêm nhiều thông tin và chi tiết vụ việc, trong khi nhân chứng số một đích thân chứng kiến vụ việc là bà chủ của Laohancheng đã không rõ tung tích.
(3) Phong tỏa. Ở Đường Sơn không có dịch bệnh bùng phát nhưng sau vụ đánh người, quận Lộ Bắc, nơi xảy ra vụ việc, đã thực hiện các biện pháp “phong tỏa” và người dân không được tùy tiện ra vào. Tất cả những người vào Đường Sơn ở nhà ga tàu hỏa đều được thống nhất bố trí xe để vận chuyển. Trước khi lên xe, cần chụp ảnh tập thể người và xe, đến nơi thì tài xế cũng sẽ tiếp tục chụp ảnh. Không chụp ảnh, không cho bạn rời nhà ga. Tất cả những người trở lại Đường Sơn đều phải đăng ký một biểu mẫu và điền vào địa chỉ cụ thể của nơi ở. Những người từ nơi khác đến Đường Sơn sẽ không thể vào vì không có cách nào để điền các thông tin cụ thể về cộng đồng nơi họ ở (nơi cư trú ở Đường Sơn).
(4) Ngăn chặn các phóng viên. Vào ngày 12/6, Trương Ngụy Hàn (Zhang Weihan), một phóng viên của chuyên mục “Người dân quan tâm” của Đài Phát thanh và Truyền hình Quý Châu, đã bị cảnh sát ở Đường Sơn ấn đầu bắt quỳ xuống, và bị đối xử bạo lực (theo video được Trương Ngụy Hàn đăng trên Weibo vào ngày 17/6). Không chỉ có một trường hợp này. Một phóng viên của trang mạng Phượng Hoàng cũng bị cảnh sát ở Đường Sơn giam giữ trong 8 giờ đồng hồ. Cảnh sát đã sửa đổi khẩu cung của anh, khăng khăng rằng anh ta đến Đường Sơn để (nhân cơ hội) tăng lượng truy cập và kiếm tiền, đồng thời cảnh sát còn xóa tất cả video trên điện thoại di động của anh ta, đe dọa anh ta không được quay ở Đường Sơn nữa, việc này có thể là lớn, có thể là nhỏ, và có thể bắt giữ anh ta bất cứ lúc nào.
Thứ hai, 11 cơ quan ở Hà Bắc cùng phối hợp triển khai “trấn áp tin tức giả”. Cư dân mạng bình luận: Có quá nhiều tin thật, chính quyền “đánh mạnh” vào những người công bố thông tin thật.
Chính quyền Đường Sơn “bịt miệng”, ắt phải có sự gật đầu hoặc ngầm đồng ý của cấp trên trực tiếp là chính quyền tỉnh Hà Bắc. Không chỉ vậy, chính quyền tỉnh Hà Bắc còn bao che cho Đường Sơn.
Ví dụ, vào ngày 16/6, Tân Hoa Xã chuyển tiếp tin tức từ “Nhật báo Hà Bắc” nói rằng gần đây, các cơ quan đơn vị như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng với Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh, Văn phòng Thông tin mạng Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Cục Giám sát thị trường tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Truyền thông tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Văn phòng “Truy quét nội dung khiêu dâm và trái phép” tỉnh, đã phát động một chiến dịch đặc biệt tấn công tin tức lừa đảo và tin tức giả mạo vào năm 2022.
Trên thực tế, chiến dịch tấn công tin tức giả, tin lừa đảo này đã được ĐCSTQ triển khai vào mùa hè năm ngoái. Tại sao tỉnh Hà Bắc lại vội vàng khởi động nó sau “sự cố đánh người ở Đường Sơn”? Không phải nhằm vào trấn áp dư luận sao? Không có gì lạ khi dư luận ví đây là “đòn sát thủ để loại bỏ những tin tức thật về vụ đánh người ở Đường Sơn”. Điều này cho thấy chính quyền Hà Bắc và chính quyền thành phố Đường Sơn là cùng một phe.
Thứ ba, cơ quan trung ương thiết lập quy định kiểm soát chặt chẽ những ngôn luận trên mạng, luật sư không được tiếp nhận vụ án ở Đường Sơn.
Vào ngày 17/6, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành “Quy định về Quản lý bình luận chủ đề Internet (Dự thảo sửa đổi để lấy ý kiến)”. Trong số đó có đề cập đến việc đánh giá tín nhiệm được thực hiện theo hành vi bình luận trên bài viết, và những người dùng không đáng tin cậy nghiêm trọng nên bị đưa vào danh sách đen, dự kiến sẽ cấm người dùng trong danh sách đen đăng ký lại tài khoản để đăng bình luận. Về vấn đề này, cư dân mạng nói: “Trong tương lai, môi trường mạng sẽ là môi trường của Triều Tiên!”; “Hệ thống tên thật được sử dụng để kiểm soát cư dân mạng trên toàn quốc, và những việc tương tự như Đường Sơn sẽ không được nhắc đến trong tương lai!”.
Ngược lại, Sina Weibo đã lĩnh hội sâu về tinh thần của tài liệu hiện vẫn đang trong quá trình “trưng cầu ý kiến” này, và là đơn vị triển khai đầu tiên. Cùng ngày, Sina Weibo đưa ra thông báo cho biết, đối với vụ việc đánh người ở Đường Sơn, họ đã “thực hiện các biện pháp đóng 320 tài khoản đăng tin đồn ác ý, và 352 người dùng vi phạm nội quy bị cấm lên tiếng trong 180 ngày.”
Không chỉ các cơ quan trung ương kiểm soát chặt chẽ việc phát ngôn trên mạng. Ngày 18/6, luật sư Chu Song Hổ (Zhou Shuanghu) của Văn phòng luật sư Vinh Nghiệp Thượng Hải đăng bài cho biết: “Tối qua nhận được thông báo không cho phép luật sư chúng tôi tiếp nhận vụ án ở Đường Sơn.” Luật sư Chu chất vấn, bàn tay đen của Đường Sơn đã đến được Thượng Hải rồi sao? Theo như tình hình thực tế quan trường ở Thượng Hải, thì Đường Sơn chỉ là một thành phố cấp tỉnh, và thành phố trực thuộc Trung ương như Thượng Hải sẽ chịu nể mặt Đường Sơn? Nhiều khả năng Bộ Tư pháp (chủ quản Hội Luật sư) hoặc Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đã đứng ra thu xếp việc này.
Cho nên, xét từ 2 việc nói trên, đằng sau vụ án đánh người ở Đường Sơn có một chiếc ô che rất lớn, chiếc ô bảo vệ này nằm ở trung ương, tức là ĐCSTQ. Chiếc ô bảo vệ thế lực ngầm ở địa phương, có thể có ảnh hưởng ở Đường Sơn, và có thể có chỗ hoạt động ở tỉnh Hà Bắc, nhưng nó sẽ không bao giờ ảnh hưởng ở cấp trung ương. Và không chỉ một cơ quan trung ương che chở cho Đường Sơn, điều này cho thấy rằng ĐCSTQ đối đãi vụ đánh người ở Đường Sơn từ góc độ của cái gọi là “an nguy của đảng”.
Lời kết
“Sự an nguy của đảng“, đối với ĐCSTQ mà nói, mấu chốt không phải là sự đúng sai của sự việc và sự chính đại quang minh của người cầm quyền, điều mà ĐCSTQ quan tâm cũng không phải thế đạo nhân tâm, công bằng chính nghĩa, mà là sự kiểm soát tuyệt đối của quyền lực bản thân, cần gì thì đoạt lấy. ĐCSTQ muốn chính là người dân nhẫn nhục chịu đựng, phục tùng tuyệt đối, không được có lời oán thán, không được phản kháng.
Từ vụ việc “người phụ nữ bị xích cổ” đến vụ “đánh người ở Đường Sơn“, một lần nữa đã chứng minh nguồn gốc thực sự của cảm giác bất an của người dân Trung Quốc không phải là thế lực ngầm địa phương, mà là trùm của thế lực thế giới ngầm địa phương: ĐCSTQ.
Việc điều tra, xử lý triệt để một vụ “người phụ nữ bị xích cổ” khó đến mức nào? Việc điều tra, xử lý triệt để một vụ “đánh người ở Đường Sơn” khó đến mức nào? Đối với ĐCSTQ, đó là vấn đề chỉ trong vài phút, nhưng họ lại không làm. Thay vào đó, họ khiến các nạn nhân im lặng và biến mất, chĩa mũi dùi tấn công về phía những tiếng nói kêu gọi chính nghĩa, dân ý. Một chính quyền như thế này chính là khổ nạn của nhân dân Trung Quốc, và cũng là nỗi nhục của nhân dân Trung Quốc. Không giải thể nó, lẽ nào đời đời con cháu chúng ta đều phải làm nô lệ cho ĐCSTQ?
Từ khóa Dòng sự kiện Giải thể ĐCSTQ Đánh người ở Đường Sơn Đường Sơn