Quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai thêm lực lượng giám sát trên không và trên biển gần khu vực Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, khi căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á.

Embed from Getty Images

Trích dẫn hình ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp, USNI – một trang web tin tức quân sự của Mỹ, hôm thứ Sáu đưa tin rằng một tàu do thám Type-815G đã được phát hiện tại căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát trái phép từ Việt Nam.

Theo báo cáo, một máy bay tuần tra hàng hải Y-8Q của hải quân Trung Quốc và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500 cũng được phát hiện trên sân bay của rạn san hô này. 

Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết Type-815G là một con tàu khó nắm bắt và nhiệm vụ chính của nó là thu thập thông tin tình báo quan trọng về các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Ông nói: “Gần đây, có sự gia tăng trong các hoạt động quân sự nước ngoài, đặc biệt là các hoạt động hải quân của lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh ở Biển Đông. Vì vậy, tôi phỏng đoán con tàu [Trung Quốc] đang quan sát cách các lực lượng hải quân Hoa Kỳ và đồng minh này hoạt động cùng nhau”.

Hoa Kỳ đã thực hiện 72 chuyến bay do thám trên Biển Đông vào tháng 5, tăng so với 65 chuyến vào tháng 4, theo Sáng kiến ​​Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh.

Tổ chức nghiên cứu cho biết khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke USS Curtis Wilburt di chuyển qua eo biển Đài Loan vào tháng trước, máy bay tuần tra và trinh sát chống ngầm của Mỹ và một máy bay do thám đã bay qua Biển Đông.

Lầu Năm Góc đã công bố các hình ảnh vệ tinh của tàu và máy bay Trung Quốc hôm thứ Tư, cùng ngày một cơ quan cố vấn cho Lầu Năm Góc đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện chiến lược của Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc.

Các khuyến nghị được coi là chỉ thị mới cho Lầu Năm Góc cần tập trung vào Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông, với các yêu sách chồng lấn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Mặc dù Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong khu vực, nhưng Hoa Kỳ đã thường xuyên gửi tàu và máy bay quân sự tới đây để kiểm soát hoạt động tự do hàng hải. Bắc Kinh nói rằng các hoạt động như vậy vi phạm chủ quyền của nước này và làm căng thẳng tình hình, nhưng Mỹ nói rằng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trong khu vực mới là chính các mối đe dọa trong khu vực.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines và Malaysia đã lên mức cao sau khi Manila phản đối hơn 200 tàu cá của Bắc Kinh tập kích tại bãi đá ngầm Whitsun – một động thái mà Trung Quốc mô tả là bình thường. Malaysia gần đây cũng phản đối Trung Quốc, nói rằng 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc xâm nhập gần đường bờ biển của họ.

Tuy nhiên, trong tuần này, Trung Quốc thông báo rằng họ có kế hoạch nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sau các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và những người đồng cấp ASEAN.

Vương Nghị cũng đã nói với các Ngoại trưởng ASEAN rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận để có một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: