Nhiều khu vực ở Trung Quốc đã hứng chịu mưa lớn và nhiều hồ chứa đang trong tình trạng khẩn cấp. Mới đây, hồ chứa Tam Hiệp từ mở 2 cửa xả đã nâng lên 9 cửa nhằm tăng tốc xả lũ, khiến nhiều nơi như Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người thương vong.

Lu lut o Trung Quoc 6
Một khu phố ở thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc (Ảnh cắt từ video)

Hồ chứa Tam Hiệp xả lũ khẩn cấp, 9 cửa xả lũ được mở

Cục Thủy văn, thuộc Ủy ban Thủy lợi Dương Tử của Bộ Ủy ban Thủy lợi Trung Quốc, đã chính thức công bố vào lúc 18h ngày 11/7 rằng “Lũ lụt số 2 sông Dương Tử năm 2024” đã hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử.

Bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn, lưu lượng nước giữa sông Mân, sông Gia Lăng và khu vực Tam Hiệp ở thượng nguồn sông Dương Tử tăng lên đáng kể, lưu lượng đến hồ chứa Tam Hiệp tăng nhanh, đạt 50.000 mét khối mỗi giây.

Jimu News đưa tin, Hồ chứa Tam Hiệp đã mở cửa xả lũ lần đầu tiên vào ngày 10/7. 2 cửa xả lũ liên tiếp được mở, sau đó 3 cửa được mở vào ngày 11/7, 4 cửa được mở vào ngày 12/7 và 6 cửa được mở vào ngày 13/7. Tính đến 20h ngày 14, đã có 9 cửa xả lũ được mở. Theo dự báo, hồ chứa Tam Hiệp sẽ gây ra một trận lũ khác với lưu lượng cực đại 45.000 mét khối/giây vào ngày 15/7, gây ra rủi ro lớn hơn cho an toàn kiểm soát lũ ở khu vực hồ chứa.

Tam Hiệp của sông Dương Tử nằm trên dòng chính của sông Dương Tử ở thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hồ Bắc. Nó trải dài từ thành phố Bạch Đế huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh ở phía tây, đến Nam Tân Quan thuộc thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc ở phía đông, với tổng chiều dài 193 km. Không chỉ Trùng Khánh hứng chịu đợt xả lũ lần này, mà Hồ Bắc cũng cùng cảnh ngộ.

Một “cơn mưa lớn kỷ lục” đã xảy ra ở huyện Xã Kỳ (Sheqi), tỉnh Hà Nam, lượng mưa tối đa xảy ra ở Đại Phùng Doanh (Dafengying), huyện Xã Kỳ là 606,7 mm. Sau đó, lượng mưa tối đa ở Đại Phùng Doanh đạt 683,5 mm. “Lượng mưa theo giờ” tối đa cũng xảy ra ở Đại Phùng Doanh, đạt 148,3 mm.

Theo video Douyin ở Trung Quốc Đại Lục, sáng 16/7, lũ lụt tràn ngập các đường phố ở huyện Xã Kỳ, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam và đường phố biến thành sông.

Cư dân mạng Đại Lục đặt câu hỏi: “Mưa này còn lớn hơn so với Trịnh Châu, vậy tại sao không thấy đưa tin? Lẽ nào Nam Dương không đáng được quan tâm sao?” 

Một cư dân mạng Hà Nam trả lời: “Bởi vì có người chết ở Trịnh Châu. Đây là thành phố đầu tiên trên thế giới có người chết do lũ lụt trong tàu điện ngầm, hơn nữa đó là chết oan do nguyên nhân con người tạo thành.” (Thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu xảy ra vào ngày 20/7/2021).

p3516071a671510979
Ngày 16/7, đường phố ở huyện Xã Kỳ, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam biến thành sông. (Ảnh chụp màn hình Douyin)

(Người phụ nữ ở Hà Nam tỉnh ngủ thì phát hiện nước đã ngập phòng, giường nổi lên.)

18 hồ lớn nhỏ ở Hà Nam vượt quá giới hạn chứa

Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, từ ngày 14/7 khu vực Nam Dương của Hà Nam đã hứng chịu lượng mưa lớn liên tục, lên tới 500 mm và 408 mm ở hai khu vực Guanzhuang Gongqu và Thị trấn Wadian thuộc Quận Vạn Thành, phá kỷ lục về lượng mưa lớn nhất ở Hà Nam năm nay. Tính đến 16h ngày 15/7, thành phố Nam Dương có tổng cộng 1.905 hộ gia đình và 5.014 người đã được di dời, liên quan đến 14 huyện và 75 hương trấn.

Từ sáng 15 đến 16/7, mưa lớn lại xảy ra ở nhiều nơi ở Hà Nam, trong đó có mưa cực to ở Nam Dương, Chu Khẩu, Hứa Xương và nhiều nơi khác, khiến nước ngập đến thắt lưng ở một số khu vực ở Nam Dương. Tính đến 17h ngày 15/7, 3 hồ chứa lớn gồm Niêm Ngư Sơn và 15 hồ chứa cỡ trung bình gồm Lưu Sơn, Bành Hà ở tỉnh Hà Nam đã vượt quá mực nước lũ giới hạn.

Ít nhất 6 người chết ở Trùng Khánh

Theo CCTV và các phương tiện truyền thông Đại Lục khác, từ 7h ngày 13/7 đến 7h ngày 14/7, Trùng Khánh đã xảy ra sấm sét và mưa lớn.

Trùng Khánh hứng chịu mưa lớn, đến nay đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 4 người chết do thảm họa địa chất do mưa lớn, 2 người khác chết do đuối nước. Huyện Điếm Giang ở Trùng Khánh hứng chịu lượng mưa hàng ngày lớn nhất kể từ khi có hồ sơ khí tượng. Hơn 43.000 người bị ảnh hưởng, 18 ngôi nhà bị sập và gần 200 ngôi nhà bị hư hại.

Video cho thấy nước lũ tràn vào khu dân cư, nhấn chìm hoàn toàn tầng 1 của một số ngôi nhà và ô tô. Một số cư dân mạng bình luận: “Khi thiếu nước ở hạ lưu, Tam Hiệp sẽ trữ nước để phát điện. Khi hạ lưu ngập, Tam Hiệp lại xả lũ.”

Thảm họa tại nhiều nơi ở Hồ Bắc, ít nhất 4 người chết

Theo tờ “Báo sáng Tiêu Tương” ở Trung Quốc đưa tin ngày 14/7, Hồ Bắc bị ngập nặng, một phương tiện bị cuốn trôi dưới mưa lớn khi đi qua cầu ở thị trấn trấn Phủ Hà, Tùy Châu, 4 người thiệt mạng. Chính quyền địa phương xác nhận trên xe có 4 người và đã thiệt mạng.

Sáng 14/7, Đài quan sát khí tượng Tô Châu đã phát tín hiệu cảnh báo mưa bão đỏ trong 12 giờ qua, ít nhất 9 thị trấn trong đó có nơi ghi nhận được lượng mưa 100-150 mm. 

Nhiều nơi ở Hồ Bắc bị thiên tai, thành phố Tương Dương bị ngập lụt nghiêm trọng, đường phố ngập lụt trên diện rộng. Ngày 13/7, huyện Thiên Môn ngập trong nước, trên đường có nhiều bẫy do mưa lớn khiến nhiều nắp cống bị lũ làm bật tung, nguy hiểm rình rập.

Trên Weibo, một cư dân mạng được cho là ở Hồ Bắc phàn nàn: “Tôi thắc mắc tại sao những trận mưa lớn ở tỉnh này lại không được truyền thông đưa tin? Có phải vì Hồ Bắc đã quen chứng kiến ​​những trận lũ lụt khủng khiếp hàng năm?”

Điều đáng nói là vì ĐCSTQ thường che giấu sự thật về thảm họa, nên số người chết do các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin thường bị thế giới bên ngoài nghi ngờ, và đó có thể chỉ là một con số rất nhỏ so với thực tế.

Chuyên gia: Những vụ thảm họa lũ đều là do hồ chứa xả lũ gây ra

“7 hệ thống nước” ở Trung Quốc bao gồm các con sông hợp thành và được gọi là “hệ thống nước sông”. Từ Bắc vào Nam là hệ thống nước sông Tùng Hoa, Liêu Hà, Hải Hà, Hoàng Hà, Hoài Hà, Trường Giang, (Dương Tử) và sông Châu Giang. Theo CCTV, ngày 14/7 người có liên quan phụ trách Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, theo dự báo lũ cho giai đoạn nguy cấp “7 xuống và 8 lên” (nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8), lũ có khả năng xảy ra ở lưu vực 7 con sông lớn.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), lũ lụt tiếp tục xảy ra thường xuyên trên khắp Trung Quốc kể từ tháng 6 năm nay. Sau Mai Châu ở Quảng Đông và Quế Lâm ở Quảng Tây, hồ Động Đình ở Hồ Nam – hồ nước ngọt lớn thứ hai của Trung Quốc – đã vỡ đê bao vào tuần trước, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tài sản.

Trong khi cư dân mạng Trung Quốc lên án chính quyền vì nỗ lực cứu trợ thiên tai không hiệu quả, họ cũng đặt câu hỏi về khả năng chống lũ của hàng chục ngàn hồ chứa nước của Trung Quốc. Một số dư luận cho rằng các hồ chứa không những không ngăn được lũ, mà thực tế còn làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ lụt.

Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy lợi hiện đang sống ở Đức, nói với RFI rằng: “Nhìn vào những trận lũ gần đây, dù ở Mai Châu tỉnh Quảng Đông hay Quế Lâm, chúng đều do hồ chứa xả lũ gây ra”.

Trí Đạt (t/h)