Hôm thứ Sáu (6/7), luật sư của nhà hoạt động nổi tiếng Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã yêu cầu giảm án cho thân chủ của mình tại phiên điều trần giảm án liên quan đến 47 người ủng hộ dân chủ.

2eb3c5da89ac82def84abfc12da1e433
Hoàng Chi Phong, cựu tổng thư ký của Demosisto Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).

Lý do xin giảm án là vì anh đã nhận tội trước, và không tham gia tổ chức hoặc hỗ trợ cuộc bầu cử sơ bộ đó, mặc dù anh được coi là người tham gia tích cực.

Hoàng Chi Phong, 27 tuổi, xuất hiện tại tòa với áo len xám và áo sơ mi xanh. Anh là một trong hàng chục nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị bắt vào năm 2021. Nguyên nhân là do anh đã tham gia một cuộc bỏ phiếu không chính thức, chọn ra ứng cử viên cho cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2020 (cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ).

Trong số đó, 47 người bị buộc tội “âm mưu thực hiện các hoạt động lật đổ” theo Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh thực thi.

Luật sư của Hoàng Chi Phong, ông Lý Quốc Uy (Marco Li), nói trước tòa rằng mặc dù thân chủ của ông được coi là người tham gia tích cực trong vụ án, nhưng anh không có vai trò gì trong việc tổ chức hoặc hỗ trợ cuộc bầu cử sơ bộ đó.

Trước việc Hoàng Chi Phong sớm nhận tội, luật sư Lý Quốc Uy đã đề nghị giảm 1/3 mức án cho anh.

Mức án dành cho những người tham gia tích cực vào vụ việc này dao động từ 3 đến 10 năm tù, trong khi những người được coi là “tội phạm chính” có thể bị kết án tù chung thân.

Luật sư cho biết: “Anh ấy rất hy vọng sau những vi phạm này, anh ấy có thể thoát khỏi quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới”.

Hoàng Chi Phong ngồi ở một góc của ghế bị cáo, được 3 cai ngục ngăn cách với các bị cáo khác. Trước phiên tòa, anh gật đầu và vẫy tay chào bạn bè cùng người ủng hộ.

Reuters cho biết, vụ án “chạy marathon” này đã thu hút sự chỉ trích từ các quốc gia như Úc, Anh và Hoa Kỳ. Những nước này cho rằng luật an ninh quốc gia đang được sử dụng, để hạn chế các quyền tự do mà Anh bảo đảm khi trao trả Hồng Kông, trung tâm tài chính châu Á, cho Trung Quốc vào năm 1997.

Các chính phủ phương Tây đã chỉ trích luật này như một công cụ để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Nhưng chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông lại khẳng định nó mang lại sự ổn định cho trung tâm tài chính bán tự trị sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2019.

Phiên điều trần giảm án diễn ra 1 tháng sau khi 14 nhà hoạt động bị kết tội vào tháng 5, hai trong số đó được tuyên vô tội. Họ từ chối nhận tội. Hoàng Chi Phong và 30 người khác đã nhận tội, 4 người trong số họ trở thành nhân chứng bị truy tố.

Hoàng Chi Phong là tù nhân thứ 3 xin giảm án trong số 45 người. Bản thân anh chưa từng viết đơn xin giảm án, nhưng mẹ anh, các bạn cùng lớp ở nhà thờ và giáo viên cũ của trường đã thay mặt anh viết đơn xin được giảm án.

Hoàng Chi Phong là ứng cử viên đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức đó, nhưng bị loại khỏi cuộc tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2020. Khi đó, chính phủ hoãn cuộc bầu cử vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Tại diễn đàn bầu cử, anh thừa nhận sự thật, đã vận động hành lang quốc tế ở Anh, Mỹ và Liên Hợp Quốc kể từ năm 2016, nhằm thúc đẩy Hồng Kông thông qua các biện pháp như “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông” được Mỹ thông qua vào năm 2019.

Luật sư của anh cho biết, lời kêu gọi hỗ trợ từ nước ngoài, diễn ra rất lâu trước khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành, không phải để đáp lại vụ việc hiện tại, mà là một phần của phong trào ủng hộ dân chủ rộng lớn hơn.

Hoàng Chi Phong và hầu hết các nhà hoạt động đã bị từ chối bảo lãnh và bị giam giữ hơn 3 năm. Các bình luận cho rằng điều này đi ngược lại với thông lệ của pháp luật.

Shibani Mahtani và Timothy McLaughlin, 2 phóng viên của tờ Washington Post và tạp chí The Atlantic có trụ sở tại Hồng Kông, tiết lộ trong cuốn sách “Trong số những người dũng cảm” (Among the Braves), rằng ngay trước khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực vào ngày 30/6/2020, Hoàng Chi Phong đã gặp 2 quan chức từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao, và bày tỏ mong muốn được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, nhưng bị từ chối. Mỹ từng cân nhắc đưa Hoàng Chi Phong đi bằng đường thủy nhưng không thành.

“Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” được công bố và thực thi vào lúc 11:00 đêm ngày 30/6/2020. Trước và sau khi thực thi luật này, nhiều nhân sĩ ủng hộ dân chủ đã phải sống lưu vong ở nước ngoài, như cựu Chủ tịch Demosisto La Quán Thông (Nathan Law) sống lưu vong ở Anh, cựu nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-fung) sống lưu vong ở Úc.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: