Trung Quốc tăng cường tẩy não học sinh qua bộ tài liệu giáo khoa mới
- Thành Đô
- •
Theo kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từ mùa thu năm nay, học sinh tiểu học và trung học của Trung Quốc sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục biên soạn trong 5 năm qua. Tài liệu mới này chú trọng giáo dục chủ quyền quốc gia, còn liên quan đến hiến pháp và pháp luật của Trung Quốc.
Có bình luận cho rằng, rất nhiều quy định về quyền lợi cơ bản của công dân trong hiến pháp Trung Quốc trên thực tế đều bị chà đạp. Do vậy việc phía nhà nước đưa ra các nội dung giáo dục về pháp chế trong sách giáo khoa cấp tiểu học và trung học chính là để tẩy não học sinh.
Theo tin từ “Đài Á châu Tự do”, ngày 28/8, Bộ Giáo dục đã tổ chức một buổi họp báo, tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng 3 bộ tài liệu giáo dục là Đạo đức và Pháp trị, Ngữ văn, Lịch sử trên toàn quốc từ ngày 1/9. Kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin rằng Bộ Giáo dục Trung Quốc đã hoàn thành việc biên soạn bộ 3 tài liệu này trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2012 đến 2017.
Môn giáo dục bắt buộc “Phẩm đức” của Trung Quốc được đổi thành “Đạo đức và Pháp trị”, được biên tập nhằm quán xuyến từ đầu đến cuối “Giáo dục giá trị trọng tâm của Xã hội Chủ nghĩa”. Tài liệu “Đạo đức và Pháp trị” của tiểu học có tổng cộng 12 cuốn, của trung học gồm 6 cuốn, có phần biên soạn chuyên về giáo dục pháp trị, truyền giảng hiến pháp. Tài liệu tiểu học liên quan đến hơn 30 bộ quy chế pháp lý, cấp trung học liên quan đến 50 bộ quy chế.
Đằng Bưu, một luật sư Trung Quốc tại Mỹ cho rằng, rất nhiều quy định về quyền lợi cơ bản của công dân trong hiến pháp Trung Quốc trên thực tế đều bị chà đạp. Do vậy có thể thấy được, việc giáo dục pháp chế tại trung học và tiểu học thực chất là để tẩy não học sinh.
Ông nói: “Bên trong hiến pháp Trung Quốc cũng có rất nhiều điều liên quan đến quyền lợi cơ bản, quy định tư do cơ bản, nhưng trên thực tế, những điều này hoàn toàn bị chà đạp. Chính quyền hoàn toàn không quan tâm đến những điều đảm bảo cho nhân quyền của công dân. Do vậy tôi cho rằng, giáo dục về pháp luật, hiến pháp trong các trường học khẳng định là không nhấn mạnh những điều này. Nó sẽ nhấn mạnh những thứ trong hình thái ý thức, bao gồm sự lãnh đạo của ĐCSTQ cũng như chuyên chính dân chủ nhân dân. Nó cũng sẽ nhấn mạnh về pháp luật duy trì chủ quyền quốc gia, trật tự xã hội, mà những quyền lợi và tự do cơ bản của công dân thì nó sẽ không nhấn mạnh.”
Theo thông tin, trong tài liệu ngữ văn mới của Bộ Giáo dục, số lượng thơ cổ sẽ tăng lên, ngữ văn tiểu học có 129 bài thơ cổ, trung học có 132. Tài liệu giáo dục ngữ văn mới bao gồm các tác phẩm phản ánh những gì mà Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình v.v.. đã trải qua, ngoài ra, còn có các “nhân vật anh hùng cách mạng” như 5 tráng sĩ Lương Nha Sơn hay Hoàng Kế Quang…, đồng thời còn chỉ đạo học sinh đọc các tác phẩm đỏ như “Hồng Nham” và “Thép đã tôi thế đấy”.
Ngoài ra, tài liệu ngữ văn và lịch sử mới chú trọng tăng cường ý thức chủ quyền quốc gia và giáo dục ý thức về hải phận, nói về nguồn gốc lịch sử vì sao những địa khu như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và đảo Điếu Ngư, các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc về lãnh thổ Trung Quốc không thể tách rời.
Trước việc này, tổng biên tập Ngũ Phàn của trang mạng tiếng Trung Chinaaffairs của Mỹ bình luận: “Tư tưởng chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc đã bị coi khinh, đại đa số người dân không tin vào nó. Vậy thì Trung Quốc cần tư tưởng gì đây? Nó đã lấy một số từ văn hóa cổ của Trung Quốc, như Đạo, Nho, Phật, lại thêm một số anh hùng, lại thêm tư tưởng của lãnh tụ ĐCSTQ là Mao Trạch Đông, các câu chuyện về Mao Trạch Đông hòa trộn vào trong đó, tạo thành một loại văn hóa Trung Hoa hỗn tạp màu đỏ, hoặc có thể là màu đỏ nhạt.”
Thành Đô
Xem thêm:
Từ khóa sách giáo khoa Giáo dục tẩy não biên soạn sách giáo khoa