Trung Quốc trông đợi vào than của Nga để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng thiếu điện
- Ngân Hà
- •
Trong nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện, Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu than và điện từ Nga, theo các phương tiện truyền thông nhà nước và cơ quan chính phủ.
Tổng số than mà Trung Quốc đã mua trong tháng Chín tăng 17% so với tháng trước lên tới 32,9 triệu tấn, con số cao nhất năm nay, theo cơ quan hải quan Trung Quốc đưa ra hôm thứ Tư (13/10), trong bối cảnh chính phủ nước này đang gắng sức bình ổn việc cung cấp năng lượng trước khi nhu cầu lên cao điểm vào mùa đông.
Tình trạng căng thẳng về năng lượng do thiếu hụt và giá chất đốt cao kỷ lục đã khiến Bắc Kinh phải thi hành nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất than và kiểm soát nhu cầu về điện. Một số tỉnh đã phải thực hiện các biện pháp cắt điện luân phiên.
Vladimir Oshchepkov, tổng lãnh sự Nga thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang gần biên giới với Nga, hôm 1/10 được hãng tin Nga TASS trích dẫn nói rằng nhập khẩu than của Nga vào Hắc Long Giang đã giảm 40% từ đầu năm vì các biện pháp thắt chặt trong đại dịch và do thiếu toa xe lửa.
Tuy vậy, hiện tại nhiều biện pháp đã được thực hiện để khôi phục lại việc nhập khẩu, theo các báo cáo. Tờ Tân Hoa Xã hôm thứ Tư cho biết ga đường sắt Tuy Phân Hà tại Hắc Long Giang đã chấn chỉnh các dịch vụ hậu cần để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển than từ Nga. Mỗi ngày, hơn 5.000 tấn than đã được chuyển qua nhà ga trong tuần từ 1/10 đến 7/10.
Lưới điện quốc gia của Trung Quốc tuần trước cho biết nguồn cung điện từ Nga tới Trung Quốc thông qua đường dây truyền tải Amur – Hắc Hà đã tăng từ 5 lên 16 giờ một ngày, khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung điện được giảm thiểu đáng kể.
Hơn 50.000 tấn than cũng được chuyển đến tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc và hôm Chủ nhật.
Artyom Lukin, phó giáo sự tại Đại Học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông tại Vladivostok, cho biết tình trạng căng thẳng về năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu cho thấy quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh sẽ khó khăn hơn và kéo dài hơn dự kiến.
“Trong tương lai gần, không có một thay thế thực tế nào cho than và khí tự nhiên như là nguồn cung chính cho nhà máy điện và cho sưởi ấm,” ông nói.
“Việc thiếu nguồn cung điện ở Trung Quốc sẽ củng cố liên minh năng lượng giữa Moscow và Bắc Kinh, vì Nga là nguồn cung than, khí đốt và dầu bên ngoài gần nhất với Trung Quốc. Do đó Bắc Kinh có thể đồng ý với dự án đường dẫn khí đốt Siberi 2, dẫn khí đốt của Nga từ tây Siberi tới Trung Quốc qua Mông Cổ.”
Có vô vàn lý do đằng sau việc Trung Quốc thiếu điện. Một lý do là giá than không được điều tiết và gần đây lên cao kỷ lục, trong khi giá điện bị điều tiết, khiến các công ty điện không sẵn sàng sản xuất vì lợi nhuận kém hơn.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu điện. Đại diện Phòng Thương mại châu Âu phát biểu trong một hội nghị qua video hôm thứ Tư rằng các công ty đôi khi chỉ nhận được thông báo trước một giờ để sắp xếp lại ca làm việc tại các nhà máy với 1.000 nhân viên.
“Chúng tôi cần thông tin có giá trị hơn từ chính phủ để giúp các công ty của chúng tôi xử lý,” Joerg Wuttke, người đứng đầu tổ chức nói. “Chúng tôi không yêu cầu đặc ân. Chúng tôi chỉ yêu cầu sự rõ ràng.”
Phòng Thương mại yêu cần nhà chức trách rà soát lại cách họ quyết định công ty nào bị cắt điện hoặc ngừng sản xuất, kêu gọi một “cách tiếp cận khoa học và minh bạch” và thông tin về các quyết định đáng tin cậy hơn.
Ngân Hà (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc Dòng sự kiện Trung Quốc thiếu điện