Truyền thông Mỹ: Trung Quốc đang triển khai thành lập bộ máy tuyên truyền lớn trên thế giới
- Phong Vân
- •
Hôm thứ Ba (ngày 20/3), Bloomberg tại Mỹ chia sẻ nguồn tin cho biết, chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch thành lập một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất thế giới, hy vọng có thể cải thiện hình ảnh tiêu cực của nhà cầm quyền này trên toàn cầu.
Cơ quan truyền thông mới này sẽ có tên “Tiếng nói Trung Quốc”, nhưng giới quan sát có đặt nghi vấn không phải Trung Quốc muốn xây dựng phiên bản theo kiểu “Tiếng nói nước Mỹ” (VOA), mà đây sẽ là bộ máy “siêu tuyên truyền” mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bloomberg đưa tin, cơ quan tuyên truyền mới này sẽ được thành lập thông qua hợp nhất và điều chỉnh từ các cơ quan tuyên truyền hiện tại của ĐCSTQ là Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) và Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR). Tổ chức tuyên truyền mới này được gọi là “Tiếng nói của Trung Quốc”, sẽ được tài trợ bởi chính phủ giống như “Tiếng nói nước Mỹ” (VOA) do Chính phủ Mỹ tài trợ. VOA của Mỹ là cơ quan truyền thông được Chính phủ Mỹ tài trợ, khởi động từ Thế chiến thứ Hai, để phục vụ lợi ích của nước Mỹ.
Con đường tìm lại hình ảnh cho nhà cầm quyền Trung Quốc
Thông tin của Bloomberg chỉ ra, tổ chức “siêu tuyên truyền” mới thành lập này sẽ là một trong những tổ chức truyền thông lớn nhất thế giới, được định vị là công cụ quan trọng để ĐCSTQ tô vẽ hình ảnh trên toàn cầu, để ĐCSTQ đẩy mạnh hơn năng lực nhào nặn dư luận xã hội. Hiện nay, nhà cầm quyền Trung Quốc chưa công khai thông tin này.
Hôm thứ Ba (20/3), Văn phòng Thông tin của Chính phủ Trung Quốc cho biết, hiện họ chưa nhận được bất kỳ thông tin liên quan nào về vấn đề này.
Để thúc đẩy sức mạnh mềm, trong khoảng một thập kỷ qua ĐCSTQ đã chi hàng tỷ đô la Mỹ (USD) cho hoạt động tuyên truyền ra bên ngoài, trong đó có việc xây dựng các trung tâm văn hóa tại các trường Đại học bên ngoài Trung Quốc. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) năm 2017, hầu hết các nước như Nhật Bản, Đức và Ý vẫn giữ thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc.
Còn trong kế hoạch “Một vành đai – Một con đường”, ĐCSTQ đã chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, làm nhiều nước cảm thấy lo ngại, cảnh giác. Giới chính trị gia Mỹ, Đức và Úc đều cho biết phải cảnh giác trước ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc, vì đi cùng đầu tư nước ngoài thì ĐCSTQ cũng gia tăng sức mạnh quân sự.
Trong bối cảnh này, ĐCSTQ hy vọng sẽ cải thiện hình ảnh đối với thế giới để thay đổi cách nhìn tiêu cực của các nước, việc xây dựng tổ chức tuyên truyền này là một khâu trong đó.
>>Lợi dụng truyền thông phương Tây, Trung Quốc bao che tội ác phản nhân loại
Kể từ khi xây dựng chính quyền đến nay, ĐCSTQ không bao giờ buông lỏng kiểm soát ngôn luận, câu “Truyền thông của Đảng phải mang tính Đảng” là khắc họa chân thực nhất về cỗ máy tuyên truyền của nhà nước cộng sản này. Trung Quốc cũng là nước có bộ máy tuyên truyền với quy mô lớn bất thường. Theo nguồn tin chính thức, CCTV có ít nhất 10.000 nhân viên, còn Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc có hơn 2.100 nhân viên, và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc có 2.000 nhân viên.
Theo mô hình Russia Today của Nga
Nhiều nghi vấn cho rằng ĐCSTQ xây dựng cỗ máy siêu truyền thông này không theo mô hình VOA của Mỹ mà theo mô hình Russia Today (RT) của Nga.
Năm 2013, ông Putin đã giải thể RIA Novosti và Tiếng nói nước Nga, tái cơ cấu thành “Nước Nga ngày nay” (Russia Today, RT). RT của Nga tuyên truyền ra toàn thế giới bằng 4 ngôn ngữ chính gồm Nga, Anh, Ả Rập và Tây Ban Nha.
Lấy trường hợp tại Mỹ, Nga phát sóng kênh RT tại nước Mỹ, nhờ môi trường truyền thông cởi mở Mỹ, Nga đã thuê Larry King, nhân vật từng là người dẫn chương trình nổi tiếng của CNN Mỹ nhằm xây dựng hình ảnh “làm truyền thông tại Mỹ bằng chính người Mỹ”, nhưng thực tế là để tuyên truyền cho Nga.
Một người làm trong giới truyền thông tại Trung Quốc đại lục chỉ ra, nhiệm vụ chủ yếu của RT là để truyền bá quan điểm của Nga, nhìn thế giới bằng lăng kính của Nga, cho nên trong nội dung RT xây dựng một số lượng đáng kể chủ đề chống Mỹ, đồng thời lập trường quan điểm phê phán chủ nghĩa dân túy, giành thị trường Mỹ bằng con đường chống giới truyền thông dòng chính của Mỹ.
Cơ quan thông tin này có được thành công nhất định tại thị trường Mỹ và phương Tây nói chung nhờ vào lợi dụng tinh thần phê phán và thái độ hoài nghi của người phương Tây trong mọi vấn đề. Khẩu hiệu truyền thông “Đặt câu hỏi nhiều hơn” (Question More) của RT là khẩu hiệu phù hợp với tâm lý của một số lượng đông đảo công chúng Mỹ cũng như phương Tây nói chung.
Người làm trong ngành truyền thông Trung Quốc này nhận định, cách truyền bá thông tin theo tinh thần “chủ nghĩa hoài nghi” này nhằm ám thị cho khán giả rằng không nên cả tin vào các cơ quan truyền thông dòng chính, cũng có vai trò nhất định trong việc lặng lẽ “loại bỏ” những quan điểm tiêu cực từ lâu của công chúng phương Tây đối với Nga.
“Trong thực tế, RT luôn phục vụ cho lợi ích quốc gia của Nga, nó khá thành công trong nhào nặn dư luận xã hội để xây dựng hình ảnh của Nga ở nước ngoài”, người trong giới truyền thông Trung Quốc đại lục nhận xét.
Truyền thông nhà nước của Trung Quốc cũng đã sớm triển khai hợp tác với RT của Nga.
Năm 2015, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và RT của Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác, hai bên nhất trí thiết lập cơ chế liên lạc trực tiếp trong lĩnh vực phát sóng video tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ả Rập, đồng thời tăng cường trao đổi sản phẩm thông tin và chương trình, trao đổi cán bộ và hợp tác trong truyền thông mới .
Năm 2016, trang web chính thức của CCTV đăng bài viết tựa đề “Thực tiễn và chiến lược tuyên truyền quốc tế của RT Nga”, bài viết giới thiệu về kinh nghiệm tuyên truyền cho Chính phủ Nga của RT ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Vấn đề đăng ký đại diện ở nước ngoài
Nhưng thời điểm Trung Quốc xây dựng tổ chức siêu truyền thông mới vừa trùng hợp với sự trỗi dậy của phương Tây trong cảnh giác với ảnh hưởng chính trị của truyền thông chính thức của Nga. Vào năm 2017, RT của Nga đã bị Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu phải đăng ký đại diện tại nước ngoài. Liệu kế hoạch xây dựng hệ thống siêu truyền thông của Trung Quốc ứng phó vấn đề này như thế nào?
Từ năm 1938, Mỹ đã sớm thông qua “Luật đăng ký Đại diện nước ngoài” (Foreign Agents Registration Act, gọi tắt FARA), mục đích khi đó là để chống lại công tác tuyên truyền của Đức Quốc xã. Luật này đòi hỏi bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đại diện cho “người ủy thác nước ngoài” phải đến Bộ Tư pháp Mỹ để đăng ký và tiết lộ danh tính của bên ủy thác mà cá nhân hoặc tổ chức làm đại diện, bao gồm chính phủ, đảng phái, các cá nhân hoặc tổ chức bên ngoài nước Mỹ.
Nếu ĐCSTQ thành lập “Tiếng nói Trung Quốc” trú tại Mỹ, có lẽ bước đầu tiên phải đặt vấn đề là: Cơ quan này có chủ động đăng ký đại diện trú ở nước ngoài.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, phải ghi rõ ngay trang đầu của trang web tổ chức hoặc ở trang phụ “Về chúng tôi” những thông tin liên quan đến cơ quan truyền thông nước ngoài chủ quan của bên đại diện phục vụ; những thông tin này cũng phải được ghi rõ trên trang truyền thông xã hội chính, diễn đàn trực tuyến hoặc blog của tổ chức đại diện ở nước ngoài.
Theo hồ sơ công khai của Bộ Tư pháp Mỹ, công ty phát hành của Nhật báo Trung Quốc (China Daily) bản tiếng Anh đăng ký Đại diện nước ngoài với Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 1983, nhưng chỉ có một vài cán bộ cấp cao của cơ quan này được yêu cầu phải công khai làm cho Nhật báo Trung Quốc.
Theo “Luật đăng ký Đại diện nước ngoài” đối với các tổ chức truyền thông nói chung (như nhật báo, tạp chí, các loại tuần san, nguyệt san…), nếu trong thành phần nòng cốt có ít nhất 80% là công dân Mỹ, không phải chịu điều khiển, trợ cấp hoặc tài trợ của bất cứ chủ thể nước ngoài nào, quyết định của tổ chức không phải là quyết định ủy thác của chủ thể nước ngoài, thì mới không bị xem là cơ quan đại điện của nước ngoài.
Cho đến nay, Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTV) và Tân Hoa xã Trung Quốc chưa đăng ký đại diện nước ngoài tại Mỹ.
Phong Vân
Xem thêm:
Từ khóa Truyền thông Trung Quốc công cụ tuyên truyền Trung Quốc