Ngày 10/12 vừa qua, Hoa Kỳ lần đầu tiên công khai trừng phạt quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đàn áp Pháp Luân Công. Theo đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố trừng phạt Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), Giám đốc Sở Cảnh sát thuộc Cục Công an thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc, vì “đặc biệt vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của người tập Pháp Luân Công”. Dựa trên Mục 7031(c) của Đạo luật phân bổ ngân sách Bộ Ngoại giao, Hoạt động Đối ngoại và các Chương trình Liên quan năm 2020, Hoàng Nguyên Hùng và vợ của anh ta đã bị cấm không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Vài nét về "người hùng" của Trung Cộng bị Hoa Kỳ trừng phạt vì đàn áp Pháp Luân Công
Hoàng Nguyên Hùng. (Ảnh: Tạp chí nhân quyền Bitter Winter thu thập từ Wechat)

Hoàng Nguyên Hùng từng được ĐCSTQ mô tả là “người hùng” của chế độ. Anh ta làm việc 12 giờ một ngày để “chống lại” những tín ngưỡng bị Đảng gán nhãn là “tà giáo”. Anh ta làm việc không nghỉ lễ, và truyền thông nhà nước đã phong anh ta là một vị “sư” hay “thánh” của Đảng.

Tạp chí nhân quyền Bitter Winter của Ý cho biết, việc Hoàng Nguyên Hùng bị trừng phạt là do luật sư của những người tập Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ đã nộp một đơn khiếu nại với rất nhiều tài liệu bằng chứng. Nguồn tin của Bitter Winter bên trong Bộ Ngoại giao đã nói: “Nếu mọi người tỉ mỉ như Pháp Luân Công trong việc thu thập tất cả các loại tài liệu hỗ trợ các cáo buộc của họ, sẽ có nhiều lệnh cấm đối với những người vi phạm nhân quyền theo Mục 7031(c).”

Một trong các trường hợp bị bức hại tại Phúc Kiến được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc tới trong báo cáo là trường hợp của ông Diệp Quốc Hoa (Ye Guohua), một giáo viên trung học phổ thông tại Phúc Kiến, bị bắt và giam giữ 4 lần từ năm 2002 tới 2018 vì kiên trì tu Pháp Luân Công. Sức khỏe của ông Diệp đã bị phá hủy vì liên tục bị tra tấn trong quá trình giam giữ. Năm 2018, gia đình ông được công an thông báo rằng ông đang ở bệnh viện. Ông Diệp đã bị đưa tới trong tình trạng hôn mê, người bị sưng nghiêm trọng, các cơ quan nội tạng đều ở trong tình trạng hiểm nghèo. Ông qua đời vài ngày sau đó. Khi một người gọi điện tới trại giam để hỏi về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông, người nhân viên đã rất bồn chồn và trả lời rằng: “Ông ta đã chết, chẳng còn gì để làm nữa. Hỏi về vấn đề này chỉ gây ra thêm rắc rối mà thôi.”

Mặc dù Hoàng Nguyên Hùng được truyền thông nhà nước “tung hô”, nhưng theo tài liệu được gửi tới Bộ Ngoại giao, thì ông ta đã ép buộc người nhà của các nạn nhân bị bức hại phải trả tiền để chuộc người thân về, và sau đó một thời gian lại tiếp tục bắt giữ họ. Nạn nhân của Hoàng Nguyên Hùng là những người thuộc các tín ngưỡng bị chế độ gán nhãn là “tà giáo”. Đặc biệt trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 thì Hoàng Nguyên Hùng đã tham gia rất tích cực.

Tuy nhiên ngay cả việc gán nhãn Pháp Luân Công là “tà giáo” tại Trung Quốc cũng không có cơ sở pháp lý. Ngày 2/6/2014, “Pháp trị vãn báo” từng công bố danh sách 14 tổ chức tà giáo do ĐCSTQ xác định. Nhưng trong bản danh sách được chính quyền Trung Quốc đưa ra không hề có tên của Pháp Luân Công. Hơn thế nữa, 2 công văn được Bộ Công an Trung Quốc công bố vào năm 2000 và năm 2005 cũng đều không có nhắc đến Pháp Luân Công.

Luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng khi đó từng đăng một bài viết trên Twitter chia sẻ về sự việc này: “Pháp Luân Công bị Trung Cộng coi là tà giáo để bức hại và đàn áp gần 15 năm nay.” “Rất nhiều người bị theo dõi, bắt bớ, giam giữ, lục soát nhà cửa, lao động cưỡng bức, kết án, tẩy não… nhưng họ không hề nằm trong danh sách 14 cái tên được Trung Cộng nhận định là tà giáo! Cơ sở pháp lý nào đã duy trì cuộc đàn áp tanh máu tàn khốc này trong nhiều năm như vậy!”

Luật sư nhân quyền Bắc Kinh Mạc Thiếu Bình khi đó cũng bình luận: “Cho dù là điều 300 Luật Hình sự hay quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cũng như trong giải thích của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao đều không hề nói rõ ràng rằng Pháp Luân Công là tà giáo, chỉ có hai bản thông báo giải thích tư pháp do hai tổ chức này công bố mới xác nhận rõ ràng rằng Pháp Luân Công là tà giáo, tuy nhiên bản thân nó cũng không phù hợp với quy định của luật pháp Trung Quốc.” Như vậy Bộ Công an ĐCSTQ ngay từ đầu đã biết rõ cuộc đàn áp Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý.

Tháng 11/2020, một văn kiện mật được ĐCSTQ ban hành vào 20 năm trước đã lan truyền trên mạng. Đây là tài liệu ý kiến tư pháp chung do Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư Pháp Trung Quốc, ban hành vào ngày 30/11/2000, được xếp vào văn kiện tuyệt mật. Điều này có nghĩa là chỉ có những bộ ngành trực tiếp tham gia xây dựng và thực thi pháp luật của ĐCSTQ mới được đọc nội dung của văn kiện nói trên, còn các thẩm phán địa phương, công an và công tố viên không có quyền được đọc. Đây chính là Văn kiện Pháp luật số 29 ban hành năm 2000, yêu cầu “Cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phải kiên quyết quán triệt thực hiện” chỉ thị trọng yếu của Tổng bí thư ĐCSTQ lúc đó là Giang Trạch Dân trong việc “quyết liệt trừng trị” Pháp Luân Công.

Luật sư nhân quyền Trung Quốc Trần Kiến Cương bình luận, tài liệu do 5 cơ quan cùng nhau ban hành “đứng từ góc độ pháp luật mà nói, nó không hề có bất kỳ đặc trưng và hiệu lực nào của pháp luật.” “Nó còn là một văn kiện tuyệt mật, điều này thấy rõ 5 cơ quan này đang âm thầm thực hiện các hoạt động phạm pháp.”

Về phương diện luật pháp, bất kỳ tài liệu pháp luật nào đều phải tuân thủ theo các trình tự xác nhận thông thường, đồng thời phải được công bố công khai, tuy nhiên “Văn kiện 29/2000” của 5 cơ quan luật pháp Trung Quốc này lại trực tiếp định tội cho người tập Pháp Luân Công, yêu cầu các cơ quan tư pháp sử dụng luật hình sự để kết tội, và xử lý các trường hợp Pháp Luân Công như một vụ án hình sự, ví dụ sử dụng tội danh “kích động, lật đổ chính quyền nhà nước” hay “phỉ báng các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước”.

Trong ý kiến tư pháp tuyệt mật của 5 cơ quan này đã tuyên bố rằng, việc xử lý các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công là có mang “tính chính trị, tính pháp luật và tính chính sách rất mạnh mẽ”, vậy nên yêu cầu “cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phải phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng ủy”.

Kể từ năm 1999 đến hiện tại, những người tập Pháp Luân Công đã liên tục bị ĐCSTQ đàn áp suốt 21 năm. Mới đây nhất vào quý 3 năm 2020, nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch đàn áp nghiêm trọng nhắm vào người tập Pháp Luân Công, với các gói “tiền thưởng tố giác” lên tới 100.000 Nhân dân tệ. Một số tỉnh thành còn tuyên bố chiến dịch đặc biệt này duy trì đến 3 năm. Việc sử dụng tiền thưởng như vậy đã kéo dài suốt cuộc đàn áp này, và cũng là một nguyên nhân khiến những cá nhân như Hoàng Nguyên Hùng tích cực tham gia vào cuộc đàn áp.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: