Bánh Su-Sê hay Bánh Phu-Thê? (P2)
- Nguyễn Vĩnh Tráng
- •
Ngữ Học với cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Giáo Sư. Lê Ngọc Trụ. [hiện giờ, năm 2018, tôi đã có cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị].
Tôi đã từng nghe tiếng GS. Lê Ngọc Trụ, nhưng cũng vì xa Việt Nam quá lâu (từ 1962 đến bây giờ), nên tôi không biết nhiều về các tác phẩm của GS. Lê Ngọc Trụ. Có chăng, là tôi có đọc Cách Phiên Thiết của GS. Lê Ngọc Trụ trên Internet mà tôi rất khâm phục. Khó ai mà phản bác được giá trị của những công trình khảo cứu của GS. Lê Ngọc Trụ đối với văn học nước nhà. GS Lê Ngọc Trụ đã đào tạo rất nhiều Cữ Nhân Văn Chương có tiếng tăm ở trong và ngoài nước. Một số các vị Cữ Nhân nầy, nay đã có bằng Tiến Sĩ Văn Chương và đã giảng dạy tại các Đại Học khắp năm châu.
Mặc dù với tấm lòng ngưỡng mộ của tôi đối với GS. Lê Ngọc Trụ, nhưng mấy chữ « Bánh su-sê hoặc sô-sê do tiếng “phu thê bính” đọc trại » không thuyết phục tôi. Vả lại trong Phần 1 của bài viết, tôi đã chứng minh rất cụ thể, qua các Từ/Tự Điển xưa (Alexandre de Rhodes, Taberd, Huình Tịnh Của, Génibrel, Bonet, Gustave Hue) là ba chữ « Bánh Sô/Su-Sê » có trước ba chữ « Bánh Phu-Thê » [phụ thêm năm 2018]. Có thể GS. Lê Ngọc Trụ, vì đã biết ba chữ « Phu-Thê Bính » (loại bánh nầy do Tàu đặt ra, chứ không phải loại bánh « Phu Thê » của Đình Bảng, nếu có), nên mới có xu hướng cho « bánh Su-Sê » là do « Phu-Thê Bính » mà ra chăng ? Nên tôi đã vất vả tìm kiếm hai cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị và Tầm Nguyên Từ Điển Việt Nam của giáo sư, từ Mỹ đến Việt Nam, để tìm hiểu cách giải thích của giáo sư, nhưng đến bây giờ cũng chưa có được [Hiện giờ năm 2018, tôi đã có cuốn Chánh Tả Tự Vị của GS. Lê Nhọc Trụ, NXB Thanh Tân, Sàigòn, 1959, và cuốn Tầm Nguyên Từ Điển của GS. Bửu-Kế, NXB Nam Cường, 1955 (không cho tên thành phố xuất bản)].
Trong cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị (NXB Thanh Tân, Sài Gòn, 1959), Giáo Sư Lê Ngọc Trụ cho [Phụ thêm năm 2018] :
– Không có chữ « Phu ».
– « Sê » [trang 407]
1- Sê (n). bánh sô-sê, su-sê do tiếng « phu –thê bỉnh (sic) » (bính ?) đọc trại. (dấu n có nghĩa là tiếng Nôm).
2 – Sê (tđ) sum sê. (dấu tđ có nghĩa là tiếng đôi hoặc tiếng đệm).
– « Sô » [trang 422]
1- Sô (n) ∞ sồ < thô (bố) 粗, thứ vải dệt thô và thưa : sô gai. bánh sô-sê, cũng gọi su-sê. (dấu ∞ có nghĩa là đối lẫn nhau, có liên hệ với nhau. Dấu < có nghiã do gốc Hán Việt mà ra).
2 – Sô (h) 芻, cỏ cho thú ăn ; cỏ khô ; quê mùa… (dấu (h) có nghĩa là âm Hán Việt).
3 – Sô 縐 (đúng âm trứu) > châu (sá), hang dệt có nổi hột… (dấu > có nghĩa là tiếng Hán Việt cho ra tiếng Nôm).
4 – Sô 騶, đúng âm trưu, người canh gác; người kỵ sĩ hộ vệ.
– « Su » [trang 427]
1- Su (n). tên loại cây : cây Su ; củi Su.
2 – Su. thô tục ; ngu si : Su si ; Su sơ.
3 – Su. cứt Su < sơ 初, (dấu < có nghĩa là do chữ Sơ mà ra), con nít mới sanh tiêu ra lần đầu, cứt đen và dẻo : đời ông Nhạc ỉa cứt su = lâu đời quá.
4 – Su. bánh su-sê hoặc sô-sê do tiếng « phu thê bỉnh (sic) (bính ?) » đọc trại.
5 – phiên âm : su-hào (chou rave) ; cao-su (caoutchouc).
– Không có chữ « Thê ».
Thật sự như đã trình, lúc đầu tôi không đi tìm nguồn gốc hai chữ « Su Sê », vì tìm làm gì ? Có thể Ông Bà, Tổ Tiên chúng ta khi tạo ra loại bánh đó rồi tùy tiện (arbitrairement / arbitrarily) gọi là « bánh Su-Sê » thì sao ?
Khi ta đặt tên cho một sự vật, thì thường ta có ba ý :
– Đặt tên một cách tùy tiện. Cái đó có tên là A, và hết.
– Đặt tên có dụng ý, như « bánh da lợn » vì loại bánh nầy giống « thịt heo (lợn) ba chỉ » (?).
– Lấy tên của ngoại quốc đặt, rồi ta đọc trại ra, như « bu gi ; bu ri » (bougie = nến điện đánh lửa), hay « bánh Trung-Thu » (Trung Thu Nguyệt Bính 中秋月餅).
Vậy không chắc gì hai chữ « Su Sê » do người ngoại quốc đặt, mà phải đi tìm kiếm nguồn gốc chữ ngoại quốc. Nhưng GS. Lê Ngọc Trụ đã cho trong cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, nên tôi phải tìm hiểu cách giải thích của giáo sư.
Trong cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, GS. Lê Ngọc Trụ cho biết là chỉ chuyên khảo cứu các chữ Hán-Việt. Vậy nếu hai chữ « Su-Sê » là tên đặt tùy tiện, hay do gốc của các thứ tiếng khác (không phải chữ Hán), như hai chữ « Sa-Kê » trong cây Sa-Kê là do chữ Thái « saké (สๅเก) » (đọc là xa kê) mà ra, thì sao ? Lúc trước, ở nhà tôi, tại Huế, có trồng một cây Sa-Kê. Trái như trái Mít, nhưng tròn và nhỏ hơn trái Mít nhiều. Chúng tôi chỉ lấy hột, luộc lên mà ăn, rất ngon (xem thailande culture et tradition, trên mạng).
Sau đây là trích một phần lời Tựa đó :
« Vả lại, về tự-nguyên, chúng tôi chỉ chú-trọng phần lớn vào tiếng Hán-Việt, dựa nơi âm, nghĩa của nó mà truy-khảo; những tiếng Việt chuyển gốc hoặc tương-đương với mấy tiếng Mường, Chàm, Đồng-bào Thượng…hoặc tiếng các xứ láng-diềng, tiếng Thái, tiếng Môn-Miên, tiếng Mã-lai…vì thiếu tài-liệu đích-xác, nên không xét đến. Vì vậy, trong quyển nầy, riêng chúng tôi cũng tự thấy còn khuyết-điểm sai-lầm. Nhưng vì nhiệt-tâm với tiền-đồ ngôn-ngữ văn-tự nước nhà, chúng tôi mạo-muội cho xuất-bản, dám mong được quý ngài phủ-chánh và chỉ-giáo cho, để cùng đi lần đến sự thống-nhứt chánh-tả. »
Nếu tôi không lầm, thì GS. Lê Ngọc Trụ hầu như cho phần đông tiếng Việt là do tiếng Tàu mà ra (khoảng 90 %). Mặt khác, cũng do chuyện đi tìm tài liệu của GS. Lê Ngọc Trụ, tình cờ tôi được biết Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng và đã được bác sĩ cho tôi khoảng 25 bài viết của bác sĩ.
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, ngoài việc hành nghề Y Khoa, còn khảo cứu thêm nguồn gốc tiếng Việt trên 30 năm (từ năm 1981). Bác Sĩ đã cho ra cuốn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt dưới dạng 10 CD và dưới dạng in trên giấy khoảng trên 2 000 trang (in năm 2012), gồm khoảng 275 000 thí dụ về đồng nguyên của 58 tiếng nói ở Đông Nam Á, dùng làm chỗ dựa cho khoảng 27 400 tiếng Việt (từ đơn, kép, ghép ba, ghép bốn). [Hiện giờ, năm 2018, tôi đã có 3 cuốn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt].
Chúng ta hãy nghe BS. Nguyễn Hy Vọng.
Trích bài « Những cái bất ngờ lý thú trong khi tìm hiểu tiếng Việt và nguồn gốc Nam-Á ». của BS. Nguyễn Hy Vọng :
« Ông Lê ngọc Trụ, cách đây 40 năm, nhìn đâu cũng thấy tiếng Tàu, nên đã gượng ép gán cho rất nhiều tiếng Việt, từ Việt những cái âm hưởng đồng nguyên giả tạo [false cognatic inferences ] với tiếng Tàu hay âm Hán Việt, mà không hề đưa ra bằng chứng có thật về đồng nguyên với các ngôn ngữ khác ở Đông nam Á :
chỉ 紙 sinh ra [sic] giấy
tranh 爭 sinh ra giành
chủng 種 sinh ra giống
chính 正 sinh ra giêng [sic] / chính nguyệt là tháng giêng !
khang 腔 sinh ra xương
cấp 急 sinh ra gấp
cương 綱 sinh ra giềng [- mối]
tiết 節 sinh ra Tết
tải 載 [chuyên chở] sinh ra chài [ghe chài] [?!]
Ta hãy xem dưới đây nguồn gốc [cognates] thật sự của các tiếng trên :
GIẤY [paper / papier]
Mường : k-chấy
Burma : s-giuếy
[nếu bảo là âm này là Tàu thì tại sao người Mường và Burma còn phát âm giống Việt hơn nhiều ?]
GIÀNH [to dispute, compete, vie for, to accaparate, take away from, ] [se disputer, entrer en compétition, s’emparer de].
Mường : chènh, chèng
Nùng : cheng = tranh giành
Thái : pr-chành
gièng chjing = giành nhau
Mon : k-giành
Khmer : pr-chèng
chèng
kòn-nhèng
tròn-chèng
Indonesia : saing = giành giựt
[nếu bảo là do chữ tranh của Tàu mà ra thì tại sao không nói là cạnh giành, giành thủ, giành chấp, chiến giành! Mà lại nói là cạnh tranh, tranh thủ, tranh chấp, chiến tranh ?].
GIỐNG [species, gender, race] [espèce, genre, race]
Hmong : t-zống
Thái : kh-yong (âm : kh-giống)
GIÊNG (tháng giêng) [first month of the lunar calendar][premier mois lunaire] không phải là do chữ chính mà ra, vì nguồn gốc và nghĩa nó khác hẳn !
Thái : chiêng, kiêng
đươn chiêng = tháng giêng
đươn kiêng = tháng giêng
Nùng : chiêng
hươn chiêng = tháng giêng
Lào : đươn giêng = tháng giêng
Burma : a-yiêng [đầu tiên, trước hết]
Pali/Sanscrit : yir [ id ]
Chàm : bulăn đhia = tháng giêng
[nếu bảo là do chữ chính của Tàu mà ra, thì tại sao không nói là giêng trị, giêng quyền, giêng sách [sic] v..v.. mà lại nói chính trị, chính quyền, chính sách] ?
XƯƠNG [bone][os]
một tiếng rất hay nói : [bộ -, – xóc, – xẩu, gãy – v..v…] mà ông Lê ngọc Trụ gán cho nó một âm hưởng Hán Việt là khang [sic], trong khi hàng chục đồng nguyên của hàng chục ngôn ngữ anh em với tiếng Việt dưới đây, cho thấy quá rõ nó nguồn gốc từ đâu.
Mường : xang
Nùng : xang
Khmer : x-ưang
Aslian [bên Malaysia] : xương
Hmong/Mèo : x-âng
Bahnar : x-ang, k-xang
Sedang : k-siang, k-xiang
Katu, Bru : ng-ang
Rengao : k-xâng
Mdrah, Didrah, Todrah [gần Kontum] : k-xeng
Palaung/Wa : x-ang
Mundari, Santali [đông bắc Ấn độ] : xang, zang, jang
[hàng chục sắc dân này đâu có dính dáng gì đến Tàu đâu, họ đều phát âm như Việt vậy].
GẤP [hurried, hasty, urgent][urgent, en hâte, hâtif]
Malay: gapah
Thái : khu-ấp (âm : khấp)
k-kấp k-kap = gấp gáp !
hu-ấp háp = id
h-ngốp h-ngap = id
Khmer : hi-ấp
Saora [dòng Munda] : s-gấp
Lào : hấp / rấp
hấp rịp = gấp và rộn rịp!
hấp pày = đi gấp
Chàm : h-gấp = gấp, vội.
[cả vùng ngôn ngữ Đông nam Á mấy trăm triệu người cũng nói vậy, đâu phải chỉ là vấn đề riêng giữa Việt và Tàu đâu ? mà bảo là gốc Tàu !].
GIỀNG [- mối]
English : established customs, habits, patterns of transaction, business or ways of life.
Francais : coutumes, habitudes de vie, pratiques de transactions.
Một chữ nghe âm hưởng rất là Việt và có vẻ quê mùa, vậy mà dính gốc với Thái Lào thuần ròng và đúng điệu !
Thái : yiềng, ji êng = kiểu cách, cách thức đường lối.
Khmer : riềng = hình thức, kiểu mẫu, mô hình.
Lào : yiềng = sự sắp xếp, xếp đặt, dàn xếp.
[chữ giềng tự nó đã có nguồn gốc rõ ràng, cần gì phải gượng ép bắt nó dính líu vào chữ cương của Tàu ?].
TẾT [ngày -, ăn -, pháo -, chúc -, lễ -, hội -, mừng -, đi -, biếu -, quà -, sắm – // – nhất, – ta, – tây v… v…]
Tết là ngày hội hè đầu năm
Eng : lunar new year festival, celebration, holidays.
Fr : nouvel an oriental, du calendrier lunaire.
Một tiếng « nhức nhối » về ý nghĩa, các ông Hán Việt cho là nó đọc trẹ cái âm của Tàu là Tiết [season, time, climate change…]
Từ điển Huỳnh tịnh Paulus Của : tiết đầu năm [sic].
Từ điển Khai Trí Tiến Đức : không hề cho rằng tết là tiết .
Từ điển của Al de Rhodes : có nhắc đến những từ ngữ : tết năm, tết ai, ăn tết.
Nhưng coi chừng, cả mấy chục ngôn ngữ ở Đông nam Á không dính dáng gì đến Tàu, cũng nói như vậy ! coi chừng bé cái lầm. Sự thực cái lầm này không bé tí nào, nó lầm lớn lắm và lầm lẫn đã hơn hai ngàn năm nay rồi, hãy xem xét trong các ngôn ngữ sau đây :
Nùng : Tét = Tết
nièn Tét = năm Tết
Chàm : băng Tít = ăn Tết [băng là ăn]
Tít = Tết [lễ tháng năm của lịch Chàm]
Bùlăn : Chết = tháng Tết
Khmer: Chêtr = lễ tháng năm [lịch xưa của Khmer], tháng gió mùa bắt đầu thổi ngược lại, tháng của mùa gió nồm ở Đong nam Á, tháng của mùa mưa đến trên lục địa Ấn và miền ĐNÁ. [Tùy theo vị trí từng nước, mưa đến với gió mùa từ cuối tháng tư đến cuối tháng năm] = tên tháng 4 và 5 của lịch Ấn xưa.
Khae Chết = tháng tết [tháng 4 dương lịch] [khae là tháng]. Tháng Tết Khmer khoảng 13 tháng tư dương lịch, khoảng 23 tháng ba âm lịch.
Chết khal = thời gian có lễ Tết ấy [khal là thời gian, lúc, khi]
Thái : Thết
thết khal = mùa tết, những ngày tết. [annual Thết celebration / new year propitious ritual]
thết Thày = tết Thái / Thái new year ritual celebration.
trếts = tết [từ điển Francais -Thái của Pallegoix]
trêts chền = Chinese new year [chền là Tàu]
chêtr = fifth lunar month [mid April]
trôts = lễ hội đầu mùa mưa của lịch Thái xưa, cuối April-May
trôts farăng dịch là Tết hoa lang [western new year]
chú ý: farăng = Hoa lang = occidental, western
Zhuang : Sit = Tết của người Zhuang bên Quảng Tây, một bộ tộc thuộc dòng Tai, họ đông đến 25 triệu người, nói tiếng thái xưa.
đươn sít = tháng tết [yearly monsoon festival ritual celebration]
Mon : K-têh = first days of Mon new year
Nepal : Teej [Teetj Brata] = lễ đầu năm của người Nepal [theo báo Người Việt Oct 9, 1992/ số báo 305]
Mustang : Tij, tiji = ngày lễ mùa mưa đến [xứ Mustang ở sát với Nepal]
Đông Bắc Ấn độ : Teej = monsoon festival [theo National geographic thì : swinging in celebration, village girls sing the ancient melodies of Teej , the festival marking the return of the monsoon and the promise of prosperity].
Sau cùng , cái cú dứt điểm [knock out punch] chấm dứt cái quan niệm sai lầm 2 100 năm hơn của chúng ta là cái cú [coup] này :
Chính Khổng Tử cũng không hề nói tết là do tiết mà ra ! Ông nói rằng :
…’ ta không biết tết là gì ! nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man[sic] họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó mà không phải là những ngày đầu năm của chúng ta. Nghe đâu họ gọi là Tế-xạ 祭蜡‘[sic] / [theo kinh Lễ ký].
Nếu Khổng Tử nghĩ rằng tiết sinh ra tết, sao lại còn đi phiên âm một cách khá vụng về là Tế-sạ làm gì ? Chữ tiết của Tàu dù là đời Khổng Tử đi nữa làm sao mà “trẹ” cái âm thành ra “tế-sạ” được ? Bởi vì ổng không nghĩ như thế !
Rồi không lẽ ổng không nghĩ như thế mà ta lại cứ khư khư bo bo mà suy nghĩ như thế làm gì nhỉ, hơn nữa có cả chục ngôn ngữ khác chẳng ăn thua gì đến tiếng Tàu mà cũng lại nói trại trại trẹ trẹ Tết, y như ở trên làm ta phải suy nghĩ lại về cái hiểu lầm “tết = tiết”.
CHÀI [kẻ -, ông -, người -, bạn -, tay -, thuyền -, đi -, làm nghề -, thả -, kéo -, đan -, quăng -, cất -, dở -, kéo -, vạn -, làng – // – lưới, – cá // chóp -, nắm chóp -].
~ chài là cái lưới cái rớ, cái đồ đánh cá, dụng cụ để bắt cá
~ chài là tung ra, rải ra, quăng ra, vất ra, ném ra, lia ra, liệng ra, làm cho bung ra
~ chài [nghĩa bóng] là quyến rủ, dụ dỗ, mê hoặc, nhử cho ai bị mắc bẫy, mắc lưới, vào tròng [chài gái, chài yểm, đi chài kẻ khờ khạo]
Eng : fish net, fish trap / to throw a fish net, to set a fish trap / to trap, to entrap, to lure into entrapment, to catch with a snare, to ensnare.
Fr : filet de pêche, épervier, tramail, carrelet de pêche / jeter l’épervier / jeter un sort, envouter, captiver qq par des paroles douceureuses.
Pali/Sanskrit/Thái : chal = cái chài [lưới, rớ]
Lào : chal = cái chơm tre để chơm cá
Chàm : chal = cái chài, lưới cá, rớ cá
thrah chal = thả lưới, thả rớ để bắt cá
Indonesia : jala = cái chài [lưới, rớ, dụng cụ bắt cá]
mata jala = mắt lưới
chjala = cho vào lưới, làm cho mắc bẫy, gài bẫy
chú ý: nghĩa bóng cũng giống nhau giữa tiếng Indonesia và Việt !
Bấy nhiêu cũng đủ đánh gục cái quan điểm hời hợt giả tạo là tiếng Tàu tiếng Việt một lò mà ra [sic].
Ông ấy lại còn viết : « trong sự truy nguyên, còn xét những tiếng gần với tiếng Mường Chàm Thái Khmer, Mã lai; công việc này ngoài phạm vi chính tả của chúng tôi » [sic].
Vậy hóa ra ổng làm như thể là những tiếng đó không có chính tả, muốn viết sao thì viết à ?
Tại sao ông ấy lại cứ phải né tránh, mà chỉ muốn truy nguyên riêng cho Hán Việt ?
Đã gọi là truy nguyên mà cứ nhè một người/đối tượng mà truy thôi, hèn gì mà đối tượng đó lãnh đủ ! Có bao nhiêu tiếng Việt, ổng đều quy cho là tại tiếng Tàu mà sinh ra cả !
Cũng tội nghiệp cho tiếng Tàu, ai ăn đâu mà mình phải chịu trận.
Vậy thì chân tay ở đâu mà sinh ra, không lẽ do thủ túc mà sinh ra ?
mặt mũi, mắt ở đâu mà sinh ra, không lẽ lại bảo là ngoài phạm vi chính tả của ổng ?
Tệ hơn nữa là gần đây, ông Nguyễn Phương, giáo sư Đại học Huế trước 1963, còn viết:
« … người Việt chẳng qua là người Tàu [sic] mà tràn xuống sinh sống ở vùng quanh châu thổ sông Hồng hiện nay, rồi khi đủ điều kiện thuận tiện [sic] thì trở thành người Việt... » ! [xin miễn phê bình].
« …tiếng Việt chẳng qua là tiếng Tàu xen lẫn một vài tiếng Mường tiếng Mọi mà thôi {sic]…vì chẳng qua gặp dịp có thêm một vài tiếng để mà tiện nói chuyện hay buôn bán với họ …» [sic] [miễn phê bình luôn vì nhận xét ấy quá kì !] ».
Hết trích. (Hơi dài, nhưng tôi phải trích ra cho hết ý).
Vậy theo tôi, Giáo Sư Lê Ngọc Trụ đã lầm chăng ? Vì đã biết đến ba chữ « Phu-Thê Bính » nên có xu hướng cho Bánh Su-Sê là do Phu-Thê Bính đọc trại ?
Phu-Thê Bính của Tàu và Bánh Su-Sê khác nhau rất xa về hình dạng cũng như nguyên liệu. Phu Thê Bính là loại bánh nướng làm bằng bột mì, không gói lại hay gói bằng giấy dầu có màu sắc, phần nhiều là hai cái một (từng cặp một), hay có khi cả năm bảy cái lại với nhau. Tôi có người bạn, lúc trước ở Sàigòn, vào khoảng những năm 1965, nói rằng người Tàu, ở Chợ Lớn, làm loại bánh nầy trong những dịp có đám cưới. Xin xem trang mạng «www.wretch/blog/clairehsiao » [2011], đã trình ở Phần 1 trên.
Ngoài ra ở Thái Lan, có loại bánh tựa tựa như bánh Su-Sê, cũng làm bằng bột nếp, nước dừa, dừa nạo, gói bằng lá chuối, và được hấp lên, có tên là Khanom Sod-Sai/Sord-Sai (ขนมสอดไส). Khanom hay Kanom nghĩa là bánh (xem Salee Thai Food Recipe, trên mạng) [2011].
Nếu hai chữ « Su-Sê » là do tiếng ngoại quốc đọc trại thì hai chữ « Sod Sai » (đọc là xô xê) gần với hai chữ « Sô/Su Sê » hơn là hai chữ « Phu Thê ». Còn nguyên liệu thì hai loại bánh Sod-Sai và Su-Sê cũng gần gần giống nhau, trong khi Phu-Thê Bính là loại bánh nướng làm bằng bột mì, không có dừa. Tôi chỉ nêu ra, chứ không khẳng định hai chữ « Su Sê » là do hai chữ « Sod Sai » mà ra gì hết.
Trong Phần 1 của bài nầy, tôi đã cố gắng chứng minh, trên phương diện Ca Dao, Tục Ngữ, Phong Tục xưa, Từ/Tự Điển chữ Nôm xưa, ba chữ « bánh Su-Sê » có trước ba chữ « bánh Phu-Thê » trong dân gian. Trong phần nầy, tôi đã đưa ra lời Tựa của cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị và trích bài « Những cái bất ngờ lý thú trong khi tìm hiểu tiếng Việt và nguồn gốc Nam-Á » để nói ra sự lầm lẫn, có thể có, rất trầm trọng của GS. Lê Ngọc Trụ, để kết luận rằng :
Hai chữ « Su-Sê » không do hai chữ « Phu-Thê » mà ra.
Có thể, có loại bánh « Phu-Thê », nhưng loại bánh nầy chỉ mới đặt ra sau nầy, và có lẽ, ở Huế, là sau nền Đệ Nhất Cọng (Cộng) Hòa Miền Nam. Và nếu có, thì hình dạng và nguyên liệu hai thứ bánh đó cũng không giống nhau (xem ĐTĐTV ở Phần 1). Bánh « Su-Sê » là loại bánh ngọt, làm bằng bột Sắn, hay bột Năn, nước Dừa, thêm vào vài cọng Dừa trắng và có nhụi bằng bột Đậu Xanh ngọt, gói bằng lá dừa có nắp hình vuông hay hình năm cạnh, rồi hấp lên. Khi xong thì bánh « Su-Sê » có màu trắng đục (xin xem hình đính kèm).
Những trang mạng trên và những Từ/Tự Điển mới làm sau nầy, e bị cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị (1959) chi phối. Nếu quả thật là GS. Lê Ngọc Trụ đã lầm, và như đã trình bày trên, GS. Lê Ngọc Trụ có thể lầm lắm, thì mấy cuốn Từ/Tự Điển mới làm sau nầy sẽ gây tai hại rất nhiều cho văn học, cho hậu thế. Làm Từ/Tự Điển phải hết sức cẩn trọng, phải khảo cứu tường tận, nếu có nghi ngờ thì phải nói thẳng ra, chứ đừng cắm đầu vào sự biên chép sách nầy vở nọ, tùy tiện giải thích, mà gây tai hại rất lớn cho Văn Học, cho Giới Trẻ, cho Hậu Thế sau nầy.
Sau một thời gian, nhất là ở ngoài Bắc, một số người Việt hay tránh chữ Hán để gọi những sự vật bằng tiếng Việt, như « máy bay lên thẳng » (trực thăng), « tên lửa » (hỏa tiển)…, thì từ khoảng 1990 cho đến ngày nay, một số người Việt lại muốn « Nói Chữ (Hán) », như « bài giảng » được thay bằng « giáo trình » ; « mau mắn», « lẹ làng» hoặc « căng thẳng» (tùy nghĩa trong câu) được thay bằng « khẩn trương »….
Theo Lê Hữu trong Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi, « Các ví dụ trên cũng cho thấy một điều hơi lạ, người Việt trong nước, một mặt có xu hướng thuần-Việt-hóa các từ ngữ Hán-Việt, một mặt lại sính dùng các từ ngữ này. Có vẻ như đối với những gì “trân quý” hoặc muốn “phô trương thanh thế” thì họ chuộng sử dụng tiếng Hán-Việt, hoặc giữ nguyên tên Hán-Việt chứ không muốn đổi sang tiếng thuần Việt. »…
Vì thế mà tôi ngờ là có người muốn « Nói Chữ », cho ra vẻ có « chữ nghĩa », cho ra vẻ « trí thức », nên mới viết « nguyên xưa là bánh ” Phu thê “, một số địa phương nói chệch thành bánh ” Su sê ” ». Những người đó khẳng định như thế, nhưng không đưa ra một dẫn chứng văn học sử nào cả.
Nếu muốn « Nói Chữ » mà không cho xuất xứ, thì rồi đây, cũng có thể, có người sẽ cho hai chữ « Cơm Hến » là do hai chữ « Cao Hứng 高興 » mà ra, vì « Cơm Hến » là một món ăn rất hứng thú cao thượng…, và cứ như thế, mà thêu dệt, nào là triết lý, là phong tục, là lễ nghi, là vua chúa…, cho sát với chữ Tàu chăng ?
Kính mong độc giả cho ý kiến.
Nguyễn Vĩnh-Tráng.
Mùa Hè năm Con Mèo. Mùa Lập Đông năm Con Chó.
309 082 011 nvt*ttl* 306 112 018 nvt*ttl*
Từ khóa ẩm thực Việt Nam bánh su sê