Ngày nay, nếu đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản và các hình thái của nó như chủ nghĩa xã hội, người ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chủ nghĩa cộng sản có mặt ở khắp mọi nơi, mang theo đủ loại bộ mặt khác nhau, với biểu hiện có tính mâu thuẫn: chế độ chuyên chế, chế độ dân chủ; kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường; kiểm soát ngôn luận toàn diện, tự do ngôn luận cực đoan; nước thì phản đối đồng tính, nước lại hợp pháp hóa đồng tính; có lúc trắng trợn phá hoại môi trường, có lúc hô hào bảo vệ môi trường… Những điều này không phải ít gặp nếu thực sự nghiêm túc nghiên cứu về phong trào cộng sản.

Nhiều người không biết rằng, chủ nghĩa cộng sản có thể chủ trương bạo lực cách mạng, nhưng cũng có thể tín phụng diễn biến hòa bình. Nó có thể biểu hiện thành một loại chế độ kinh tế chính trị, cũng có thể biểu hiện thành một trào lưu tư tưởng văn hóa nghệ thuật. Nó có thể biểu hiện là chủ nghĩa lý tưởng thuần túy, cũng có thể biểu hiện là âm mưu máu lạnh. Các chế độ cộng sản chuyên chế chỉ là một trong những hình thái biểu hiện của cộng sản. Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông kỳ thực chỉ là một bộ phận của trào lưu cộng sản, chứ không phải là toàn bộ.

*

Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn sơ cấp
của chủ nghĩa cộng sản

Khi lên án chủ nghĩa cộng sản, không nên chỉ nhìn vào bạo lực và thảm sát, mà quan trọng hơn là cần phải có năng lực phân biệt những nguy hại mà bản thân chế độ xã hội chủ nghĩa mang đến. Chủ nghĩa cộng sản phi bạo lực, cũng đang dựa vào danh nghĩa của các loại chủ nghĩa xã hội để giả danh lừa bịp, mê hoặc nhân tâm. Nếu muốn hiểu được chủ nghĩa cộng sản thì trước hết, nhất định phải nhận thức rõ giai đoạn sơ cấp của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì chủ nghĩa cộng sản cũng không phải là một chốc một lát mà thành; nó cũng giống như một sinh mệnh, cũng có quá trình từ nhỏ đến lớn, cũng là phát triển từ giai đoạn sơ cấp mà lên. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn sơ cấp của chủ nghĩa cộng sản.

Trong xã hội phương Tây ngày nay, rất nhiều người coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là khác nhau, điều này cung cấp cho chủ nghĩa xã hội một không gian và mảnh đất màu mỡ. Kỳ thực, nếu chiểu theo lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, thì chủ nghĩa xã hội chính là giai đoạn sơ cấp của chủ nghĩa cộng sản.

Chủ nghĩa xã hội tất nhiên sẽ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản

Năm 1875, trong “Bài phê bình Cương lĩnh Gotha” (Critique of the Gotha Programme), Marx đã đề xuất ý tưởng về giai đoạn sơ cấp và giai đoạn cao cấp của chủ nghĩa cộng sản một cách rõ ràng. Do sự biến đổi của tình hình quốc tế, Friedrich Engels, vào những năm cuối đời, cũng đề xuất lợi dụng “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, dùng phiếu bầu để giành chính quyền. Chủ nghĩa xã hội dân chủ được các nhà tư tưởng và lãnh tụ đảng dân chủ xã hội của Quốc tế Thứ hai thừa kế, từ đó trở thành các đảng phái cánh tả ở nhiều quốc gia phương Tây hiện nay. Sau này, Lenin đã đặt ra định nghĩa rõ ràng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, coi chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu hay giai đoạn sơ cấp của chủ nghĩa cộng sản, còn chủ nghĩa cộng sản sẽ phát triển trên cơ sở chủ nghĩa xã hội. Điều đáng nói là rất nhiều quốc gia phương Tây hiện nay mặc dù là đa đảng, nhưng đảng lãnh đạo thực chất là các đảng cánh tả này, với các tên gọi khác nhau như đảng công nhân, đảng lao động, v.v.. Nếu thực sự liệt kê ra, người ta sẽ ngạc nhiên phát hiện rằng hầu hết các quốc gia châu Âu, ngay cả các quốc gia đứng đầu, đều được các đảng này lãnh đạo.

Chủ nghĩa xã hội vốn xuất hiện trước Marx, nhưng sau này trong quá trình phát triển, trở thành một bộ phận của chủ nghĩa Marx. Một cách sâu xa hơn, phong trào cộng sản quốc tế phát triển toàn bộ từ các tư tưởng đầu tiên về chủ nghĩa xã hội. Chế độ công hữu và nền kinh tế kế hoạch của chủ nghĩa xã hội là bước chuẩn bị ban đầu cho chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, các trường phái chủ nghĩa xã hội hoặc giáo điều của cánh tả lưu hành ở phương Tây, trên bề mặt dường như không có quan hệ gì với chủ nghĩa cộng sản, nhưng kỳ thực chính là thể hiện cụ thể của chủ nghĩa cộng sản phi bạo lực: Thay vì cách mạng bạo lực, phương Tây chọn dùng phiếu bầu để giành quyền lực; Tương ứng với chế độ công hữu là thu thuế cao ở phương Tây; Tương ứng với kinh tế kế hoạch là việc duy trì một nền kinh tế thị trường bán tự do, đi cùng hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội quá cao nhằm gặm nhấm, ăn mòn tư hữu…

Trong cuốn “Làm sao để thay đổi thế giới: Nhìn lại Marx và chủ nghĩa Marx” (How to Change the World: Reflections on Marx and Marxism), nhà sử học Marxist người Anh, Eric Hobsbawm, viết: “Ở những quốc gia châu Âu này, gần như toàn bộ tư tưởng xã hội, cho dù có động cơ chính trị như cuộc vận động xã hội chủ nghĩa hay vận động công nhân hay không, rõ ràng là đều chịu ảnh hưởng của Marx.” Eric Hobsbawm là một nhà sử học khá nổi tiếng ở phương Tây, dù ông ta theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng về mặt sử học, ông ta đã nói không sai, đây là một thực tế khó tin nhưng không thể chối cãi.

Trên thực tế, các đảng phái cánh tả của rất nhiều quốc gia phương Tây coi an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một phương diện cực kỳ trọng yếu trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội. Một số nước tại phương Tây hiện nay đã dùng khái niệm “thịnh vượng chung” để đánh đổi tự do cá nhân. Công dân của các quốc gia này còn có thể duy trì tự do chính trị ở mức độ nào đó là bởi vì hình thái chủ nghĩa xã hội ở đó chưa phát triển cao. Nhưng chủ nghĩa xã hội không phải là một khái niệm tĩnh: bởi vì theo đuổi chủ nghĩa xã hội là coi kết quả bình đẳng vật chất là mục tiêu hàng đầu, nên ắt sẽ không ngừng tước đoạt tự do và tư hữu của con người. Chủ nghĩa xã hội tất nhiên sẽ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, cũng tức là tự do cá nhân sẽ bị tước đoạt không ngừng.

Nếu một quốc gia tự do bị biến thành một quốc gia độc tài trong một đêm thì sự trái ngược lớn giữa hiện thực và tuyên truyền sẽ khiến tâm lý của đại bộ phận dân chúng không cách nào thích ứng được, rất nhiều người sẽ nổi dậy phản kháng, ít nhất là phản kháng tiêu cực. Việc này đòi hỏi chế độ độc tài phải trả một cái giá đắt cho việc giành được quyền thống trị: kẻ cầm quyền tất yếu phải sát hại trên quy mô lớn để tiêu trừ trở lực. Đây chính là lý do vì sao Trung Quốc và Liên Xô đã tiến hành thảm sát công dân nước mình trên diện rộng ngay trong thời bình.

Nếu một con ếch bị vứt vào nước sôi, nó sẽ cố nhảy ra ngay lập tức, nhưng nếu bạn cho nó vào nồi nước lạnh và đun nóng lên từ từ, nó sẽ không nhận ra sự nguy hiểm và sẽ bị nấu đến chết. Đây gọi là “hội chứng ếch luộc”.

Khác với các quốc gia độc tài, chủ nghĩa xã hội ở xã hội tự do lấy phương thức lập pháp, như “hội chứng ếch luộc” để từng bước, từng bước tước đoạt tự do của dân chúng. Quá trình kiến lập chế độ xã hội chủ nghĩa kéo dài qua hàng chục năm hay thậm chí trăm năm, là thời gian của nhiều thế hệ con người, khiến người ta dần dần bị tê liệt, lãng quên, thích ứng dần, do vậy tính lừa đảo càng cao hơn.

Chủ nghĩa xã hội lợi dụng cái bẫy “bình đẳng xã hội”

Xét về bản chất và mục đích thì kiểu chủ nghĩa xã hội từng bước tiến lên này không hề khác biệt về mục đích so với chủ nghĩa xã hội bạo lực. Chủ nghĩa xã hội phi bạo lực cũng lấy việc đảm bảo “quyền bình đẳng” cho dân chúng làm mục đích. Chỉ có điều nó dùng phương thức lập pháp mà thôi.

Cái bẫy “bình đẳng xã hội” là lừa dối lớn nhất của phong trào cộng sản. Trong điều kiện bình thường, con người cũng có đủ loại trạng thái, sự khác biệt là vô cùng đa dạng, khác nhau về dân tộc, về tín ngưỡng tôn giáo, về chuẩn mực đạo đức, trình độ văn hóa, trình độ học vấn, năng lực trí tuệ, khả năng chịu khó chịu khổ, tinh thần trách nhiệm, tính ngoan cường, sức sáng tạo, khả năng lập nghiệp, v.v.. Thậm chí ngay khi sinh ra thì có người đã tật nguyền, có đứa trẻ sơ sinh có tóc, có đứa trẻ thì không… Thế thì làm sao mà bình đẳng được? Cái mong ước bình đẳng này kỳ thực đã và rồi sẽ thể hiện ra các phương diện tiêu cực nhất của con người như đố kỵ, tham lam, lười biếng, v.v.., luôn có xu hướng dựa vào “bình đẳng xã hội” để khiến bản thân được lợi.

Có một điều cơ bản cần chỉ ra rõ rằng: “bình đẳng xã hội” là điều không tưởng. Con người về cơ bản không thể bình đẳng với nhau. Mọi nền tảng mà con người lập ra và lấy để làm cơ sở bình đẳng đều là tương đối, dù nghe có cao quý đến đâu, kể cả nền tảng luật pháp, bởi vì nếu luật pháp đó bị một nhóm người trong xã hội sử dụng thì bản thân luật pháp sẽ sản sinh ra những điều không bình đẳng.

Hoa Kỳ vẫn nổi tiếng về ý tưởng con người là bình đẳng trước pháp luật, cũng nổi tiếng về sự kiện toàn của luật pháp. Nhưng John Adams, Tổng thống thứ Hai, một trong các vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ đã nói: “Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.” Nói cách khác, Hiến pháp Hoa Kỳ không được thiết kế để tạo ra sự bình đẳng pháp luật cho những người không còn đạo đức và tín ngưỡng. Khi Hoa Kỳ lệch lạc khỏi các giá trị lập quốc là đạo đức và tín ngưỡng, thì ở rất nhiều vấn đề không tồn tại sự bình đẳng pháp luật đáng có. Điều này hiện nay ngày càng thể hiện ra rõ ràng hơn tại Hoa Kỳ.

Trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có một câu nói thường xuyên bị hiểu sai hoặc cố tình thay đổi: “all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights”, “con người được [Chúa Sáng Thế] tạo ra bình đẳng, và được Chúa Sáng Thế ban cho những quyền bất khả xâm phạm”. Câu nói này không ít lần bị thay thế, ngay cả ở Hoa Kỳ thành “all men are born equal”, “con người sinh ra là bình đẳng”, và ở Việt Nam thì cũng thường được dịch là “con người sinh ra là bình đẳng”. Trong rất nhiều trường hợp, ý nghĩa của nó khác nhau vô cùng to lớn, một trời một vực. Thậm chí có thể nói, một bên là tín Thần, có tiêu chuẩn nền tảng rõ ràng, một bên là vô Thần, duy vật, nền tảng tùy ý biến đổi theo cách hiểu của từng người.

Con người bình đẳng về sinh mệnh (tức là linh hồn), bình đẳng trước luật của Chúa Sáng Thế (Xem bài: Hoa Kỳ lập quốc: Đôi nét về nhà hiền triết Cicero và Luật tự nhiên), chứ không tồn tại loại bình đẳng do con người trực tiếp quy định. Thực ra, chỉ duy có đạo đức truyền thống xuất phát từ tín ngưỡng ổn định qua hàng nghìn năm mới có thể đủ sức nặng để làm nền tảng bình đẳng cho sự nhìn nhận, và chính nó là nền tảng lập quốc của Hoa Kỳ. Nền tảng này không xuất phát từ con người, mà từ Chúa Sáng Thế, là điều được đặt ra làm tiêu chuẩn “để làm người”. Đây cũng là điều mà các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ đồng ý. Và điều tương tự cũng tồn tại ở xã hội phương Đông.

Điều nguy hại nhất khi theo đuổi chủ nghĩa cộng sản

Trong một xã hội vốn yêu chuộng tự do, nếu muốn bình đẳng, thì không thể nào đưa người ở mặt bằng thấp lên cao trong nháy mắt, do vậy, chỉ có thể dùng cách ức chế nhóm người ở mặt bằng cao. Điều này tất nhiên sẽ thể hiện ra ở các phương diện tư hữu và kinh tế, nhưng cái đáng sợ nhất của nó là ở phương diện đạo đức.

Như đã nhắc tới ở kỳ 1, bởi vì chủ nghĩa cộng sản phi bạo lực đề xướng sử dụng tất cả biện pháp, bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích cuối cùng, nên nó sẽ len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của xã hội. Đặc biệt bởi vì nó nêu cao “bình đẳng xã hội”, sử dụng con đường này để nhằm mục đích nắm chính quyền, nên nó sẽ chỉ trích các cấu trúc xã hội truyền thống, hành động của nó sẽ dẫn đến việc xóa bỏ các cấu trúc xã hội ổn định của con người. Điều này muốn thực hiện được thì điều kiện tiên quyết là phải khiến tiêu chuẩn đạo đức của con người thay đổi. Khi quan sát theo cách này, chúng ta sẽ phát hiện ra phần lớn các phong trào vận động xuyên thấu xã hội phương Tây đều có bóng dáng của chủ nghĩa cộng sản (vấn đề này sẽ được đề cập đến trong kỳ 3).

Thời Hoa Kỳ lập quốc, tự do tín ngưỡng là quyền tự do của con người. Ngày nay, trong các trường công lập tại Hoa Kỳ, đức tin và tự do không còn được dạy, truyền thống của Mỹ cũng không được dạy. Kinh Thánh đã không còn được phép đọc trong các trường học của Mỹ, sau sự vận động tả hóa nhân danh tự do. Và trong khi Kinh Thánh vắng bóng, thì “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vô Thần với đoạn mở đầu đen tối: “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu – Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản” lại trở thành tài liệu giảng dạy phổ biến nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong tất cả các trường đại học Hoa Kỳ. (Xem thêm: Hoa Kỳ lập quốc: Thế nào là tự do? Tự do tình dục có là quyền tự do?)

Không chỉ thế, các loại tâm lý bài xích Thần, hiện tượng tính dục lệch lạc, nghệ thuật hiện đại, tự do ly hôn, tự do phá thai, hợp pháp hóa khiêu dâm, mại dâm, cờ bạc, ma túy đã được “bình thường hóa”. Đây chính là điều cấu thành nên sự kỳ thị ngược đời đối với những người tín Thần, đạo đức cao thượng, cuối cùng đẩy những người này ra rìa và dần dần tiêu diệt đi. (Xem thêm: Nguồn gốc sự nở rộ phong trào giải phóng tình dục trên thế giới)

Đăng lại có chỉnh sửa từ loạt bài của The Epoch Times (thespecterofcommunism.com)
Nguyễn Vĩnh biên tập