Chút cảm ngộ nhân sinh về một vài câu đối của người xưa
- Hữu Đức
- •
Người Việt Nam hẳn đã quen thuộc với câu ca dao “Non xanh bao tuổi mà già – Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu”. Ý tứ trong câu ca dao đó xuất phát từ câu chuyện của Lý Văn Phủ thời Thanh.
Lý Văn Phủ từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hay chữ. Một hôm ông theo thầy đi dạo. Thầy chỉ ngọn núi xanh xa xa phía trên đỉnh có tuyết phủ trắng xóa rồi ra một vế đối:
Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu.
Nghĩa là:
Núi xanh vốn chẳng già, vì tuyết phủ mà bạc đầu.
Lý Văn Phủ nhìn hồ nước trước mắt liền có cảm hứng, đối lại rằng:
Lục thủy bổn vô ưu, nhân phong trứu diện.
Nghĩa là:
Nước biếc vốn chẳng sầu, bởi gió thổi nên nhăn mặt.
Cả vế ra lẫn vế đối đều hay, lại nhân đó mà khiến người nghe liên tưởng về cõi hồng trần. Người ta sinh ra là thuần khiết, vốn là giống như đặc tính của trời đất vậy. Lão Tử giảng rằng trời đất đối với vạn vật chí công vô tư, không hề có sự thiên tư, thiên vị. Bản tính tiên thiên của con người ta là sinh mệnh ngây thơ trong sáng, vô ưu, vô lo, vô tư, chỉ là vì tình đời và quan niệm hậu thiên mà trở nên không còn thuần khiết nữa.
Cảm khái trước câu đối trên của thầy trò Lý Văn Phủ, người đời sau đã thêm vào mỗi vế đối một ý như sau:
Lục thủy bổn vô ưu, nhân phong trứu diện, phong chỉ thủy do lục.
Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu, tuyết hoá sơn cánh thanh.
Dịch nghĩa là:
Nước biếc vốn không lo phiền, vì gió mà nhăn mặt, gió ngừng nước lại biếc. Núi xanh vốn chẳng già, vì tuyết mà đầu bạc, tuyết tan núi càng xanh.
Nói về nguồn gốc của sinh mệnh, còn có một câu chuyện thế này. Vào thời nhà Thanh, trong Kinh thành có một tửu lầu tên là Thiên Nhiên Cư, có nghĩa là lầu này ở giữa thiên nhiên. Một hôm, Hoàng đế Càn Long đi vi hành, khi đi ngang qua tửu lầu này, Hoàng đế đã nổi hứng ra một vế đối như sau:
Khách thượng Thiên Nhiên Cư, cư nhiên thiên thượng khách.
Có nghĩa:
Khách lên lầu Thiên Nhiên Cư (ở giữa thiên nhiên), hẳn nhiên là khách từ trên Trời xuống.
Cái khó của vế đối này là vì nó có 2 phần, trong đó 5 chữ ở phần sau đọc ngược 5 chữ ở phần trước. Ngoài ra vế đối còn toát lên sự cao quý cũng như cảm ngộ với sinh mệnh.
Kỷ Hiểu Lam bấy giờ đã đối lại rằng:
Tăng du Vân Ẩn Tự, tự ẩn vân du tăng.
Có nghĩa:
Nhà sư du hành đến ngôi chùa khuất trong mây, ngôi chùa lại có nhà sư đi vân du.
Vế đối này thực sự là rất chỉnh. Ngoài việc đáp ứng hình thức 5 chữ ở phần sau là đọc ngược 5 chữ ở phần trước, cái hay của vế đối này là quả thực có ngôi chùa cổ Vân Ẩn Tự rất nổi tiếng. Vân Ẩn Tự được xây vào thời Tấn, ở độ cao 905m so với mực nước biển, chùa nổi tiếng vì không khí trong lành và được bao bọc bởi mây. “Vân du” là một hình thức tu luyện trong Phật giáo, tức là sau khi tu hành trong chùa rồi thì các nhà sư cần phải đi vân du, khất thực để thực tu, ma luyện bản thân.
Dưới góc độ tu luyện hay nhân sinh thì cặp câu đối trên đều rất có đạo lý. Hoàng đế Càn Long nói rằng người về với tự nhiên, biết bản thân là khách từ Trời. Đạo gia cũng giảng con người có thể phản bổn quy chân, quay về làm Thần tiên. Phật gia giảng con người có thể tu thành Phật, Bồ Tát, La Hán…
Kỷ Hiểu Lam thì lại đặt ra một vấn đề khác. Nhà sư đến được ngôi chùa khuất trong mây, vốn là thứ người thường không thể thấy, vậy phải chăng đã đến đỉnh cao của tu luyện rồi? “Tự ẩn vân du tăng”, hóa ra trong chùa trên mây ấy lại cũng có nhà sư khác phải đi vân du. Ngoài trời còn có trời, tu luyện là có nhiều cảnh giới đề cao, siêu xuất khỏi một cảnh giới mà bước sang cảnh giới mới, người tu luyện phát hiện rằng bản thân vẫn phải tiếp tục tu luyện.
Hữu Đức
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhân sinh cảm ngộ