Chúng ta thường dùng thành ngữ “màn trời chiếu đất” để chỉ cảnh ngộ của người nghèo không nhà hoặc người có nhà nhưng bị hủy hoại vì hỏa hoạn hoặc thiên tai.

Thật ra câu này xuất xứ từ thành ngữ Hán tự “mạc thiên tịch địa”. Tuy nghĩa đen của “mạc” là màn và “tịch” là chiếu nhưng nghĩa bóng của chúng rất khác. Trong Hán Việt từ điển của Đào duy Anh giải nghĩa:

“Mạc thiên tịch địa: Màn trời chiếu đất – Cao rộng.”

Như vậy nghĩa bóng của câu này là: Bầu trời cao là màn, mặt đất rộng là chiếu.

Ngữ pháp của Hán tự có điểm giống tiếng Anh: từ bổ nghĩa (modifier) đứng trước danh từ; thí dụ: trà thất – tea house.

Do đó mạc bổ nghĩa cho thiên, tịch bổ nghĩa cho địa (trời là màn, đất là chiếu). Điều này khác với cảnh ngộ của người không nhà: “Màn là trời, chiếu là đất”.

màn trời chiếu đất
(Tranh: Chỉnh sửa từ ảnh chụp của N.H.K, báo Lâm Đồng)

Trời là bầu trời cao vô tận. Đất là mặt phẳng không cùng (người xưa chưa biết đất là quả cầu). Học giả Đào duy Anh cho mạc thiên tịch địa có nghĩa bóng là cao rộng, tất có tham khảo tài liệu nào đó chứ không phải quan điểm của riêng ông.

Có điều mạc thiên tịch địa lẽ ra được dịch là trời màn đất chiếu (trời là màn, đất là chiếu) nhưng thành ngữ màn trời chiếu đất đã có trước khi làm tự điển nên học giả dùng thành ngữ sẵn có này để dịch mạc thiên tịch địa. Tuy nhiên học giả ghi thêm nghĩa bóng là cao rộng.

Người xưa thường mượn thiên nhiên để diễn tả tư tưởng. Kẻ trượng phu coi bầu trời cao là màn và mặt đất rộng là chiếu. Trời cao đất rộng là nơi vẫy vùng ngang dọc của kẻ trượng phu.

Cùng một ý, Nguyễn Công Trứ có câu: “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc”.

Sau đây là toàn văn bài hát nói của cụ:

Chí làm trai

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay (1)
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử (2)
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (3)
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ (4)
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thang cử bộ (5)
Nợ tang bồng tay trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Bài hát nói có văn phong như lời tuyên bố: “Làm trai phải có chí khí vẫy vùng ngang dọc. Đó là món nợ tang bồng phải trả. Trả nợ xong sẽ hưởng an nhàn.”

Câu “Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh”, tác giả muốn nói tới hoạn lộ khi nhục khi vinh của mình.

Nguyễn Công Trứ làm quan từ chức thấp nhất là Hành tẩu sứ quán tới chức cao nhất là Binh bộ thượng thư. Cụ bị cách chức 2 lần và 1 lần bị giáng xuống làm lính thú ở Quảng ngãi.

Cụ là người văn võ kiêm toàn. Ngoài ra cụ còn có tài kinh tế. Cụ đưa dân về vùng đất bồi ở bờ biển để khẩn hoang lập ấp, sau này thành huyện Tiền hải (Thái bình) và huyện Kim sơn (Ninh bình).

Một nhân vật lịch sử khác là Đặng Dung cũng có chí khí của kẻ trượng phu nhưng thất bại vì không gặp thời.

Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần. Lấy cớ khôi phục nhà Trần, nhà Minh cho quân sang diệt họ Hồ nhưng thật sự chiếm đóng và cai trị nước ta.

Chống lại giặc Minh, con thứ của Trần Nghệ tông là Giản Định Vương tự xưng làm vua và được cựu thần nhà Trần là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân theo về phò tá.

Khi ra trận, Giản Định đích thân đánh trống thúc quân khiến tướng sĩ nức lòng. Tướng nhà Minh là Lữ Nghị bị chém chết tại trận, tướng Mộc Thạnh phải chạy về cố thủ thành Cổ Động.

Đang thắng thế, vua tôi bất hòa và nghi kỵ lẫn nhau. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân bị Giản Định giết. Con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân là Cảnh Dị bất mãn đem quân về Thanh Hóa tôn cháu vua Nghệ tông là Trần Quí Khoách lên làm vua.

Bấy giờ Giản Định đang ở thành Ngự thiên, Quí Khoách cho người ra đón về Nghệ an tôn làm Thái thượng hoàng để cùng lo chống giặc Minh.

Nhà Minh cử Trương Phụ đem quân sang tăng cường cho Mộc Thạnh. Trận đánh ở Mỹ lương, Giản Định bị Trương Phụ bắt giải về Kim lăng.

Trong 3 năm Quí Khoách chống cự với giặc khi tiến khi lui. Tháng 9 năm 1413, Trương Phụ vào tới Thuận hóa. Nủa đêm Đặng Dung và Nguyễn Súy đem quân lẻn vào trại giặc, Đặng Dung nhảy xuống thuyền Trương Phụ toan bắt sống nhưng do ông không biết mặt nên Trương Phụ nhảy xuống sông dùng thuyền nhỏ thoát được. Vì quân số ít, Đặng Dung bị Trương Phụ phản công phải rút lui.

Cuối cùng Trần Quí Khoách cùng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy đều bị Trương Phụ bắt giải về Yên Kinh. Quí Khoách nhảy xuống biển tự tử. Các tướng Đặng Dung, Cảnh Dị và Nguyễn Súy cũng tuẫn tiết.

Khi thất thế, Đặng Dung làm thơ cảm hoài bằng chữ Hán như sau:

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Phan Kế Bính dịch:

Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
Vai mang trái đất mong thờ chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Vì tác giả dịch thành thơ nên khó sát nghĩa, tuy vậy không xa ý chính.

Lịch sử nước ta không ít bậc trượng phu hiển hách hơn Nguyễn Công Trứ và Đặng Dung. Nhưng vì hai nhân vật trên đây có bài thơ bày tỏ khí phách giúp diễn giải thành ngữ mạc thiên tịch địa nên chúng tôi đưa ra như dẫn chứng.

Ở thôn quê, trai làng cũng có chí khí tuy không trời cao đất rộng nhưng cũng:

Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.

Chỉ có kẻ nông cạn nhưng ngạo mạn được ví như: Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

Bùi Quý Chiến

Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (dslamvien.com)

Tham khảo:

– Việt nam sử lược của Trần trọng Kim.
– Văn học Việt nam của Dương quảng Hàm.
– Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc.
– Hán Việt từ điển của Đào duy Anh

Cước chú:

(1) Tang bồng: do thành ngữ “tang hồ bồng thỉ”. Tang hồ là cái cung bằng gỗ dâu, bồng thỉ là mũi tên bằng cỏ bồng. Tục bên Tàu, khi sinh con trai người ta dùng cung gỗ dâu và tên cỏ bồng bắn lên trời, xuống đất và 4 phương để mong con lớn lên có chí khí nam nhi.

(2) Từ xưa người ta sinh ra, ai không chết?

(3) Lưu giữ lòng son để chiếu rạng sử xanh. Hãn thanh là thanh tre được làm khô. Ngày xưa chưa có giấy nên người ta viết sử lên thanh tre.

(4) Vị ngộ: chưa gặp thời.

(5) Cử bộ: cất bước đi.

(6) Phù địa trục = nâng đỡ trục trời đất. Người xưa chưa biết mặt đất là trái cầu nhưng tin rằng trời đất xoay quanh một trục do đó có chu kỳ đêm ngày, tháng năm, bốn mùa. Như vậy hoài bão của tác giả còn lớn hơn “mong thờ chúa”.

(7) Vãn thiên hà = kéo dải Ngân hà lại. Người xưa chiêm nghiệm dải Ngân hà chuyển dịch trong đêm như một dòng chảy. Hoài bão của tác giả là kéo dải ngân hà lại.