Chuyện khoa bảng làng Dương Liễu
- Trần Hưng
- •
Làng Dương Liễu xưa thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc Hoài Đức (Hà Nội), là vùng đất lành, có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi khoa bảng. Đỗ đại khoa ở làng có 3 người trong đó có cháu của Nguyễn Trãi, một trong những người hiếm hoi thoát nạn tru di tam tộc .
Nguyễn Phi Kiến
Khi Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải sang Trung Quốc, anh em Nguyễn Trãi đều là những người chí hiếu quyết đi theo cha. Nhưng Nguyễn Phi Khanh biết Nguyễn Trãi là một nhân tài, vì Trần Nguyên Đán khi xem tử vi đã biết Nguyễn Trãi sau này sẽ có đóng góp lớn cho dân tộc. Vì thế khi đến ải Nam quan nơi biên giới giữa hai nước thì Nguyễn Phi Khanh một mực yêu cầu Nguyễn Trãi phải trở về, nói con nuôi chí đánh bại quân Minh, bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc mới làm tròn đạo hiếu. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở về, còn em của ông là Nguyễn Phi Hùng vẫn theo cha sang tận Trung Quốc.
Sau này trong vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, chỉ còn một ít người may mắn thoát chết. Con trai của Nguyễn Phi Hùng, tức cháu của Nguyễn Trãi, lấy tên hiệu là Trực Thiện về nước định cư ở làng Dương Liễu, thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, từ đó hình thành dòng họ Nguyễn Phi ở đây.
Dòng họ Nguyễn Phi ở Dương Liễu đến đời tứ 5 thì có Nguyễn Phi Kiến, từ nhỏ rất thông minh và ham học, lớn lên thì vượt qua kỳ thi Hương thời nhà Mạc và được bổ nhiệm làm Tri phủ Khoái Châu (Hưng Yên).
Nguyễn Phi Kiến làm quan có tài năng lại đức độ nên được dân chúng yêu quý. Nhiều người mong ông dự tiếp kỳ thi Hội, nhưng do hoàn cảnh gia đình cùng công việc bận rộn nên ông không có điều kiện dự thi tiếp.
Đến thời nhà Lê vào năm 1623 đời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Phi Kiến đã 59 tuổi mới có điều kiện tham dự kỳ thi Hội. Khoa thi này Nguyễn Phi Kiến đỗ đầu tức Hội nguyên đồng Tiến sĩ xuất thân.
Thi đỗ, Nguyễn Phi Kiến được phong làm Ngự sử đài và cử làm Hiến sát sứ Hải Dương. Ông làm quan rất khoan dung độ lượng, nhưng cũng rất nghiêm khắc với những ai phạm tội. Mỗi lần về quê ông đều nhắc nhở các sĩ tử cần siêng năng dùi mài kinh sử, đỗ đạt để phụng sự cho Xã Tắc.
Phí Đăng Nhậm
Người đỗ đại khoa thứ hai cho làng Dương Liễu là Phí Đăng Nhậm. Ông sinh năm 1618, khoa thi năm 1661 ông dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
Sau khi thi đỗ vinh quy bái tổ về làng, ông được Triều đình bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử và đặc biệt ban cho làm Cẩn sự lang Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc.
Dù làm quan lớn nhưng ông vẫn chú ý chăm lo cho làng quê của mình. Ông là người soạn Hương ước đầu tiên cho làng, đặc biệt ưu tiên cho việc học hành. Bản Hương ước này vẫn được làng Dương Liễu lưu giữ cẩn thận.
Nguyễn Danh Dự
Người đỗ đại khoa thứ ba cho làng Dương Liễu là Nguyễn Danh Dự, sinh năm 1627. Khoa thi năm 1685 đời vua Trần Hy Tông, ông tham dự và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Văn bia khoa thi này chép lại rằng:
“Bấy giờ sĩ nhân dự tuyển 2.800 người, qua tuyển chọn chỉ 13 người được đăng tên vào bảng mực nhạt. Sang tháng đầu xuân năm Bính Dần, triệu vào sân lớn thi Đình, hỏi về đạo lý trời đất muôn vật. Sáng hôm sau, dâng quyển tiến đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, thân định thứ bậc cao thấp.
Gọi loa xướng danh, yết bảng vàng ở cửa nhà Thái học. Ban cho áo mũ cân đai, cho dự yến Quỳnh Lâm, ban cành hoa bạc, rồi cho rước bảng giáp đệ vinh quy về làng, ân điển thật chu đáo đầy đủ”.
Thi đỗ, Nguyễn Danh Dự làm quan qua các chức vụ khác nhau, sau đó thì được cử làm phó sứ đi sứ sang nhà Thanh. Sau khi hoàn thành trở về ông được thăng làm Công bộ Hữu thị lang, tước Tử, tham gia chủ khảo một số kỳ thi Hội.
Là người có tài về thơ văn, ông sáng tác nhiều bài, hiện nay còn lưu trữ 9 bài của ông trong “Toàn Việt thi lục”.
Ông có tác phẩm đồ sộ là “Thi tự thanh ứng” gồm 20 quyển, với 1.529 bài thơ đề vịnh tập hợp từ các nhà thơ, chia làm 11 mục: thiên văn, địa lý, …
Năm 1691, ông chỉnh sửa lại bản Hương ước của làng, cũng tham gia soạn Hương ước giao kết của 3 làng Dương Liễu, Mậu Hòa, Cát Quế.
Hồng Lô tự khanh tướng Nguyễn Bá Luận
Thời thuộc Pháp, làng Dương Liễu còn có Nguyễn Bá Luận. Ông thông minh từ bé nên xin được vào học trường của Pháp, sau đó lại được sang Pháp du học.
Năm 1916, Nguyễn Bá Luận trở về nước, được vào Kinh thành báo chuyện học tập với Triều đình. Vua thấy ông tài giỏi, liền ban tước Hồng Lô tự khanh tướng và gả công chúa Lương Khanh cho.
Từ đó Nguyễn Bá Luận dạy học ở các trường có tiếng trong nước nhằm đào tạo nhân tài. Ông dạy các trường Quốc học Huế, Quốc học Vinh, trường Bưởi ở Hà Nội. Năm 1930 ông được cử làm Đốc học ngũ tỉnh Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Năm 1944, ông nghỉ hưu về sinh sống ở quê nhà. Khi quân Pháp đến Dương Liễu, nhờ giỏi tiếng Pháp mà ông giúp dân làng tránh được nhiều tai họa do người Pháp gây ra
Năm 1968, Nguyễn Bá Luận mất thọ 82 tuổi. Ông được thờ tại từ đường dòng họ ở làng Dương Liễu.
Ngày nay dù bị thành thị hóa, Dương Liễu vẫn giữ được các di tích cùng từ đường thờ các nhà khoa bảng nhằm giáo dục cho con cháu về truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông xưa kia.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hai lần nhận được tiên tri, Nguyễn Trãi vẫn bị tru di tam tộc
- Bí ẩn phong thủy dòng họ khoa bảng – P1: Nhà thờ họ
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng
