Trí tuệ cổ nhân: Ăn uống tiết chế, chỉ cần no bụng
- An Hòa
- •
Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” viết: “Khởi cư hữu thường, ẩm thực hữu tiết”, nghĩa là cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người ta cần điều độ, ăn uống phải có tiết chế, không được phóng túng quá độ, không đi ngược lại quy luật thông thường. Một người có thể tiết chế được phương diện ăn uống của mình thì cả tâm lẫn thân đều an tường, trường thọ.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng”, ý nói, ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi. Trong quan niệm của cổ nhân, việc ăn uống quá sung túc, đầy đủ, sơn hào hải vị thừa mứa chưa hẳn đã là điều tốt.
Bậc thánh nhân xưa chỉ cần vừa đủ mà không tìm cầu thoả mãn cái dục vọng của mắt, tai, mũi, luỡi…, tức ngũ quan hay thân xác. Điều mà người có đạo đức cao thượng hướng đến chính là “thanh tâm quả dục” giảm ham muốn, giữ tâm thanh tịnh mà không phải ăn uống xa xỉ vô độ.
Rất nhiều danh thần hiền tướng thời cổ đều có quan điểm chung về việc tránh xa xỉ trong ăn mặc. Tư Mã Quang, nhà sử học kiệt xuất thời Bắc Tống cho rằng y phục chỉ cần che được thân, tránh được cái lạnh giá, ăn uống chỉ cần no bụng là được, không cầu sơn hào hải vị. Ông thường dạy con: “Thực phong nhi sinh xa, khoát thịnh nhi sinh xỉ”, tức là ăn uống mà sung túc thì dễ sinh ra xa xỉ, xa xỉ thì sẽ sinh ra hoang phí.
Lưu Nam Viên là Công bộ Thượng thư vào những năm Gia Tĩnh triều Minh. Có một câu chuyện nổi tiếng về ông như thế này: Lúc Lưu Nam Viên cáo lão về quê, có một vị quan là Trực Chỉ Sử thường xuyên vì phương diện ăn uống mà hà khắc trách phạt thuộc hạ. Vì sự trách phạt nặng nề đó mà các quan lại trong quận huyện đều rất sợ hãi ông ta. Lưu Nam Viên biết được sự tình đó đã nói rằng: “Đó là học sinh của tôi, tôi sẽ dạy dỗ ông ta”.
Một lần vị quan Trực Chỉ Sử đến thăm Lưu Nam Viên. Lưu Nam Viên chiêu đãi ông ta, nói với ông ta rằng: “Lão phu định làm yến tiệc thiết đãi ông nhưng e sợ sẽ làm ảnh hưởng đến việc công, muốn mời ông một bữa cơm, nhưng thê tử của ta đã đi ra ngoài mất không có người chuẩn bị được, vậy làm một bữa cơm bình thường để ông cùng ta ăn uống nhé?” Bởi vì đây là chủ ý của thầy nên Trực Chỉ Sử không dám chối từ.
Thế nhưng suốt từ buổi sáng cho đến quá giữa trưa, bữa cơm vẫn chưa thấy xuất hiện, Trực Chỉ Sử đã quá đói và cảm thấy rất khó chịu đựng. Đợi đến lúc bữa cơm được bưng lên, toàn mâm chỉ có cơm và một chén đậu hũ mà thôi. Dẫu vậy, Trực Chỉ Sử vẫn ăn liền ba bát.
Lúc Trực Chỉ Sử thấy bụng đã no lắm rồi thì các món ngon, rượu ngon mới được gia nhân dọn lên, bày sắp la liệt trên bàn ăn. Trực Chỉ Sử bấy giờ không thể ăn nổi được món nào nữa. Ông ta nói: “Tôi đã quá no rồi, không thể ăn thêm được nữa”.
Lúc này Lưu Nam Viên nở nụ cười và nói với ông ta rằng: “Bởi vậy có thể thấy được rằng ẩm thực nguyên lai là không có phân biệt tinh thô, lúc đói thì dễ dàng ăn, lúc no rồi thì khó có thể ăn được cái gì cả, là do thời điểm tạo thành như vậy mà thôi.”
Mục đích của ẩm thực chính là để no bụng, chỉ cần có thể làm đầy bao tử là được rồi. Chỉ có người vô đức, xa hoa lãng phí mới có thể quá câu nệ, yêu cầu hà khắc và chấp nhất vào ăn ngon, mỹ vị. Vị quan Trực Chỉ Sử này cuối cùng đã hiểu ra đạo lý ấy và tận sức tuân theo lời giáo huấn của thầy. Từ đó về sau, ông không còn hà khắc trách phạt người khác về phương diện ăn uống nữa.
Người xưa hiểu đạo, thuận theo âm dương, họ vô cùng nghiêm ngặt trong ăn uống, không ăn quá nhiều và món ăn cũng không cần quá cầu kỳ. Họ ngủ và thức đều đặn. Thêm nữa, hành vi của họ đều tuân theo quy luật tâm linh. Vì thế, họ sống cho đến hết số kiếp đã an bài.
Xã hội ngày nay, con người dường như trái ngược hẳn, họ có lối sống, ăn uống không điều độ, dinh dưỡng không cân đối, tâm trạng buồn vui thất thường khiến âm dương và ngũ hành mất cân bằng. Họ ăn nhậu và đắm mình trong những sinh hoạt bất thường. Khi ăn uống no nê say xỉn, họ vẫn tiếp tục cố làm cạn sinh lực của mình. Người ta không biết cách bảo tồn sinh lực nhưng cũng không thu xếp đủ thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Nhiều người chỉ tham đắm trong các thú vui, tiệc tùng. Họ dễ dàng bị kích động, rồi rơi vào trầm cảm, hành vi của họ rất thất thường. Đó là lý do lớn khiến họ suy yếu ngay khi tuổi còn rất trẻ. Bởi vậy, tiết chế ăn uống là điều vô cùng quan trọng mà mỗi người đều cần lưu tâm thực hiện.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Từ cách ăn uống có thể nhìn ra nhân cách con người
- Vài phép dưỡng sinh của người xưa được ghi lại trong Lễ Ký
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh Đạo đức ăn uống Ẩm thực