Vài phép dưỡng sinh của người xưa được ghi lại trong Lễ Ký
- Thiên Cầm
- •
Những bậc thánh hiền thời xưa mặc dù không phải là bác sĩ, nhưng lại có “bí quyết” phòng khi bệnh chưa tới, chữa khi bệnh chưa sinh. Trong “Lễ Ký” có một số nội dung viết về dưỡng sinh, vô cùng hữu dụng, không chỉ với thời xưa, mà thời nay cũng vậy.
“Lễ Ký” cho rằng mọi thứ mà con người “đắc” được trên thế gian đều được đổi bằng “Đức”. Trong “Lễ Ký – Đại học” nói: “Có đức thì có người, có đức thì có đất, có đức thì có tài vật.” Trong “Lễ Ký – Trung Dung” cũng nói: “Bậc đại đức ắt có vị thế của mình, ắt có phúc lộc của mình, ắt có danh phận của mình, ắt có dương thọ của mình.” Vậy nên muốn “đắc” thì phải có “đức”.
Dưỡng sinh đương nhiên cũng phải có đức, có đức thì thân thể khỏe mạnh. Trong “Tứ Thư – Đại học” nói: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân”, người giàu trang hoàng nhà cửa lộng lẫy, người có đức lại có thể điều tiết tốt thân tâm. “Nhuận” là chỉ sắc mặt hồng hào, huyết mạch khai thông, hệ cơ săn chắc, tựa như vạn vật sinh sôi nảy nở, tràn trề nhựa sống giữa tiết Xuân, Hạ. Trái ngược với “nhuận” là “cương” và “cứng”, biểu hiện của những sự vật đã chết hay thiếu sức sống, giống như lá rụng cành khô. Khi tâm trạng vui vẻ, cơ mặt cũng sẽ thư giãn, thân thể nhẹ nhàng. Những khi khó chịu trong người, cơ thể thường trở nên nặng nề, cương cứng.
Một cách dưỡng sinh khá độc đáo của người xưa là mang theo ngọc. “Lễ Ký – Ngọc Tảo” viết: “Quân tử vô cố, ngọc bất ly thân”, người quân tử “quan ngọc tỷ đức”, nhìn ngọc ôn nhuận, sáng bóng, cứng mà không nhăn, sắc mà không hại người, trong mà không dơ bẩn, uốn mà không cong, từ đó củng cố chính khí của mình. “Lễ Ký – Lễ vận” giảng: “Tứ thể kí chính, phu cách sung doanh”, nghĩa là thân chính thì tâm chính, tâm chính thì thân thể cũng tráng kiện.
“Lễ Ký” còn cho rằng sự thay đổi của âm dương, khí hậu, thời tiết tự nhiên cũng khiến cơ thể người có sự thay đổi tương ứng, vậy nên phải thuận theo thiên thời. “Lễ Ký – Nguyệt lệnh” nói: Đông Chí khí dương bắt đầu sinh, Hạ Chí khí âm bắt đầu sinh, lúc này con người nên thanh tĩnh, vô vi, diệt trừ dục vọng để đợi âm dương ổn định, hài hòa.
Trong “Lễ Ký – Tế nghĩa” còn nói: “Sương lộ kí giáng, quân tử lí chi, tất hữu thê thương chi tâm, phi kỳ hàn chi vị dã.” Ý nói rằng khi tiết trời thay đổi, người quân tử cảm nhận được sự vận hành lên xuống, sinh sát của thiên địa, tự nhiên sinh lòng kính sợ, nên phòng khi bệnh chưa xuất, trị khi bệnh chưa sinh.
Việc dưỡng sinh cho người cao tuổi thời xưa cũng được coi trọng trong Lễ Ký.
“Lễ Ký – Vương chế” nói về những thay đổi sinh lý trong từng giai đoạn lão hóa như sau: “50 tuổi bắt đầu suy yếu, 60 tuổi không có thịt ăn không no, 70 tuổi không có bông không ấm, 80 tuổi không có người ủ không ấm, 90 tuổi dẫu có người ủ cũng không ấm.”
Thời xưa, những gia đình phú quý thường để trẻ em ngủ cùng người già để ủ ấm, cũng là phép dưỡng sinh của cổ nhân. Cổ nhân dệt áo bông hóa là vì kính lão, chứ không phải vì tiền tài hay hưởng thụ. Trái lại, “Lễ Ký – Ngọc tảo” viết: “Đồng tử bất cừu, bất bạch”, nghĩa là “Trẻ nhỏ không sắm áo lông, áo bông.” Bởi lẽ áo lông, áo bông quá ấm, sẽ khiến “tráng khí” của trẻ bị tổn thương. Trẻ nhỏ là thể thuần dương, không nên ủ quá ấm. Nhưng trẻ nhỏ thường thích đẹp, có thể thêu hoa trên áo, như vậy cũng hợp tình hợp lý.
Về thức ăn của người già, trong “Lễ Ký – Vương chế” cũng nói: “Người 50 tuổi nên chia đồ ăn cho kẻ tráng niên, 60 tuổi cần luôn chuẩn bị thịt sẵn sàng, chớ thiếu, 70 tuổi cần chuẩn bị đồ ăn vặt, 80 tuổi nên thường xuyên ăn những món ngon, 90 tuổi thì đồ ăn nên để ngay bên cạnh người.”
Trong “Lễ Ký – Nội quy” còn kể rất rõ về 8 cách chuẩn bị đồ ăn cho người già, đơn cử: thịt phải dùng thịt ngon, chế thành dạng cháo giúp người già dễ hấp thu, tiêu hóa.
Từ ghi chép trong Lễ Ký có thể thấy người xưa khi dưỡng sinh thì bắt đầu từ cái toàn thể rồi mới đến cái chi tiết, phép dưỡng sinh tốt nhất không phải là thần dược, tiên đơn mà là sống thuận theo quy luật tự nhiên của trời đất và tu tâm dưỡng tính, từ đó đạt được trạng thái điều tiết, bình hòa trong cơ thể.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lễ Ký dưỡng sinh Nho gia