Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P10)
- Trần Hưng
- •
Năm 1890, Nguyễn Quang Bích mất vì bệnh. Trước khi mất, ông đã trao quyền chỉ huy nghĩa quân lại cho Đề Kiều – phó tướng của nghĩa quân.
Đề Kiều và căn cứ Rừng Già
Đề Kiều tên thật là Hoàng Văn Thúy, người làng Cát Trù, tổng Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ). Ông thuộc dòng dõi con nhà tướng, vì tổ tiên nhiều người từng làm tướng cho Triều đình.
Đề Kiều làm tướng của Nguyễn Quang Bích. Khi Pháp tấn công thành Hưng Hóa, quân Việt đã chống đỡ quyết liệt, nhưng quân Pháp với vũ khí hiện đại đã phá được cổng thành và tiến sâu vào trong. Thấy không giữ được thành, Nguyễn Quang Bích leo lên kính thiên đài trên cột cờ định tuẫn tiết, nhưng Đề Kiều đã ngăn lại khuyên chủ tướng nên rút ra ngoài xây dựng lực lượng tiếp tục chống quân Pháp.
Đề Kiều dẫn quân về quê nhà ở Cẩm Khê (Phú Thọ) gần khu rừng già, xây dựng thành căn cứ, gọi là căn cứ Rừng Già. Sau đó Nguyễn Quang Bích cũng cho quân xây dựng căn cứ Tiên Động ở kế bên. Nghĩa quân có 2 căn cứ mạnh ở sát nhau, nhiều lần đẩy lui quân Pháp. Khi phó tướng Nguyễn Văn Giáp mất, Đề Kiều được cử làm phó tướng.
Khi chủ tướng Nguyễn Quang Bích mất, Đề Kiều được chỉ định lên thay, nhưng nghĩa quân lại bị chia nhỏ ra, các tướng dẫn quân của mình đi, chia thành nhiều nghĩa quân khác nhau. Đề Kiều đưa quân trở lại căn cứ Rừng Già.
Trung tâm chống quân Pháp ở Phú Thọ
Một tướng khác của nghĩa quân là Đốc Ngữ đưa quân của mình đến Thanh Sơn (thuộc Phú Thọ) lập căn cứ riêng. Vùng đất này hiểm trở, ra vào đều rất khó, nghĩa quân Thanh Sơn đã xây dựng căn cứ nơi đây vững chắc để chống quân Pháp, địa bàn hoạt động dọc khắp cả sông Hồng và sông Đà.
Từ căn cứ, Đốc Ngữ cho quân mai phục đánh Pháp làm cản trở con đường từ các nơi đến Tây Bắc.
Lúc này Phú Thọ trở thành trung tâm chống quân Pháp mạnh nhất Bắc hà. Ngoài nghĩa quân Thanh Sơn còn có Đề Kiều, Tán Áo ở Cẩm Khê; Đề Ngân, Lãnh Đa, Tán Dật ở Hạ Hòa; Lãnh Mai, Đội Bốn, Đốc Thục ở Lâm Thao (theo “Lịch sử Vĩnh Phú”).
Để khống chế hoạt động của các nghĩa quân, quân Pháp phải tăng thêm quân, lập các đồn bốt kiểm soát các dải sông ở Bạch Hạc (Phú Thọ), vùng Vĩnh Tường và Lập Thạch (thuộc Vĩnh Phúc); đồng thời tiến đánh các nghĩa quân ở Phú Thọ. Tuy nhiên các cuộc khởi nghĩa đều chống càn quét thành công, buộc quân Pháp phải rút lui.
Trận đánh vào thị xã Sơn Tây
Tháng 10/1890, Đốc Ngữ cho một cánh quân đến thị xã Sơn Tây (nay thuộc Hà Nộ) đốt cháy một số nhà, cho quân reo hò, quân Pháp liền tới vây đánh. Nhưng đấy chỉ là kế nghi binh của nghĩa quân nhằm thu hút quân Pháp. Đốc Ngữ cho một cánh quân khác dùng bè nứa bí mật đến đánh thẳng vào nhà tù ở thị xã Sơn Tây.
Quân Pháp bị trúng kế nên không đủ lực lượng ở nhà tù để chống trả. Nghĩa quân đánh cứu được 174 tù nhân, chủ yếu là người của nghĩa quân.
Đầu năm 1891, Đốc Ngữ cho 500 quân vượt sông Đà rồi bất ngờ tấn công vào vào tỉnh lỵ Hoà Bình (đặt ở thị trấn Chợ Bờ). Quân khố xanh bị đánh bất ngờ phải tháo chạy, Công sứ Rougery, đội trưởng Zeigler, Lévy và 24 lính khố xanh bị tiêu diệt; Giám binh Ferry và viên chủ bưu điện là Ganet bị vây chặt, cùng đường phải nhảy xuống sông rồi mất tích. Nghĩa quân làm chủ được thị trấn Chợ Bờ, thu được118 khẩu súng trường, 4 súng lục và 40.000 viên đạn. Đây là số vũ khí hiện đại của quân Pháp lúc đó.
Sau chiến thắng, thu được vũ khí, nghĩa quân rút ngay trở về căn cứ. Quân Pháp hay tin đến nơi thì nghĩa quân đã rút rồi. (Theo “Việt sử tân biên”).
Khởi nghĩa Hùng Lĩnh
Lúc này ở Thanh Hóa có cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân (đỗ tiến sĩ năm 1875) rất mạnh, căn cứ đóng ở vùng sông Mã thuộc Vĩnh Lộc. Nghĩa quân theo sông Mã mở rộng địa bàn hoạt động, cùng kết hợp với nghĩa quân Đề Kiều và Đốc Ngữ ở Phú Thọ. Quân Pháp vất vả đối phó không xong.
Quân Pháp tập trung tiến đánh nghĩa quân Hùng Lĩnh. Sau nhiều trận giao tranh, đầu năm 1891, Tống Duy Tân cho quân rút đến Lang Vinh (một làng Mường ở châu Thường Xuân).
Quân Pháp dò la biết tin cho quân tấn công, Tống Duy Tân phải cho tàn quân rút đến Trịnh Vạn (thuộc châu Thường Xuân). Lúc này nghĩa quân còn lại rất yếu, Tống Duy Tân phải lo xây dựng lại lực lượng.
Quân Pháp 2 lần tấn công quy mô lớn vào căn cứ Thanh Sơn
Tháng 3/1891, nhằm cô lập nghĩa quân của Đốc Ngữ và Đề Kiều, dồn họ vào núi, tách với dân chúng, quân Pháp đã tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn, chia làm 3 cánh.
Trước cuộc tấn công lớn của quân Pháp, trong khi quân của Đề Kiều vẫn giữ vững căn cứ Rừng Già, thì Đốc Ngữ thấy không ngăn được quân Pháp, liền thực hiện kế “vườn không nhà trống”, cất giấu lương thực, sơ tán dân chúng, rồi cho quân rút đi. Quân Pháp chiếm được căn cứ, nhưng do không quen thủy thổ nên sau 10 ngày cũng phải rút đi. Quân Pháp rút thì nghĩa quân lại trở về căn cứ.
Chập tối ngày 5/2/1892, Đốc Ngữ cùng 200 quân bí mật áp sát đồn Yên Lãng ở Chợ Bờ (thuộc Hoà Bình) giết lính canh phía ngoài rồi bất ngờ tấn công, trưởng đồn Pouligo bị tiêu diệt tại chỗ. Nghĩa quân thắng lớn, thu được 50 súng, 35.000 viên đạn và nhiều quân trang, quân dụng.
Quân Pháp xung quanh sợ hãi trước hoạt động của nghĩa quân. Trung tướng Puy Pê Ru thừa nhận rằng: “Tất cả vùng phía Tây đường Chợ Bờ, Sơn Tây, Hưng Hóa, Yên Bái ngày càng rối loạn. Các tướng Đề Kiều và Đốc Ngữ làm chủ tuyệt đối vùng này” (Theo “Lịch sử chiến tranh Đông Dương” do trung tướng Puy Pê Ru làm chủ biên).
Quân Pháp cho 2 cánh quân tiến đánh nghĩa quân Thanh Sơn, cánh thứ nhất với 2 đại đội từ Hà Nội đánh vào đồn Yên Lãng để lấy lại đồn này rồi tiến đến căn cứ Thanh Sơn. Cánh thứ 2 với 500 quân từ Hưng Hóa tiến đánh vào căn cứ Thanh Sơn.
Cũng như lần trước, Đốc Ngữ thực hiện “vườn không nhà trống”, giấu lương thực, cho dân sơ tán, còn nghĩa quân rút đi. Quân Pháp vào căn cứ nhưng không thấy nghĩa quân đâu, cuối cùng lại phải rút lui.
- (Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam chiến tranh Pháp Việt