Vài nét về đạo ẩm thực trong văn hóa truyền thống
- An Hòa
- •
Đạo ẩm thực mà Khổng Tử ghi lại là một trong những lý luận trụ cột tạo nên nền văn hóa ẩm thực truyền thống của người xưa. Nó được hình thành vào thời kỳ Tiên Tần và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thực tiễn của hậu nhân cho đến tận ngày nay. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều nội dung liên quan đến ẩm thực được ghi chép trong cuốn “Luận ngữ“.
Quân tử xem nhẹ chuyện ăn uống
Về ẩm thực, Khổng Tử đề xướng tinh thần “phát phẫn vong thực”, tức là ra sức học tập học làm việc đến mức quên ăn, coi thường thái độ nhân sinh “bão thực chung nhật vô sở dụng tâm”, suốt ngày ăn no mà không hề chịu suy nghĩ.
Trong “Luận Ngữ. Học nhi”, Khổng Tử cho rằng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn “, ý nói người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu được yên vui, siêng năng ở việc làm, cẩn thận ở lời nói. Hay trong “Luận Ngữ. Lý Nhân”, ông cũng nói rằng: “Sĩ chí ư đạo nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã”, tức là kẻ sĩ đã để chí vào đạo mà còn chê áo không đẹp, chê ăn không ngon, mặc vào ăn vào cảm thấy xấu hổ thì chưa thể cùng bàn luận đạo lý được.
Khổng Tử có thái độ xem thường những người có chí truy cầu chân lý, nhưng lại quá chú trọng đến cái ăn cái mặc. Trái lại đối với những ai khổ học không truy cầu hưởng thụ, Khổng Tử hết sức tán dương. Học trò Nhan Hồi của ông được ông khen là đệ nhất hiền nhân. Trong “Luận Ngữ. Ung dã”, Khổng Tử nói: “Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kì ưu, Hồi dã bất cải kì lạc”, tức là một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp, với người khác thì buồn lo không chịu nổi, riêng Nhan Hồi thì không hề thay đổi niềm vui.
Trong “Luận Ngữ. Ung dã”, Khổng Tử biểu lộ rằng: “Phạn sơ tự, ẩm thuỷ, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kì trung hĩ”, ý nói ăn cơm gạo thô, uống nước lã, co tay mà gối đầu, sống thế là vui.
Có thể thấy, ở đây Khổng Tử đã lấy ẩm thực để biểu đạt thái độ nhân sinh “an bần lạc đạo”, vui với việc giữ gìn đạo nghĩa dù sống trong nghèo khó.
Ăn uống phải chú trọng lễ nghi
Mặc dù xem nhẹ ý nghĩa của chuyện ăn uống trong cuộc sống, nhưng đối với khi ăn uống Khổng Tử lại rất nghiêm túc. Ông cho rằng ẩm thực cần phải chú trọng đến lễ nghi lễ giáo, chú ý cả nghệ thuật và vệ sinh, không được qua loa tuỳ tiện. Ở thiên “Luận Ngữ. Hương đảng” có những câu: “Trai tất biến thực”, tức là khi trai giới thì không thể dùng thức ăn tầm thường hàng ngày được. Hay “Cát bất chính bất thực”, thịt cắt không ngay ngắn thì không ăn.
Lúc tế tự, phải dựa theo quy cách nhất định để chọn lựa cách giết mổ đối với con vật dâng tế, nếu không thì không được dâng cúng. Trong đó còn giảng: “Quân tứ thực, tất chính tịch tiên thường chi”, nghĩa là Vua ban cho thức ăn, mang về nhà phải ngồi ngay ngắn rồi mới được ăn. Không hấp tấp là để biểu thị sự kính trọng. Những điều trên chứng tỏ Khổng Tử rất chú trọng đến lễ nghi lễ giáo trong ẩm thực.
Ngoài ra, ông còn giảng: “Tự bất yếm tinh, khoái bất yếm tế”, nghĩa là gạo càng trắng càng tốt, thịt xắt càng nhỏ càng tốt. Thức ăn làm càng tinh tế càng tốt, đây là một trong những lý luận ẩm thực nổi tiếng của Khổng Tử. Hay “sắc ác bất thực, xú ác bất thực”, màu sắc của thức ăn biến đổi thì không ăn, mùi của thức ăn biến đổi thì không ăn. Như vậy nấu nướng không đúng cách, thức ăn đổi màu đổi mùi thì đều không nên ăn.
Khổng Tử còn đề xuất nhiều nguyên tắc vệ sinh trong ẩm thực, tế ở miếu công, thịt phân phát ngay không để qua đêm. Thịt dâng tế tổ tiên không để quá 3 ngày, quá 3 ngày thì không ăn. Về vấn đề vệ sinh trong ẩm thực, câu nói nổi tiếng nhất của Khổng Tử là: “Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn”, nghĩa là khi ăn bàn không luận, khi ngủ không nói chuyện.
Từ những ghi chép này chúng ta có thể thấy được khoa học quan và nghệ thuật quan trong lý luận ẩm thực của Khổng Tử.
Xem trọng tấm lòng hơn là món ăn
Về lý luận ẩm thực, Khổng Tử rất lý tính. Nhưng trong cuộc sống thực tế hàng ngày cũng có lúc Khổng Tử làm theo cảm tình. Trong “Thuyết uyển” có chép rằng: Ở nước Lỗ có một người sống rất giản dị chất phác, dùng nồi đất để nấu cơm, khi ăn cảm thấy rất thơm ngon. Vì thế, người này mới lấy cơm đựng trong một cái chén đất đem biếu Khổng Tử.
Khổng Tử nhận chén cơm ấy rất vui, cảm thấy như được “ăn cỗ Thái lao”. Đám học trò của Khổng Tử ngạc nhiên, hỏi rằng: “Cái chén đó chẳng qua chỉ là vật tầm thường, còn cơm cũng chẳng qua là loại gạo thô, sao thầy lại vui như thế?”
Khổng Tử bảo rằng: “Ta nghe nói người khéo khuyên can thường nghĩ đến vua của mình, người ăn được món ngon thường nghĩ đến người thân của mình. Ta không phải cho món ăn thịnh soạn là ngon, mà là khi ăn ngon nhớ đến người thân của mình. Ta hoàn toàn không phải vì anh ta đem biếu món ngon mà là vì anh ta ăn cảm thấy ngon lại nhớ đến ta, cho nên mới vui như thế”.
Kỳ thực, câu chuyện đó đã phản ánh ra tính tình chân thật của Khổng Tử. Ngạn ngữ có câu: “Nhân tình hảo, thuỷ dã điềm”, nghĩa là người ta đối xử tốt với nhau, thì dù là uống nước lã cũng cảm thấy ngọt. Chính là nói điều mà chúng ta xem trọng không phải là ăn món gì mà là tấm lòng của đối phương, tình cảm của đối phương dành cho nhau.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Ẩm thực Khổng Tử Nho gia Lễ nghi Luận Ngữ