Đào Công Soạn là người đỗ đầu trong kỳ thi đầu tiên dưới thời Lê Sơ. Ông cùng các quan đồng khoa thi khác đã trở thành những vị quan đầu tiên giúp dân chúng ổn định lại cuộc sống sau thời gian dài sống dưới sự thống trị của nhà Minh.

Lê Lợi tổ chức khoa thi tìm người tài

Năm 1428, Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên ngôi, lập ra nhà Lê. Triều đình tổ chức các kỳ thi Minh kinh bác học và Hoành từ nhằm nhanh chóng có được đội ngũ quan lại. Sau khi vua Thái Tổ mất, vua Thái Tông lên ngôi đã tổ chức khoa thi quy mô đầu tiên dưới thời nhà Lê vào năm 1442, được xem là kỳ thi khoa bảng chính thức đầu tiên của nhà Lê Sơ. Tuy nhiên kỳ thi khoa bảng đầu tiên của nhà Lê thực chất đã diễn ra từ năm 1426.

Tháng 8/1426, Lê Lợi chia quân làm 3 đạo tiến ra bắc, nghĩa quân Lam Sơn có trận thắng lớn Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông thua trận chạy vào thành Đông Quan cố thủ chờ viện binh, nghĩa quân Lam Sơn vây chặt thành này. Lê Lợi cùng bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đến đóng ở dinh Bồ Đề.

Trong khi quân Minh chờ viện binh sang cứu, nghĩa quân Lam Sơn làm chủ được nhiều vùng đất, rất cần đội ngũ quan lại ổn định dân chúng sau một thời gian dài bị cai trị bởi quan quân nhà Minh.

Trước việc cấp bách, Lê Lợi gấp rút tổ chức một kỳ thi khoa bảng để chọn bậc hiền tài vào năm 1426. Đây là kỳ thi khoa bảng không chính thức đầu tiên của nhà Lê Sơ, nhằm có được bậc hiền tài thuở đầu dựng nước, ổn định dân chúng.

Đề thi năm đó là: “Bảng văn dụ thành Đông Quan đầu hàng rút quân về nước”. Kỳ thi này lấy đỗ 36 người, người đỗ đầu là Đào Công Soạn tự là Tân Hương (Tân Khanh) năm ấy đã 44 tuổi. Ông sinh năm 1382 ở làng Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên). Sau khi đỗ đầu, ông được làm An phủ sứ.

Sách “Việt sử thông giám cương mục” chép lại rằng: “Vương dùng bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Vĩ, là những kẻ sĩ mới trúng tuyển, làm An phủ sứ và Viên ngoại lang. Bấy giờ Vương đóng ở hành doanh Bồ Đề, thi những kẻ sĩ văn học bằng đầu đề là làm bài văn yết bảng “hiểu dụ thành Đông Quan”.”

Công lao với nhà Lê

Cuộc chiến với quân Minh không chỉ thể hiện trên chiến trường, Đào Công Soạn lãnh trách nhiệm to lớn là đi sứ. Ông 3 lần được cử đi sứ để ngoại giao, trong đó lần đầu tiên là vào thành Đông Quan thương thuyết với Vương Thông. Ông tận tụy, mẫn cán với công việc, vua Lê Thái Tổ tặng ông 6 chữ: “Thanh liêm, công bình, cần mẫn”.

Đến thời vua Lê Thái Tông, Vua muốn thống nhất nhạc khí, Hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng có nhiều ý kiến khác nhau về nhạc cụ. Đào Công Soạn cùng ý với Nguyễn Trãi. Tuy nhiên Vua nghiêng về phía hoạn quan Lương Đăng.

Năm 1449, Đào Công Soạn khi ấy đã 69 tuổi, xin vua Lê Nhân Tông cho nghỉ hưu nhưng không được chấp thuận, Triều đình còn thăng chức cho ông làm Nhập nội Đại Hành khiển.

Năm 1456, khi đã 76 tuổi, vua Nhân Tông lại sai ông đi đến biên giới nhằm khám định bờ cõi, công việc vất vả nhưng ông đã hoàn thành.

nha tho ho dao
Nhà thờ họ Đào tại Thiện Phiến (Tiên Lữ – Hưng Yên). (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Năm 1458, ông phụng mệnh Triều đình đi chấm thi, việc hoàn tất thì ông cũng mất vì sức yếu. Con ông là Đào Dung, cháu ông là Đào Nghiễm, Đào Phạm đều trở bậc nhân tài của đất nước.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đánh giá ông: “Là người ôn hòa, kính cẩn, kiệm ước có phong độ bậc danh thần. Thơ ông cũng thanh thoát, ý tứ dồi dào, đáng ngâm”.

Đến thế kỷ thứ 19 nhà thờ họ Đào được xây dựng ở Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, đến nay còn lưu lại nhiều câu đối, đại tự, bi ký ca ngợi công lao, tài năng, đức độ của Đào Công Soạn. Đặc biệt có bức cuốn thư sơn son thiếp vàng đề 6 chữ do vua Lê Thái Tổ ban tặng cho ông “Thanh liêm – công bình – cần mẫn”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: