Đạo lý ẩn chứa trong phần mở và kết của tứ đại danh tác Trung Hoa (P4)
- Thiên Cầm
- •
Có lẽ hầu hết chúng ta đều từng xem những bộ phim Trung Quốc chuyển thể lại tứ đại danh tác Trung Hoa: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.
TÂY DU KÝ
Tây Du Ký là một bộ “ngộ thư”. So với ba bộ danh tác trên thì chủ đề của Tây Du Ký trực tiếp hơn, giai điệu cũng ấm áp hơn. Trong tứ đại danh tác chỉ có Tây Du là “hỷ kịch”. Mặc dù cùng phải trải qua trắc trở, gian nan nhưng vẫn có một kết cục tràn đầy niềm vui, không phụ lòng người đọc, không có sự bi tráng hay thương tâm như các danh tác còn lại.
Tây Du Ký là một câu chuyện về Phật gia, mà chủ đề của Phật gia chỉ có từ bi và giác ngộ, Tây Du Ký cũng vậy.
Trong bài thơ mở đầu nói rằng:
Hỗn trọc vị phân thiên địa loạn,
Mang mang diểu diểu vô nhân kiến.
Tự tòng Bàn Cổ phá hồng mông,
Khai tích tòng tư thanh trọc biện.
Phúc tải quần sinh ngưỡng chí nhân,
Phát minh vạn vật giai thành thiện.
Dục tri tạo hóa hội nguyên công,
Tu khán tây du thích ách truyền.
Tạm dịch:
Hỗn độn chưa phân trời đất loạn,
Mênh mang u tối chẳng bóng người.
Từ khi Bàn Cổ phá cõi mông muội,
Đóng mở, đục trong mới phân đôi.
Chở đầy chúng sinh ngưỡng vọng chí nhân,
Vạn vật sinh ra vốn đều thiện.
Muốn biết tạo hoá lập đại công,
Phải xem Tây Du Thích Ách Truyện.
Câu chuyện bắt đầu từ thời hỗn mang, từ khi khai thiên lập địa, nhưng lại tập trung xoáy sâu vào chữ “Thiện”, đây chính là tinh thần từ bi của Tây Du Ký. Chữ Thiện này mặc dù ở các tôn giáo khác nhau có danh từ khác nhau, có ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung lại thì cũng chính là những mặt khác nhau của cùng một thứ. Ví như Cơ đốc giáo giảng về “Yêu thương” (Love), Đạo giáo giảng về “Đức”, Nho giáo giảng về “Nhân”… Tự chung lại đều là để con người ta hướng thiện, làm người tốt, từ cơ sở đó mà dần dần quy chính bản thân, dần dần thăng hoa nội tâm thành sinh mệnh cao thượng hơn nữa.
Trong phần kết của Tây Du có hai bài thơ liền nhau, bài thứ nhất là:
Thánh tăng nỗ lực thủ kinh biên,
Tây vũ chu lưu thập tứ niên.
Khổ lịch trình đồ tao hoạn nạn,
Đa kinh sơn thủy thụ truân chiên.
Công hoàn bát cửu hoàn gia cửu,
Hành mãn tam thiên cập đại thiên.
Đại giác diệu văn hồi Thượng quốc,
Chí kim Đông Độ vĩnh lưu truyền.
Nhất thể chân như chuyển lạc trần,
Hợp hoà tứ tượng phục tu thân.
Ngũ hành luận sắc không hoàn tịch,
Bách quái hư danh tổng mạc luận.
Chính quả chiên đàn quy đại giác,
Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân.
Kinh truyền thiên hạ ân quang khoát,
Ngũ khánh cao cư bất nhị môn.
Tạm dịch:
Thánh tăng nỗ lực lấy kinh,
Chu du dặm trường 14 năm.
Chặng đường gian nan bao ma nạn,
Sơn trùng thuỷ bận hiểm nguy giăng.
Công thành Bát cửu lại thêm cửu,
Đi khắp tam thiên đại thiên thế giới.
Đại ngộ diệu văn về thượng quốc,
Ngày nay Đông thổ mãi lưu truyền.
Khắp thân như thể rớt bụi trần,
Hoà cùng tứ tượng để tu thân.
Ngũ hành luận sắc không cô tịch,
Bách quái hư danh miễn luận bàn.
Chính quả công thành quy đại giác,
Hoàn thành phẩm vị thoát trầm luân.
Truyền khắp thiên hạ ân khai sáng,
Ngũ thánh nơi cao bất nhị môn.
Cuối cùng Tây Du Ký đã khép lại bằng bài thơ thứ hai, là bài kệ hồi hướng của Phật gia:
Nguyên dĩ thử công đức,
Trang nghiêm Phật tịnh độ.
Thượng báo tứ trùng ân,
Hạ tế tam đồ khổ.
Nhược kiến văn giả,
Tất phát bồ đề tâm.
Tận báo thử nhất thân,
Đồng sinh cực lạc quốc.
Tạm dịch:
Nguyện cho công đức này,
Trang nghiêm Phật miền tịnh thổ.
Báo lên bốn ơn sâu dày,
Hạ phàm cứu thế ba đường khổ.
Nếu gặp bậc trí giả,
Hãy phát tâm bồ đề.
Tận thân này báo đáp,
Cùng sinh Cực Lạc quốc.
Tại thời điểm kết thúc câu chuyện, chủ đề từ bi và giác ngộ vẫn luôn tồn tại, hơn nữa còn nói rõ đạo lý rằng chỉ khi tu xuất tâm từ bi mới có thể giác ngộ. Đây chính là tinh thần của Phật giáo Đại Thừa.
Nói ra thì chủ đề của Tây Du Ký đơn giản hơn rất nhiều so với các danh tác khác, rất dễ hiểu, dễ nhận biết, đó chính là người ta tu luyện để thành Phật Đà (giác giả – tiếng Ấn độ cổ). Điều này thật ra không có gì mới, trong các tôn giáo quá khứ đều có nói tới, mà ngay trong một số danh tác khác như Truyền thuyết Bát Tiên hay Phong Thần Diễn Nghĩa cũng nói thẳng ra: Người có thể tu luyện để thành Thần tiên.
Tuy chủ đề của Tây Du Ký đơn giản, nhưng đừng quên rằng, 81 nạn giữa phần mở đầu và kết thúc, đều có vô số những hiểu lầm và ấm ức, trắc trở và ma nạn. Giác ngộ xưa nay không phải là một chuyện dễ dàng.
So với 3 bộ danh tác, sự trân quý của Tây Du chính là ở chỗ: ý chí gánh chịu ma nạn, dũng khí chiến thắng gian nan, sự kiên trinh không lay chuyển. Những điều này đều đến từ tâm từ bi, từ sự truy cầu giác ngộ, chứ không phải vì dục vọng và chấp niệm của con người.
Chủ đề của những câu chuyện và chủ đề trong tứ đại danh tác đều khác nhau, nhưng kết cục lại không hẹn mà gặp: đều bước tới cảnh giới giác ngộ. Đó âu cũng là số mệnh. Đời người cuối cùng là cần thức tỉnh và giác ngộ, giấc mộng dẫu đẹp nữa thì cuối cùng vẫn phải tỉnh giấc. Điều này cũng là lựa chọn cuối cùng và con đường duy nhất cho hành trình sinh mệnh của con người. Điểm khác biệt giữa người với người chỉ là sự chấp mê bất ngộ nông hay sâu mà thôi.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu luyện Tây Du Ký Phật giáo Tứ đại danh tác