Đạo trị quốc: Lòng nhân của bậc đế vương
- An Hòa
- •
Trong các thời đại của lịch sử, những vị quân vương có trí tuệ và hoài bão to lớn không nhất định chỉ dựa vào áo giáp kiên cố và binh khí sắc bén để thống nhất và trị vì đất nước. Họ lại càng không phải phá hủy thành quách và giết hại dân chúng của nước khác. Minh quân sẽ thuận theo tình thế của thiên hạ, gánh vác nguy nan của xã tắc, lo lắng cho nỗi khổ của dân chúng, giải trừ tai họa. Như thế, thiên hạ tự nhiên sẽ quy thuận thần phục, dân chúng tự có thể nỗ lực cố gắng. Sách “Lã Thị Xuân Thu” đã trích dẫn một số câu chuyện là minh chứng cho điều này.
Thời thượng cổ, Thần Nông dạy rằng: “Nam giới khi tuổi còn trẻ khỏe mà lại không trồng trọt thì thiên hạ sẽ có người bị đói, nữ giới lúc tuổi thành niên mà không làm quần áo thì thiên hạ sẽ có người bị lạnh”. Cho nên Thần Nông đã tự mình làm ruộng, vợ ông tự mình làm quần áo, điều này thể hiện tấm lòng nhân ái muốn mưu cầu phúc lợi cho dân.
Thiên “Ái loại” trong “Lã thị Xuân Thu” viết rằng thời thượng cổ khi Long Môn chưa được khai mở, núi Lữ Lương chưa được khai phá, nước sông Hoàng Hà từ núi Mạnh Môn chảy ra lan tràn khắp nơi, làm ngập vô số đồi núi, cánh đồng và bình nguyên, khiến cho dân chúng phải lang thang. Đại Vũ đã khơi thông sông Hoàng Hà, dẫn hướng cho sông Trường Giang và xây dựng đầm Bành Lãi để phòng ngừa, khiến cho hồng thủy ở phía Đông phải rút, mang lại lợi ích cho bách tính. Đây là công đức thiên cổ được dân chúng kính ngưỡng.
Bậc quân chủ thực hành đức nhân không chỉ khiến người khác được lợi mà còn mang lại lợi ích trong việc trị vì đất nước.
Có một lần, Tần Mục Công cưỡi ngựa đi ra ngoài nhưng xe lại bị hỏng, con ngựa bên phải thoát cương bỏ chạy và bị một nhóm người bắt được. Khi Mục Công đi tìm ngựa, ông nhìn thấy họ đang ăn thịt ngựa của mình ở phía nam núi Kỳ Sơn.
Tần Mục Công thấy vậy, không những không tức giận mà còn thương xót, nói: “Các ngươi ăn thịt ngựa mà lại không có rượu uống, thịt ngựa sẽ làm hại thân thể của các ngươi!” Thế là Tần Mục Công ban rượu cho họ rồi mới rời đi.
Một năm sau, nước Tần và nước Tấn xảy ra chiến tranh ở đất Hàn Nguyên. Quân Tần rơi vào vòng vây của quân Tấn. Binh lính nước Tấn bao vây xe ngựa của Tần Mục Công. Đại khanh nước Tấn là Lương Từ Mỹ bắt được con ngựa bên trái xe của Tần Mục Công. Dũng sĩ ở bên phải xe của Tấn Huệ Công giơ trường kiếm lên và đâm vào áo giáp của Tần Mục Công, tình hình rất nguy cấp.
Đúng lúc này, có một đội quân là tráng sĩ ở phía nam núi Kỳ Sơn đột ngột xông đến, lao vào đột phá vòng vây, bảo vệ được Tần Mục Công và đánh bại được quân Tấn, còn bắt được Tấn Huệ Công.
Cho nên, quân vương đối đãi với người hiền đức phải công chính thì mới khiến họ thi triển được tài năng. Quân vương đối đãi với dân chúng phải khoan dung phúc hậu thì mới khiến họ tận tâm tận lực. Quân vương yêu thương, đồng cảm với dân chúng thì dân chúng sẽ kính yêu quân vương.
Triệu Giản Tử đặc biệt yêu thích hai con la trắng của mình. Một đêm nọ, tiểu lại Tư Cừ ở ấp Quảng Môn đến trước cửa nhà Triệu Giản Tử nói: “Tôi bị bệnh, thầy thuốc nói rằng ăn gan của con la trắng thì sẽ khỏi bệnh. Nếu không thì sẽ bị chết.”
Người canh cửa đem chuyện này bẩm báo với Triệu Giản Tử. Lúc ấy gia thần Đổng An Vu liền tức giận muốn giết kẻ tiểu lại.
Triệu Giản Tử nói: “Vì mạng sống của súc vật mà giết người thì chẳng phải quá bất nhân sao? Vì cứu mạng sống của người mà giết súc vật, chẳng phải là thi hành nhân ái sao?”
Thế là Triệu Giản Tử sai đầu bếp giết con la trắng, lấy gan của nó giao cho Tư Cừ.
Không lâu sau, Triệu Giản Tử dẫn binh tấn công thành địch, Tư Cừ dẫn theo 700 quân tả đội và 700 quân hữu đội xông lên, giúp Giản Tử giành được toàn thắng.
Theo Zhengjian.org
Tác giả: Lục Văn Nông
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lã Thị Xuân Thu đạo trị quốc