Dưỡng sinh mà không dưỡng đức thì chỉ là công dã tràng
- An Hòa
- •
Cuộc sống vật chất của con người hiện đại ngày nay được nâng cao nhưng thuận theo đó thì áp lực sinh tồn cũng tăng lên, các loại bệnh tật cũng nhiều hơn. Làm thế nào để có một thân thể khỏe mạnh là vấn đề mà rất nhiều người đều quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, người ta lại thường tách biệt giữa “dưỡng sinh” và “dưỡng đức”, cho rằng giữa chúng không có mối liên quan. Thậm chí có nhiều người chỉ chú trọng dưỡng sinh mà không quan tâm dưỡng đức, kết quả chỉ là công dã tràng.
Vấn đề dưỡng sinh không phải đến ngày nay mới được mọi người quan tâm chú ý mà từ thời cổ đại người xưa đã đặc biệt coi trọng. Trong phép dưỡng sinh của người xưa thì vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn. Nhờ đó, thân thể âm dương cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để có thể khỏe mạnh và trường thọ.
Từ xưa tới nay phương pháp dưỡng sinh luôn coi trọng tu dưỡng về tinh thần. Trong sách “Hoàng đế nội kinh” viết rằng: “Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai”, nghĩa là điềm đạm hư vô thì chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi được bệnh tật. Dưỡng sinh trước tiên cần chú trọng tu dưỡng về tinh thần. Cổ nhân cho rằng sự khỏe mạnh của một người có liên quan chặt chẽ với đạo đức của người ấy. Nếu một người chỉ coi trọng dưỡng sinh mà xem nhẹ dưỡng đức thì dưỡng sinh khó có thể đạt được hiệu quả như ý nguyện.
Từ hai ngàn năm trước, Khổng Tử đã đưa ra quan điểm “Nhân giả thọ” (người nhân từ sống thọ) và “Hữu đại đức tất đắc kỳ thọ” (người có đức lớn thì tất sẽ sống thọ). Trong “Đạo Đức Kinh” cũng có viết hai câu: “Đức thị thọ chi bản” tức là đức là cái gốc của trường thọ và “Thọ nguyên vu đức” ý nói thọ có ngọn nguồn từ đức.
Lão Tử còn giảng: Ta có ba báu vật, luôn giữ ở bên mình. Một là “nhân từ”, hai là “cần kiệm”, ba là “không dám đứng trước thiên hạ”. Nhân từ mới có thể dũng, cần kiệm cho nên có thể rộng rãi, không dám đứng trước thiên hạ mới có thể thành tài đức. Quan điểm này của Lão Tử và Khổng Tử là đồng nhất với nhau.
Sự khỏe mạnh và trường thọ của một người nhìn bề ngoài như là kết quả của quá trình dưỡng sinh nhưng kỳ thực lại có liên hệ mật thiết với quá trình tu tâm dưỡng đức của người ấy. Một người mà trong tâm luôn lo được lo mất, ưu phiền, thì cho dù sống trong hoàn cảnh an nhàn và có điều kiện chăm sóc y tế tốt vẫn khó trường thọ được.
Trái lại, một người thường xuyên suy xét lại mình, nội tâm bình hòa, không đặt nặng về danh lợi thì tự nhiên sẽ ít bệnh. Điều này giống như đạo lý mà người xưa nhắc đến: “Tâm chính thì tà không thể xâm phạm”.
Danh y triều Đường, Tôn Tư Mạc giảng: Đức hạnh tốt, mặc dù không dùng thuốc bổ cũng có thể trường thọ; Đức hạnh không tốt, ngay cả dùng tiên đan diệu dược cũng không thể kéo dài thọ mệnh.
Khi một người coi trọng tu dưỡng đạo đức thì nội tâm của họ tự sẽ an hòa. Bởi vì họ luôn biết nghĩ cho người khác trước, đặt lợi ích của người khác lên trước, đối xử tốt với mọi người. Y học hiện đại cũng biết rằng, những mối quan hệ xã hội hài hòa và thái độ thân thiện với người khác có thể khiến cho thân thể tiết ra các chất có lợi cho sức khỏe. Những vật chất này có thể giúp cho việc điều hòa lưu lượng máu và các tế bào thần kinh đạt đến trạng thái tốt nhất. Từ đó con người đạt trạng thái vui vẻ, giảm bớt ưu phiền và lo lắng về tinh thần.
Từ y học truyền thống và hiện đại, ta đều thấy được rằng dưỡng sinh cần phải dưỡng đức trước, dưỡng đức tốt mới có thể sống khỏe và sống lâu.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lão Tử Khổng Tử dưỡng sinh Tôn Tư Mạc Trường thọ Khỏe mạnh dưỡng đức