Giàu có và đạo đức
- An Hòa
- •
Đối với một thương nhân mà nói, việc sử dụng năng lực để kiếm lợi nhuận và theo đuổi lợi ích thương mại là điều đương nhiên và dễ hiểu. Nhưng trong lịch sử văn minh nhân loại thì “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy phải phù hợp đạo) là giá trị đạo đức phổ quát. Bởi vậy người xưa dù là nghèo khó hay giàu có đều trọng đức, trọng nghĩa khinh lợi.
Sách “Tả truyện. Chiêu Công thập niên” có câu: “Phàm hữu huyết khí, giai hữu tranh tâm, cố lợi bất khả cường, tư nghĩa vi dũ”, phàm là con người thế gian đều có tâm tranh cường háo thắng cho nên lợi là không nên tranh lấy, nhìn thấy lợi thì cần nghĩ đến nghĩa, sao cho lợi phải phù hợp với đạo nghĩa.
Trong “Liệt nữ truyện. Hiền minh truyện” có ghi lại câu chuyện về người vợ của Đào Đáp Tử. Chuyện kể rằng vào thời nhà Chu, có một người tên là Đào Đáp Tử làm quan ở Đào Thành được khoảng 3 năm, dù danh tiếng không mấy tốt đẹp nhưng tài sản của gia đình lại tăng lên gấp 3 lần.
Đào Đáp Tử rất tự mãn với những gì mình đạt được nhưng vợ của Đào Đáp Tử thì không thấy như vậy, bà nói: “Không có năng lực mà làm quan lớn, đây là chiêu mời tai họa. Không có công lao mà gia đình hưng vượng, đây là tích lũy tai họa. Hiện giờ phu quân chỉ tham cầu phú quý càng ngày càng nhiều. Tôi nghe nói ở Nam Sơn có con báo đen, nó trốn trong sương mù 7 ngày không xuống kiếm ăn, tại sao lại như vậy? Nó muốn làm ẩm bộ lông của mình, tạo thành các vết đốm để có thể ẩn mình tránh né tai họa. Con heo không bao giờ chọn thức ăn, cái gì cũng ăn thì đến lúc béo sẽ bị giết thôi. Hiện giờ phu quân không tu đức mà nhà càng lúc càng giàu có, tai họa chính là sắp đến rồi.”
Vợ của Đào Đáp Tử muốn khuyên chồng tiết chế lòng tham, giống như con báo ẩn mình không kiếm ăn nữa nhưng Đào Đáp Tử không nghe lời khuyến cáo của vợ, trái lại còn đuổi vợ ra khỏi nhà. Kết quả là chỉ gần 1 năm sau, việc làm sai trái của Đào Đáp Tử lộ ra, ông ta bị xử chết.
Người giàu mà có đức sẽ có thể mang lại lợi ích cho mọi người. Nhưng người không có lòng nhân ái thì vì của cải sẽ mang lại sự hỗn loạn cho xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào, người giàu có đều có tiêu chuẩn phổ quát chung, họ không chỉ bảo tồn các hình thức văn hóa truyền thống, lưu giữ các văn vật, giữ gìn tín ngưỡng, mà còn làm từ thiện, quyên góp, tài trợ cho các hoạt động trong xã hội, cống hiến cho xã hội và mang lại lợi ích cho con người.
Tuy nhiên, trong xã hội nào cũng có rất nhiều người giàu có không hiểu được đạo lý “Vô đức nhi bất đắc, thất đức nhi tán tận”, không có đức thì không được gì, mất đức thì mất tất cả. Khi có tiền trong tay, bằng cách này hay cách khác, họ thà ăn uống xa hoa, tiêu xài phung phí, đánh bạc, hút chích hay có “tình nhân” hơn là sẵn lòng đóng góp cho phúc lợi xã hội, giúp đỡ người kém may mắn. Vì vậy, hầu hết những người giàu này không thể tận hưởng được hạnh phúc và giàu có lâu dài. Họ thường gặp phải những thăng trầm trong cuộc sống và sự giàu có cũng chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc chỉ trong thế hệ tiếp theo là đã tiêu tán mất hết rồi.
Đối với quan tham, đối với người làm việc bất nghĩa mà nói, tiền bạc và của cải không mang lại hạnh phúc lâu dài cho họ, mà còn mang đến cho họ vô vàn rắc rối và bất an, thậm chí là tiền mất tật mang, mất người mất mạng. Người không biết làm việc thiện tích đức mà chỉ biết tham cầu giàu có thì giống như đốt bấc đèn mà không có dầu, làm sao không tự hủy hoại mình được? Tài vật nhiều mà đức ít là tai họa.
Tiền tài là vật ngoại thân, của cải mà một người sở hữu nhiều hay ít không có nghĩa là nhân cách của người ấy cao hay thấp. Đời người quý ở tu đức, người có đức đều có phúc báo, khỏe mạnh trường thọ và đủ cơm ăn áo mặc. Người giàu mà không có đức thì cho dù có được lợi ích cũng chỉ là nhất thời, bởi vì kẻ quên đi đạo đức, lương tri và chính nghĩa thì sẽ bị Trời trừng phạt. Ở sâu thẳm bên trong, ai cũng không cách nào trốn thoát được Thiên lý thiện ác tất báo.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Quán Minh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: