Hoàng đế Khang Hy: Việc học cần luôn coi mình là kẻ ngốc
- Thiên Cầm
- •
Khang Hy là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông vừa tinh thông văn hóa, vừa có thể cưỡi ngựa bắn tên, lại có mong muốn tìm hiểu khoa học phương Tây một cách cởi mở. Đọc sách và bàn luận tri thức là một thói quen thường nhật của Khang Hy. Đối với ông, việc học là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cần luôn coi bản thân là kẻ ngốc.
Từ sau khi lên ngôi, Khang Hy đổi “Kinh diên đại điển” thành “Kinh diên nhật giảng”, ông yêu cầu các quan đại thần hàng ngày bàn luận, giảng thuyết về sách vở, cách vài tháng lại tổ chức một đại lễ giao lưu chia sẻ, để bá quan văn võ trong triều cùng chắp tay cung kính lắng nghe. Nội dung bàn luận đều lấy từ những cuốn sách kinh điển về trị loạn hưng suy như “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” và “Thông Giám”.
Để hoạt động này không rơi vào hình thức, hữu danh vô thực, Khang Hy đã tự mình định ra danh sách, lệnh cho 16 vị cao quan trong bộ Hình, bộ Công, bộ Hộ và viện Hàn Lâm phải lên giảng về tri thức và kinh sách. Dưới sự dẫn dắt của Khang Hy, công việc này đã được thực hiện trong suốt 15 năm không ngừng nghỉ, dù cho hoàng đế có bận đến đâu. Trong “Khang Hy chính yếu” có chép, vào năm Khang Hy thứ 12 (tức năm 1673), ông từng dặn dò xuống rằng: “Ta vì tu sửa cung điện, nên ngày mai sẽ dọn tới Doanh Đài ở vài hôm. Hàng ngày giảng thuyết kinh sách lễ nghĩa là con đường trọng yếu đạt được tri thức. Việc tu dưỡng đạo đức cũng cần kỳ vọng mỗi ngày một tiến bộ, không được phép dừng lại. Vậy nên thỉnh các vị giảng quan hàng ngày tới Doanh Đài tấn giảng như thường lệ.”
Khang Hy để lại nhiều bình luận sâu sắc về việc học, đọc sách và tiếp thu tri thức:
“Đạo học vấn cốt ở thực tâm thực ý nghiên cứu, tìm hiểu. Giả sử chỉ coi đây là việc đối phó bề mặt, giảng thuyết xong bèn bỏ ngoài tai, thì chỉ phí công vô ích, hữu danh vô thực, há có ích gì cho thân tâm? Sau khi các bậc đại thần lên giảng nói, ai nấy đều xét kỹ lại bản thân, từ đó mà rèn tâm đức. Đặc biệt cần phải nghiên cứu những người và việc cụ thể, phải theo đuổi đạo lý cho tới khi minh xác, thấu triệt, mới được nghỉ ngơi. Những khi việc chính sự thư nhàn, dẫu là mùa đông hay mùa hè, chỉ có việc đọc sách, luyện chữ mà thôi.”
“Giảng rõ đạo lý là công phu trọng yếu nhất trong học vấn. Như vậy mới có thể kiểm soát việc tự mình tu thân và cai quản người khác. Nếu không thể giảng rõ đạo lý, vậy thì mọi sự vụ lấy nguyên tắc từ đâu?”
“Phương pháp có được học vấn, rốt cuộc là nằm ở cái gốc là tâm ý đoan chính.”
“Nhân tâm cần thông suốt, không vướng mắc. Một khắc không cận kề thư sách, tâm đó khó tránh khỏi sẽ có phần phóng túng. Ta ở trong cung tay không rời sách, chính là vì nguyên cớ này.”
Sau này, hoàng đế Khang Hy còn viết “Độc thư quý hữu hằng luận” (Đọc sách quý ở việc đàm luận thường hằng), có đoạn như sau:
Trong cách đạt được học vấn, ta lấy việc không lừa gạt làm gốc căn bản, lại coi việc khởi đầu chăm chỉ, nỗ lực nhưng cuối cùng biếng nhác là đại họa. Đó là vì thánh hiền nhập đạo, việc học không phải là điều khó nhất, kiên trì thường hằng mới là việc khó nhất.
Trong sách “Thượng Thư” cũng viết rằng: “Việc học chỉ có thể khiêm nhường, chuyên tâm quyết chí, luôn coi mình là kẻ ngốc, vậy thì nguồn học chẳng khi nào dứt.”
Khiêm nhường tiếp nhận ý kiến của người khác, nỗ lực khích lệ bản thân, vậy thì những điều cần học cũng thông suốt như suối nguồn, róc rách chảy mãi không ngừng. Hơn nữa, nhất định phải luôn coi mình là kẻ ngốc, đây chính là cách nói phải kiên trì thường hằng.
Trong “Thi Kinh” cũng nói rằng: “Học tập cần tích cóp, tích lũy qua ngày đoạn tháng, tinh tấn không dừng, thì có thể đạt tới cảnh giới quang minh vô tỷ.” Bậc quân tử hiểu rộng nhớ lâu, gắng sức thực hành, như vậy tri thức mới ngày càng uyên bác, mới có thể ngày càng đề cao. Nếu sáng sớm nỗ lực nhưng tối đến lại biếng nhác thì nhuệ khí tinh tấn sẽ sụt giảm nhanh chóng. Vậy thì việc học lại càng trở nên tối tăm, đâu có thể nói tới cảnh giới quang minh vô tỷ? Đây là cách nói của thi nhân, nhưng điều then chốt vẫn là kiên trì thường hằng.
Con người truy cầu học vấn, nếu không phải vì vô cùng yêu thích hay đam mê sâu sắc, ắt hẳn chẳng thể kiên trì bền lâu mà không biếng nhác. Vì sao? Khí phách của thi thư nếu chẳng thể thấm nhuần trong tính cách, tình cảm của người đó, thì nó sẽ rời xa họ. Như vậy muốn nghiệp học của họ thành công, liệu có thể làm được chăng?
Ta từ lúc 8 tuổi đăng cơ tới nay, đã yêu mến thư tịch, nếu không ở nơi truyền đạo thụ nghiệp, tụng đọc cổ huấn, thì hàng ngày đều cùng giảng quan khám phá. Dẫu trên ngự xa hay cung điện, cũng đều không hoang phí thời gian nghiên cứu sử sách, tìm tòi thảo luận. Ta không dám vì nội dung sâu xa khó hiểu mà sợ hãi hay thoái lui, không dám vì truy cầu những thứ bên ngoài mà thay đổi, từ đó mới có thể kiên trì trước sau như một.
Đạo lý thánh hiền vô cùng tinh diệu, ta nỗ lực không ngừng, nhưng cũng hổ thẹn vì chỉ có thể đắc được những điều nông cạn mà thôi. Nếu có thể vì vậy mà càng nỗ lực hơn, thì trên con đường học vấn này đại khái cũng có thể có chút thu hoạch, chỉ e chí khí suy giảm, lười nhác, dần dần sẽ trở thành người thừa.
Trong sách “Thượng Thư” cũng nói rằng: “Đắp núi cao 9 nhận, chỉ thiếu một sọt đất” (Nhận là đơn vị đo thời nhà Chu, bằng 1/8 trượng, khoảng 6,48m bây giờ). Câu này ý nói rằng có thể kiên trì từ đầu chí cuối thật chẳng dễ dàng gì. Do vậy ta cũng cẩn trọng răn đe, coi việc kiên trì thường hằng như một lời cảnh báo.
Hoàng đế Khang Hy đề xướng ngày ngày giảng kinh điển, coi trọng tiếp thu tri thức, kiên trì suốt 15 năm, cuối cùng đã đặt định cơ sở cho sự hưng thịnh và nền tảng lý luận trị quốc của triều đại nhà Thanh. Suốt cuộc đời mình, ông nỗ lực học tập không mệt mỏi, sách chẳng rời tay. Có thể nói ông là vị hoàng đế toàn tài, thông kim bác cổ hiếm có trong lịch sử.
Mọi người đều hiểu được rằng, kiên trì một lúc thì dễ, kiên trì cả đời mới khó! Để thực sự nỗ lực học tập, áp dụng vào thực tiễn cả một đời, tinh tấn không ngừng thì sẽ phải đối diện với rất nhiều khảo nghiệm. Vậy nên làm việc “quý ở sự kiên trì thường hằng”!
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách Việc học Khang Hy Người trí thức