Lấy hòa khí đối đãi người, lấy tĩnh khí dưỡng thân tâm
- An Hòa
- •
Trong đối nhân xử thế, hòa khí và tĩnh khí có vai trò rất quan trọng. Hòa khí có thể hóa giải hết thảy mâu thuẫn và xung đột còn tĩnh khí giúp bản thân bài trừ tạp niệm, giúp cho cả tâm và thân con người được khỏe mạnh, thư thái. Vì vậy, rất nhiều danh nhân trong lịch sử đều coi trọng hòa khí và tĩnh khí trong dưỡng sinh và xử thế.
Lấy hòa khí đối đãi người
Trong sách “Trung Dung” viết: “Mừng, giận, buồn, vui khi chưa biểu hiện ra được gọi là trung, biểu hiện ra mà phù hợp với lễ tiết thì được gọi là hoà. Trung là gốc lớn của thiên hạ, hoà là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Đạt đến sự trung hoà thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được sinh trưởng”.
“Hòa” là một trong những cảnh giới cao nhất mà văn hóa truyền thống theo đuổi, và đó cũng là khuôn vàng thước ngọc cho sự kết giao giữa người với người. Lấy “hòa khí” đối đãi với người khác thì mọi sự sẽ thuận lợi. Lấy thái độ ôn hòa mềm mại khi kết giao với người khác thì có thể hóa giải hết thảy bất hòa, hiểu lầm, xung đột hay mâu thuẫn đôi bên.
Đạo kết giao phải dựa trên chữ “hòa”. Khi tâm hòa thì khí sẽ bình, khí bình thì lòng dạ sẽ rộng lớn, lòng dạ rộng lớn thì sẽ khiêm tốn, khiêm tốn thì sẽ nhiều người yêu mến và nguyện ý kết giao. Đúng như trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Cha con hòa hợp thì gia đình sẽ không sụp đổ, anh em hòa hợp thì gia đình sẽ không ly tán. Hòa hợp với mọi người xung quanh sẽ không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Vợ chồng hòa hợp thì gia đình càng thêm hạnh phúc, hưng thịnh”.
Trong sách “Luận Ngữ” giảng rằng: “Hòa vi quý”, “Hòa nhi bất đồng“, nghĩa là hòa hợp nhưng vẫn giữ được sự khác biệt. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người chính là phải có một trái tim bao dung. Mỗi người đều có cá tính riêng, cách nhìn riêng và tính khí riêng. Hòa khí là đối mặt với cá tính của người khác và bao dung tính khí và cách nhìn riêng của họ.
Khi chúng ta nhìn mọi người và thế giới bằng con mắt ôn hòa, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới này thực sự rất rộng lớn. Khi chúng ta dùng hòa khí để đối đãi với người khác, tôn trọng cá tính và tính khí của người khác thì trên đời này sẽ không có người nào không thuận mắt chúng ta cả. Nếu chúng ta dùng hòa khí để nhìn sự việc, để giải quyết sự việc thì chúng ta sẽ thấy không có sự tình nào là không thể giải quyết được.
Lấy tĩnh khí dưỡng thân tâm
Chỉ khi nào cốc nước đục lắng xuống thì nó mới trở nên trong. Tâm của con người cũng như vậy. Chỉ khi tĩnh lại, con người mới thực sự làm chủ cuộc sống và tận hưởng cuộc sống.
“Mỗi lâm đại sự hữu tĩnh khí, bất tín kim thì vô cổ hiền” là câu đối của Ông Đồng Hòa – trạng nguyên, nhà thư pháp và đại thần triều đình nhà Thanh. Ông cho rằng chỉ cần thường xuyên dưỡng tĩnh khí trong tâm thì chúng ta có thể giải quyết được những chuyện lớn một cách dễ dàng hơn.
Đại thần nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên lúc còn trẻ làm việc khó tránh khỏi lúc tâm phiền khí táo. Thầy giáo của ông là Đường Giám đã tặng ông một chữ “tĩnh”. Từ đó, Tăng Quốc Phiên đều dành thời gian ngồi tĩnh tọa mỗi ngày và ông đã thu được rất nhiều lợi ích về thái độ ứng xử và về nghiên cứu học vấn của mình.
Sau này khi gặp những vấn đề lớn, Tăng Quốc Phiên không dễ dàng đưa ra quyết định. Ông luôn trầm ngâm suy nghĩ và cân nhắc nhiều lần trước khi đưa ra chủ ý. Vì để không khí trở nên tĩnh hơn, ông thường thắp một nén hương. Mỗi khi người nhà thấy loại tình huống này thì đều sẽ không làm phiền ông dù nhà có chuyện lớn đi nữa.
Tăng Quốc Phiên cho rằng mọi việc cần phải được giải quyết một cách an tường hòa hoãn. Nếu vội vàng, hoảng hốt thì chúng ta có thể mắc sai lầm. Vì vậy, an tường hòa hoãn là cách đầu tiên để giải quyết công việc.
Ngồi tĩnh tọa còn giúp cho thân và tâm con người được khỏe mạnh hơn. Đây cũng là phương pháp dưỡng sinh tốt. Chu Hi từng nói: “Sau trung niên, khí huyết tinh thần còn có thể có được bao nhiêu? Không phải là lúc viết truyện thì rạng sáng luyện mắt, không dám gắng sức đọc sách. Khi rảnh rỗi ngồi tĩnh tọa làm dịu thể xác và tinh thần, cảm thấy khá tốt”.
Sau tuổi trung niên, sức khỏe của Chu Hi không được tốt, dễ dàng bị mệt nhọc, thường xuyên bị bệnh, đặc biệt là thị lực giảm sút rất nhiều. Ông thường xuyên thông qua phương pháp tĩnh tọa để xoa dịu thể xác và tinh thần, xua tan những suy nghĩ không đúng mực, công hiệu đạt được thậm chí còn hơn cả uống thuốc.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Ngô Vĩnh Kiện
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng đạo đức