Ở xã hội ta bây giờ mà nói đến khí tiết, người khá nghe thì lấy làm ngại, người xoàng nghe thì cho là đồ vứt đi. Người khá vẫn còn chuộng khí tiết, song vì hai chữ khí tiết lâu nay chỉ dùng riêng cho một hạng người “chết vì nước”, nên nói đến khí tiết thì như là động đến chính trị, mà mình là đương như mù như câm trong việc chính trị, vì thế nghe mà lấy làm ngại. Còn người xoàng thì trong lòng họ đã chai đỉa rồi, chỉ biết chuộng danh chuộng lợi, miễn cho được danh được lợi rồi thì dầu có phạm đến đạo đức luân lý họ cũng làm, kể chi khí tiết; cho nên họ cho khí tiết là đồ vứt đi. Họ đã vứt khí tiết đi, thì trong bài này ta cũng vứt họ đi, không thèm nói với, mà chỉ nói với hạng người khá.

Khí tiết là gì? Là chí khí, tiết tháo của người ta. Giải cho rõ nghĩa ra nữa thì nó là cái lòng biết tự trọng, biết quý danh dự mình, chuộng công nghĩa, không mê phú quý, không sợ quyền thế, không quản sinh tử, vụ giữ lấy cái thái độ của mình cho hiệp với đạo đức luân lý mà mình vẫn sùng phụng: ấy gọi là khí tiết. Từ xưa đến nay, năm nào cũng vậy, khí tiết ấy không hề thay đổi, không hề sai lạc. Khí tiết của người ta cũng dựa theo đó mà được lên.

Theo như nghĩa đã giải trên kia, thì chữ khí tiết cũng chẳng khác gì với chữ nhân cách. Chẳng qua khí tiết là một danh từ cũ, còn nhân cách là một danh từ mới; nhân cách thì nghĩa nó hơi rộng, mà khí tiết nghĩa nó thiết thực hơn. Vì chữ khí tiết có ý thiết thực, lại vì đã lâu trong học giới ta ít nghe nói đến nó nữa, thành ra nó lại trở nên một danh từ mới, không như chữ nhân cách đã thành một câu sáo ở miệng người ta, quen quá mà hóa nhờn; bởi thế trong bài này dùng chữ khí tiết mà không dùng chữ nhân cách.

Khí tiết đã có thể gọi là nhân cách được, thì nó là một điều tốt cho mọi người, không cứ một hạng người nào. Vì người ta ở đời, sự sinh hoạt phải tùy theo cảnh ngộ, nên nghề nghiệp có sang có hèn, tại đó mà sinh ra các đấng bậc trong xã hội; song ai nấy đều là người, thì ai nấy đều có cách làm người, chẳng ai kém ai. Cái tiếng “Ta” ai cũng dùng mà xưng mình được, thì ai cũng có quyền tôn trọng lấy tiếng “Ta” ấy, mà cũng có nghĩa vụ giữ lấy tiếng “Ta” ấy, cho khỏi nhục. Trừ ra một hạng người theo đường bất chính, cướp tự do và tài sản của người khác như là phường trộm cướp, còn thì ai cũng có thể đối với một người khác hoặc hoặc nhiều người khác mà bảo trọng cái địa vị của mình. Dù đến người hành khất cũng có thể bảo trọng địa vị mình được: cho nên trong đám ấy cũng có chia ra một hạng có khí tiết và một hạng không khí tiết. Nói ngay ở Hà Nội ta đây, trên trại Hàng Hoa thường có một người ngồi trên bờ cỏ, ăn mặc lam lũ, khi thì thổi sáo, khi thì gảy đàn, có cái nón để ngửa ra trước mặt để xin tiền khách đi chơi, ai cho thì gật đầu tỏ ý cám ơn, mà ai không cho thì chớ, không hề lạy lục: ấy là ăn mày có khí tiết. Còn ở Hàng Đào, Hàng Ngang, trong mùa hay mưa thường có mấy đứa đóng khố ruột để đầu trần, la lết hai bên vệ đường, miệng kêu như quạ, những là: cá sống về nước, con sống về ông bà, v.v., người ta cũng thí cho, song lấy làm khinh bỉ: ấy là ăn mày không khí tiết. Gia cho ăn mày hai chữ khí tiết, người hẹp lượng chắc cho là nghĩa quá đáng. Song xin nghĩ lại: những người già cả tật nguyền, đau yếu không phương nuôi mình được nữa. “Ta” đi xin, “Ta” trọng thân mà không thể tự tử được, “Ta” lại trọng cái danh dự của “Ta” mà không thể kêu van lạy lục được, thì “Ta” phải đi xin một cách cao thượng: nào ai có cấm ta? Nào ai cướp được cái khí tiết của ta? Còn những đứa bị người ta khinh bỉ bỏ nó là tại nó tự chuốc lấy.

Nói thế không phải là có ý xáo trộn các đấng bậc trong xã hội, không phải dạy cho bọn hạ lưu lên mình đâu, không phải đem lời khinh bạc mà làm nhem nhọ hàng thượng lưu đâu; nói cho cùng cực như thế để tỏ ra rằng hạng người nào cũng có thể tự trọng được, cũng có thể giữ địa vị mình được. Cái nghĩa ấy thông đến kẻ ăn mày; vậy thì ai cũng phải tự trọng mình, ai cũng phải giữ địa vị mình, ai cũng phải chuộng khí tiết, không được để phần riêng cái khí tiết cho một hạng người nào cao hơn mình mà tự mình không dám chiếm lấy.

Lại để tỏ ra rằng hai chữ khí tiết nó bao trùm cái tư cách của quốc dân, có nó thì tư cách của quốc dân cao lên, không có nó thì tư cách của quốc dân thấp xuống, chứ không phải chỉ là một cái huy hiệu để tặng riêng cho những người “chết vì nước” đâu. Đã thế thì nói đến khí tiết, chắc là không can phạm gì đến việc chính trị, cho nên ai nghe cũng đừng lấy làm ngại.

***

Khí tiết bởi đâu mà sinh ra? Một là bởi học thuật, hai là bởi giáo dục, ba là bởi phong hóa. Học thuật có chuộng đường chánh bỏ đường tà, trọng nghĩa khinh lợi, thì người ta mới biết liêm sỉ, giữ luân thường đạo nghĩa. Trong sự giáo dục, có nâng đỡ cái khí hung cường, nuôi nấng cái lòng tự tôn của kẻ học thì phong sĩ mới càng ngày càng cao, phong hóa có hay có tốt, trong xã hội thường không trình bày ra những gương xấu, thì nhân dân mới có cái nết sĩ quân tử, mà ai nấy biết trọng lấy mình. Dẫu vậy, trong ba điều đó, cái sức cảm nhiễm người ta mạnh hơn hết là phong hóa, mà cái vòng khuôn của một người làm ra tràn đi như gió, mà muôn ngàn người khác họa theo, chứ không thuộc về một số ít như học thuật giáo dục chỉ riêng cho những người có học, và học thuật giáo dục chẳng qua là lý luận mà phong hóa thì là việc thực hành. Cái tính bắt chước, người ta thường hướng triều về việc làm hơn là hướng triều về lời nói; cho nên lý luận dầu phải chăng nữa mà thực hành trái, thì cái trái ấy nó sẽ tràn ra trong xã hội mà đoạt cái phải kia đi. Vì thế nên đời nào cũng dạy người ta bằng kinh thánh truyện hiền, mà có đời thì phong tục tốt, có đời thì phong tục xấu, là do ở phong hóa mà ra cả. Ấy phong hóa với khí tiết quan hệ nhau như thế.

Than ôi! Người ta ngày nay có còn chút khí tiết nào không? Muốn nói rằng không còn chút nào thì sợ quá; mà nói còn thì e không thật. Thôi thì nói rằng còn, song cái phần còn ấy cũng đã tiêu diệt hầu hết. Mà cái cớ sở dĩ tiêu diệt là tại phong hóa xấu đã lưu hành trong khoảng độ 200 năm nay.

Dân khí sĩ phong nước ta trong lúc đời Trần, đời Lê phát đạt thịnh vượng thế nào, phàm ai đã học sử chắc là đã rõ (chỗ này cũng nên dẫn chứng lịch sử ít điều, song vì không phải ý cốt trong bài này, cho nên lược đi) mà suy đồi đi là tự đời Lê trung hưng về sau. Vả nước ta là một nước quân chủ, xưa nay vẫn lấy nghĩa quân thần làm đầu trong năm đấng thường. Trong hàng sĩ phu lấy sự “làm tôi hai họ” làm một điều trái đạo, một điều rất nên xấu hổ nhơ nhuốc, theo như lời sách dạy rằng: “Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái chính chuyên chẳng trải hai đời chồng”. Thế mà lúc bấy giờ các vua nhà Lê vẫn làm vua cầm quyền trị nước, họ Trịnh vốn là hàng tôi, dám dấy lên cướp quyền vua Lê, dấy lên cái cuộc “vua Lê chúa Trịnh” là một cuộc biến, mà lịch sử ta chưa hề có bao giờ. Quyền bính đã về họ Trịnh, quan lại vả cả sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh, làm tôi nhà Lê mà cũng làm tôi họ Trịnh nữa. Hóa nên cái câu: “Sống để thờ vua thờ chúa” thường ở trong cửa miệng sĩ phu bấy giờ; xét ra cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để tìm đường thực lợi. Cái tâm thuật như thế thật là bại hoại đến điều. Ban đầu chắc là cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, ai cũng như nấy, không còn biết thế là sỉ nhục. Một người đàn bà có chồng mà lang dâm, trắc nết, thì chắc là còn trổ ra trăm thứ nết xấu khác nữa. Người sĩ phu mà cái đại tiết đã hỏng thì còn có việc gì bậy bạ mà chẳng làm. Một người như thế, thì trăm nghìn người hùa theo; người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau trong vòng danh lợi, cho nên dám quyết rằng: khí tiết người nước ta sở dĩ tiêu diệt đi là tại họ Trịnh bày ra cái gương xấu. Lại dám lên án rằng: Các chúa Trịnh là tội nhân của danh giáo nước ta.

Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo, theo để kiếm lợi. Tây Sơn dấy lên, có nhiều người trong hàng khoa bảng đã thờ Lê, thờ Trịnh, rồi lại thờ Tây Sơn: thật là lòng muông dạ thú; cho nên ông Đặng Trần Thường xử trượng Ngô Thời Nhiệm, đánh trên bụng cho chết, mà nói rằng “Bụng làm dạ chịu” thì cũng chẳng oan nào.(1)

Mãi đến bây giờ, cái lòng tự trọng của người mình đã như ngọn lửa tắt rồi, mà không còn bừng lên được, như hột giống bị ẩm rồi, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống, ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân một ngày một đê hèn, một ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ thì luồn cúi lạy lục mấy mấy cũng chẳng từ: ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu là có quản. Nước Pháp là một nước trọng nhân đạo, chuộng tự do, bình đẳng, thật đã có lòng vun đắp nền khí tiết cho ta, thế mà có được đâu. Nào cấm đánh, cứ đánh; nào cấm lạy, cứ lạy; nào bảo đứng yên mà nói, thì cứ gãi đầu gãi tai; nào bảo đừng đem lễ nữa, thì cứ nay trứng mai chuối! Ôi! Cái dân khí ở đâu mà có cái dân khí lạ lùng thế? Có phải tại cái gương xấu của chúa tôi nhà họ Trịnh đã treo lên từ hai trăm năm trước không? Có phải là nó đã như bệnh di truyền lâu đời, như nọc độc ăn sâu, mà bây giờ dẫu thầy thuốc hay mấy mặc lòng, cũng không phương chữa được nữa không?

Đã như thế thì bây giờ nếu muốn trong xã hội đục như bùn, mềm như sứa này mà nẩy lên được cái mầm khí tiết thì thực khó lắm thay! Không trông ở cái sức bên ngoài nâng đỡ cho, hay là vun quén cho mà được, phải cốt ở lòng “tự giác” của người mình. Lòng “tự giác” nghĩa là mình tự biết lấy mình, mình đề tỉnh lấy mình. Biết mình nếu đê hèn như thế, thì mất cả cái tư cách làm quốc dân, mất cả cái tư cách làm người ở đời, bị thiên hạ dể duôi sỉ vả. Biết mình đã là người, thì dẫu cho cái đấng bậc mình thấp đến đâu, cái nghề nghiệp mình hèn đến đâu, cũng có thể giữ cái danh giá thể diện của mình được. Biết rằng miễn mình noi theo đường chính, làm theo lẽ phải, thì không cần phải bợ đỡ ai, van lạy ai. Biết rằng cái sự vào luồn ra cúi, theo gió bẻ buồm để được giàu sang sung sướng là cái sự rất nhuốc nhơ, rất gớm ghiếc, mà mình tránh nó cho xa. Biết rằng cái văn minh đời nay là gồm cả hình thức và tinh thần, một dân có nghề nghiệp giỏi mà tư cách đê hèn, thì không tài nào văn minh được; mình muốn nước mình văn minh, thì mình phải trau dồi nhân cách. Biết rằng nước Pháp muốn dắt mình lên đường văn minh, nên mới nâng cao cái nhân cách cho người mình, thì mình phải tự trọng. Đã biết thế thì cái lòng chuộng khí tiết tự nhiên nó nẩy ra, cái mầm khí tiết tự nhiên nó nứt lên, xã hội sẽ đổi ra cái nhan diện khác.

Ông Quản Tử xưa có câu nói rằng: “Lễ nghĩa, liêm sỉ, thị vị tứ duy; tứ duy bất chương, quốc nãi diệt vương” (Lễ nghĩa liêm sỉ, ấy là bốn cái neo, bốn cái neo chẳng dăng ra, thì nước bèn mất). Một dân nào mà không có khí tiết, không biết tự lượng, không có nhân cách thì không những là không thể noi đến bậc văn minh, mà cái họa diệt vong sẽ đến sau lưng vậy. Nguy lắm thay! Sợ lắm thay!

CHƯƠNG DÂN

章民

Rút trong tạp chí Hữu Thanh

Nguồn: Những áng văn hay (Thử phê bình nhơn vật và văn thơ cổ kim). Hà Nội: Nam Ký thư quán, 1933, tr. 21-27. (a)

Chú thích:

(1) Lúc vua Gia Long ra bình định Bắc Hà, sai ông Đặng Trần Thường xử tội trượng mấy người a phụ Tây Sơn tại Văn miếu Hà Nội bây giờ. Trong mấy người ấy, Ngô Thời Nhiệm là một; Đặng vốn có thù riêng với Ngô, bèn bắt nằm ngửa ra mà đánh, nói rằng: “Bụng làm thì dạ chịu”. (nguyên chú)

(a) Bài này rút từ sưu tập Những áng văn hay, Th. S. Tr. N. K. biên tập, là một cuốn trong “Văn học tùng thư” do thư quán Nam Ký chủ trương, Hà Nội, 1933: Nam Ký thư quán, 17 Francis Garnier, Hanoi; 182 tr. 14×27 cm. Trong sưu tập này có một số thơ văn Phan Khôi: văn nghị luận có bài này và bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt”; thơ có “Khai bút” rút từ N.P., “Bản dịch “Thủy hử” gởi cho dịch giả” rút từ sách “Bút quan hoài”. Ngoài ra có bài “Ông Phan Khôi” của Tr.-Th. (tên viết tắt, không rõ là ai).

Đăng lại từ trang lainguyenan.free.fr
Có bổ sung ảnh minh họa

(1) Ông Yệm thuộc về hạt Thủ Dầu Một, là chỗ để đày những trẻ con chưa đến tuổi thành nhân mà phạm tội (nguyên chú của PK).

Những tác phẩm của nhà báo, học giả Phan Khôi (1887-1959) đăng trên báo chí trong năm 1931, chủ yếu là trên nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, báo Đông tây ở Hà Nội, sau hơn 70 năm bị rơi vào quên lãng, lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố trên trang lainguyenan.free.fr.

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: