Trí tuệ cổ nhân: 10 bí quyết dưỡng khí
- An Hòa
- •
Trung y dưỡng sinh giảng rằng: “Khí tụ tắc sinh, khí mạnh thì khỏe, khí yếu thì nhược, khí tán thì vong”. Cổ nhân cho rằng “khí” là năng lượng cơ bản nhất cấu tạo nên cơ thể con người và duy trì các hoạt động sống của con người, người nào dưỡng khí tốt thì dưỡng sinh thành công. Dưới đây là mười bí quyết dưỡng khí của cổ nhân.
1. Thận ngôn dưỡng thần khí
Các hoạt động sống của con người đều do “thần” (ý thức) là chủ thể. Cổ nhân gọi “thần” này là “quân chủ chi quan”, nghĩa là “thần” đối với cơ thể con người giống như vua của một đất nước đối với dân chúng vậy, là có mối liên hệ điều khiển và bị điều khiển. Bởi vậy, bảo dưỡng thần khí là việc hàng đầu.
Trong việc bảo dưỡng thần khí, cổ nhân chú trọng nhất là tĩnh dưỡng, ít lời. Nếu nói năng không cẩn thận, nói dối, nói nhảm, thao thao bất tuyệt sẽ dễ dàng làm tổn thần tán khí. Hơn nữa, nói nhiều tất nói lỡ, có thể làm nảy sinh thị phi, tiến thêm một bước làm thương thần hao khí, ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần.
2. Không quá mừng dưỡng tâm khí
Chướng ngại lớn nhất của dưỡng sinh chính là cảm xúc không ổn định. “Hỉ nộ ưu tư bi khủng kinh” chính là thất tình của con người và có mối liên hệ trực tiếp với khí cơ của nội tạng. Cảm xúc vui mừng ảnh hưởng đến tâm khí. Khi con người vui mừng quá sẽ cười đến mức thở không ra hơi. Lý luận trung y cho rằng: “Hỷ thương tâm”.
Hỷ ở đây là vui mừng quá mức, là đại hỷ, hả hê, mừng khôn xiết. Khi vui mừng quá độ sẽ khiến tâm khí bị dồn lên trên, khí của tâm thận vốn nối liền với nhau đột nhiên bị tách khai nhau ra làm mất đi sự cân bằng dẫn đến bệnh về tim. Cho nên vui mừng cần phải có độ, phải khống chế được cảm xúc của bản thân.
3. Giúp đỡ người dưỡng dũng khí
Đảm khí (dũng khí) của con người lớn hay nhỏ thường có mối liên hệ với tâm của người ấy ngay chính (công tâm) đến mức nào. Đứng trước một sự tình, ít nghĩ đến tự tư, tự ngã, mà nghĩ nhiều đến tập thể, đến người khác, thì dũng khí tự nhiên sẽ mạnh mẽ lên. Người mà vui với việc trợ giúp người khác cũng chính là người có dũng khí hơn người.
4. Ít ưu tư dưỡng tính khí
Ưu tư nhiều làm tổn thương tì. Con người sống luôn phải đối mặt với đủ loại ưu buồn khác nhau. Người hay ưu tư, suy nghĩ miên man, lâu dần sẽ sinh ra chán nản, ăn không ngon ngủ không yên, thần kinh suy nhược, xanh xao vàng vọt mà lâm bệnh.
Con người mặc dù không thể ngăn được ưu tư nhưng có thể giảm bớt và hóa giải được ưu tư. Cách tốt nhất để hóa giải ưu tư là chuyển tâm từ rối loạn sang nhất tâm, từ không có trật tự sang trật tự, từ buồn bã sang lạc quan, và từ hẹp hòi sang khoan dung, như thế có thể bỏ được chán nản, dưỡng được tính khí.
5. Ăn uống thanh đạm dưỡng vị khí
Tì và vị, một loại thuộc tạng, một loại thuộc phủ nhưng có cùng thuộc tính, điều dưỡng tính khí. Vị có vai trò quan trọng đối với sinh mệnh của con người. Muốn dưỡng vị khí (dạ dày) thì trước tiên phải tạo môi trường thư giãn cho dạ dày. Nên ăn các loại thức ăn thanh đạm, ít dầu, ít muối, ít đường, ít mỡ, kích thước thích hợp. Ăn uống các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày, giảm chức năng tiêu hóa của dạ dày, thậm chí tạo thành các loại bệnh cho dạ dày.
6. Đọc sách dưỡng linh khí
Linh khí thường được mọi người gọi là linh cảm. Hầu hết sức sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ linh cảm. Những tác phẩm bất hủ của các nhà văn, nhà thơ, hay những tác phẩm truyền đời của các nhà thư pháp và họa sĩ về cơ bản đều được sinh ra từ nguồn linh cảm. Một số phát minh của các nhà khoa học cũng bắt nguồn từ linh cảm.
Có câu nói rằng: “Thông minh là do chăm chỉ, thiên tài là do tích lũy”. Mặc dù linh cảm có phần là tư chất tự nhiên, nhưng một nhân tố quan trọng hơn thế, chính là do dưỡng thành thói quen đọc sách, tinh thần khổ học, tích lũy lời Thánh hiền mà ra. Linh cảm không chỉ giúp sự nghiệp dễ thành công hơn mà nó còn có thể bảo vệ tính mạng của bản thân ở nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau.
7. Không khoe khoang dưỡng nguyên khí
Nguyên khí đồng hành với toàn bộ quá trình sống của con người. Nó quyết định sự sinh trưởng, suy vong của con người. Nguyên khí con người đầy đủ thì sức sống tràn đầy, nguyên khí thiếu hụt thì sức sống suy yếu, nguyên khí mất thì sinh mệnh của con người cũng kết thúc. Có ba việc dễ làm tổn thất nguyên khí: Thứ nhất là gặp một tai nạn lớn làm chấn động tinh thần và hủy hoại cơ thể, hai là sống trong một môi trường bị dày vò về tinh thần trong một thời gian dài, ba là mắc bệnh nặng hoặc trải qua cuộc phẫu thuật lớn.
Còn có một việc làm hao tổn nguyên khí là khoe khoang, luôn muốn thể hiện mình. Cơ thể con người tiêu tán khí từ bên trong ra bên ngoài, khi một người khoe khoang là phát từ tâm mà ra nên sẽ làm tiêu tán nguyên khí.
8. Không thiên lệch dưỡng hòa khí
Người xưa cho rằng một người có đại đức, tu dưỡng thâm hậu thì bên trong và bên ngoài thân thể đều có hòa khí. Mấu chốt của dưỡng hòa khí chính là phải đứng ở giữa (Nho gia gọi là trung dung, Đạo gia gọi là trung đạo). Đối nhân xử thế, xử lý vấn đề đều phải giữ khoảng cách nhất định, công bằng, không thiên lệch.
Trong gia đình giảng “gia hòa vạn sự hưng”, trong kinh doanh buôn bán giảng “hòa khí phát tài”, trong xử thế giảng “hòa vi quý”… Hòa khí có lực tác động rất mạnh. Nó có thể tạo ra một môi trường sống và tâm lý thoải mái, vui vẻ, giúp cho con người khỏe mạnh và trường thọ.
9. Trừ bỏ sức ỳ dưỡng chí khí
“Sức ỳ” là một tật xấu mà con người khó bỏ ngay được. Khi bị sức ỳ chi phối thì chí khí, khát vọng của con người không thể lớn lên được. Trong cuộc sống, người ta không thể tránh khỏi gặp phải một ít phiền phức và khó khăn quấy nhiễu. Nên nếu một người khuyết thiếu chí khí thì không thể có thu hoạch gì được. Mỗi một bước tiến, mỗi một thành công đều không thể thiếu chí khí.
10. Tấm lòng ngay thẳng dưỡng chính khí
Đây là tiêu chuẩn tối cao của dưỡng sinh. Muốn thực hiện được mục tiêu dưỡng sinh cần phảo tạo cho bản thân thế giới quan “đại đạo vi công”, có tấm lòng rộng lớn. Điều cần thiết chính là phải bỏ đi tư tâm và chấp nhất, công tâm, làm việc thiện tâm, dùng thật tâm để đối đãi mới có thể có được chính khí.
Dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe chính là tu thân, hơn thế nữa chính là tu tâm. Tu tâm không chỉ thanh lọc ý thức và tu dưỡng tính cách, mà còn cần phải tôi luyện tâm tính của bản thân giữa những mâu thuẫn trong xã hội, nâng cao khả năng thích ứng và tự chủ, tiếp đến mở mang trí óc, tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện bản thân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh dương khí dưỡng tâm trí tuệ cổ nhân