Nghề cổ đất Việt: Kim hoàn Kế Môn
- Thanh phong
- •
Ở nước ta, nói đến nghề kim hoàn với bề dày phát triển và những người thợ tài ba thì không thể không nhắc đến Huế. Huế là kinh đô, đồng thời là nơi chế tác kim hoàn tinh xảo dưới thời nhà Nguyễn. Nơi đây còn có một cái nôi sản sinh ra rất nhiều thợ kim hoàn nổi tiếng, chính là làng Kế Môn, huyện Phong Điền.
Những năm gần đây, Kế Môn dần biến đổi như một phố thị giữa làng quê thanh bình. Làng có cả đường đổ bê tông, công viên, thư viện, xe hơi… và sắp tới là trung tâm thương mại, nhà dưỡng lão. Bởi thế, nhiều người địa phương đã gọi đùa Kế Môn là “thành phố trực thuộc làng”.
Đi qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn bao quanh để đến Kế Môn, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông tươm tất. Dọc con đường chính của làng, những hàng ghế đá chạy dài. Hai bên đường, hàng loạt biệt thự, nhà kiên cố rực rỡ hoa giấy. Công viên hồ sen – chùa một cột như một điểm nhấn giữa Kế Môn, rất trang nhã và thoáng đãng.
Khi mặt trời vừa buông xuống trên phá Tam Giang, ánh đèn điện khắp 26 ngõ xóm của làng Kế Môn đã rực sáng. Những ngôi nhà lục giác mới tinh được xây dọc đường để làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của người dân và du khách lúc này lại càng nhộn nhịp. Người lớn đến hóng mát, tập thể dục còn trẻ nhỏ thì chạy nhảy, nô đùa.
Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài tươm tất ấy, Kế Môn lại ấp ủ trong lòng một nghề cổ của đất Việt – Đây là cái nôi của những thợ kim hoàn nổi tiếng khắp cả nước.
Theo sử sách xưa còn ghi lại thì làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông. Bấy giờ, làng nằm bên phá Tam Giang, lại có đất nông nghiệp, nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.
Năm 1789, sau khi phá quân Thanh, vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân, Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế để xin làm nghề kim hoàn, nhưng khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình ông bị nạn. Người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên gia đình ông mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng, sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây.
Từ đó đến nay được hơn 200 năm, làng Kế Môn đã trở thành cái nôi của nghề kim hoàn xứ Huế. Các sản phẩm kim hoàn từng đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt, với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ, được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo. Điều này thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
Xem thêm: “Tò he cụ bán mấy đồng? Con mua một chiếc cho chồng con chơi”
Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi. Lúc đầu thì họ có mặt tại kinh thành Huế để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình. Sau đó họ xuất hiện ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước. Trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn.
Làng Kế Môn có tất cả 16 nhà thờ họ. Đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn. Dù con dân Kế Môn đã tỏa đi khắp nơi, nhưng có lẽ Huế mới thật sự là cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn phát triển. Ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ nguyên, chỉ có đến Huế người ta mới có cơ hội trực tiếp chứng kiến các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống.
Để tưởng nhớ và tôn vinh nghề kim hoàn, trên từ đường nhà thờ tổ có bài thơ viết như sau:
Lò bạc nghe ra tiếng cũng thèm
Ngày ngày luyến tiếp khách hàng sang
Dát hàn theo thế hình long hổ
Đầu chạm làm nên cảnh phụng loan
Lắm thuở cầm cung day mũi bạc
Từng phen lên ngựa trửi ngàn vàng
Rao tài bủa vớt oai lừng lẫy
Nghề nghiệp lâu dài vững đặc san
Nghề kim hoàn Kế Môn phát triển được cho đến ngày nay cũng bởi người làng biết trân trọng nghề, biết kế thừa và phát huy những tinh hoa trong nghề. Với niềm đam mê, lòng yêu nghề, những người thợ kim hoàn đã cho ra đời những sản phẩm mang theo tâm huyết của bản thân. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng cái hồn của người thợ – đó chính là sự thành công của người thợ Kế Môn.
Thanh Phong
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Huế Nghề cổ đất Việt thủ công mỹ nghệ