Nghề cổ đất Việt – Kỳ 13: Làng đá mỹ nghệ Non Nước
- Thanh Phong
- •
Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm dưới chân Ngũ Hành Sơn, là một trong những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã gần 400 tuổi…
Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được coi là làng nghề lâu đời và nổi tiếng nhất Đà Nẵng. Trải qua gần bốn thế kỷ tồn tại, các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước mang đậm tính nghệ thuật đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành niềm tự hào và đem lại nguồn thu đáng kể cho làng nghề Non Nước.
Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn. Đá núi Ngũ Hành Sơn nhiều vân ngũ sắc, vẻ đẹp cao sang, là mặt hàng được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc. Từ một thứ tưởng chừng vô cảm, người nghệ nhân đã thổi vào đá tâm hồn của con người.
Quá trình chế tác đá diễn ra qua nhiều công đoạn, có những công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng niềm hạnh phúc trước một tác phẩm đã thành hình, thái độ ngưỡng mộ của người thưởng thức đã giúp cho người dân làng nghề mỹ nghệ này ngày càng gắn bó với công việc của mình.
Công việc khai thác đá rất vất vả, đòi hỏi người khai thác phải có sức khỏe và kinh nghiệm để chọn được loại đá thích hợp cho việc chế tác sản phẩm. Người chuyên lấy đá được gọi là “ông Võ”, thường là những cụ già, có nhiều kinh nghiệm và bí quyết nhà nghề, dẫn theo đội thanh niên khỏe mạnh vào núi lấy đá. Việc đầu tiên là tìm mạch đá để khai thác, chọn hướng khai thác hầm theo mạch đá. Ông Võ dùng cây tựa (bằng sắt dài 60 -70cm, một đầu dẹt, một đầu uốn cong) để tìm thớ đá, sau đó, thợ khai thác dùng các công cụ tách đá rồi chẻ thành những tảng nhỏ phù hợp với yêu cầu sử dụng. Với kinh nghiệm làm nghề, người thợ giỏi còn có thể biết được đá mềm hay cứng, có thể tạo ra loại sản phẩm gì qua tiếng kêu của đá.
Khi có nguyên liệu, thợ điêu khắc đá sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Đó là công đoạn ra phôi, công việc của “ông Văn”. Quá trình ra phôi được thực hiện bài bản, như: tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình. Khi xác định được mặt phẳng và các điểm, thợ đá tiến hành vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Với những sản phẩm khó, có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải vẽ phác thảo và làm phôi bằng đất sét trước, khi đạt yêu cầu họ mới làm chính thức. Theo bản vẽ phác thảo, người thợ tiến hành đục phôi, tạo hình sản phẩm.
Khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm, như: chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm. Với người thợ, ở công đoạn này, việc quan trọng nhất là chạm hình nét và trang trí. Công đoạn thực hiện chi tiết thể hiện kỹ thuật chạm khắc đá và đôi tay vàng của người thợ. Ngoài quy trình chung cho tất cả các sản phẩm, thì mỗi loại sản phẩm lại có yêu cầu kỹ thuật cụ thể.
Để sản phẩm có màu sắc đẹp, đôi khi người thợ phải nhuộm đá bằng phẩm màu kết hợp với bã chè xanh, xi đánh giầy màu nâu, màu chàm… Bí quyết để có màu đẹp phụ thuộc vào việc pha màu, tạo nhiệt độ và dùng độ đậm nhạt của màu. Sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn, nhờ bàn tay tài năng, kinh nghiệm của người thợ.
Sản phẩm mỹ nghệ bằng đá khá phong phú, từ tượng Phật, tượng thánh, tượng người, tượng muông thú cho đến chiếc vòng đá đeo tay trơn láng đầy mầu sắc chạm trổ tinh xảo, công phu. Đến Ngũ Hành Sơn, du khách có thể chọn lựa thoải mái khi mua những đồ lưu niệm bằng đá do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân địa phương thực hiện.
Lịch sử hình thành làng đá mỹ nghệ Non Nước
Theo phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành vào thế kỷ XVIII bởi một người gốc Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát. Là con trong một gia đình có truyền thống làm nghề chế tác đá nên Huỳnh Bá Quát rất am tường về nghề việc chọn vân đá cũng như điêu khắc. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, khi di cư đến chân núi Non Nước lập nghiệp, nhận thấy cụm núi đá cẩm thạch này quý giá, ông đã ra công khai thác, đục đẽo thành những tấm bia mộ, cối xay, cối giã tiêu, giã thuốc và nhiều món đồ bán cho cư dân quanh vùng.
Ban đầu, công việc chế tác đá được thực hiện trong lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Sau đó, nhận thấy lợi thuận mang lại, Huỳnh Bá Quát đã truyền dạy cho con cháu trong gia đình và những người thân cận trong vùng, dần dần hình thành một làng nghề truyền thống.
Dưới thời Nguyễn, nghề chế tác đá phát triển thịnh vượng. Nhằm ngăn chặn cư dân làng Quán Khái – ngôi làng làm nghề chế tác đá dưới chân núi Non Nước – khai thác đá với quy mô lớn làm mất đi vẻ đẹp Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, nhiều chỉ thị cấm khai thác đá làm thủ công, điêu khắc bán ra ngoài tỉnh đã được ban bố.
Xem thêm: Đồng Đại Bái – Tiếng chuông vang vọng hồn núi sông
Làng nghề đá mỹ nghệ vươn tầm thế giới
Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, trên từng sản phẩm, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Hiện làng Non Nước có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa.
Tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Khách tham quan từ nhiều nước đến đây đều ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân điêu khắc và những sản phẩm độc đáo của họ. Ngoài những sản phẩm lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, kích cỡ to thì tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm theo địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được đóng kiện cẩn thận và gửi theo đường biển đến tận nơi cho khách hàng.
Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Pháp, Canada, Hà Lan, Mỹ… đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có có những hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD.
Có thể nói, mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cẩn mẫn. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện tình yêu với những tảng đá vô tri, tình yêu với nghề truyền thống bao đời của cha ông, tình yêu với đất nước, quê hương. Bao thế hệ nghệ nhân và con cháu của họ mỗi ngày đều cần mẫn làm việc để có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị nhất, giữ vững và phát huy nét đẹp của làng nghề truyền thống, giới thiệu với bạn bè quốc tế về sự tài hoa của người Việt.
Thanh Phong (T/H)
Xem Thêm:
Từ khóa Đà Nẵng Nghề cổ đất Việt thủ công mỹ nghệ