Mẹ tôi kể trong văn hóa dân gian Đôn Hoàng có ghi chép lại một câu chuyện có thật thời xưa như thế này.

Ở một ngôi làng nọ, có một gia đình gồm bố mẹ và hai người con trai. Người con trai lớn trong nhà học rất giỏi, cha mẹ và người em trai vì muốn người anh tập trung học tập thi đậu công danh nên đã tiết kiệm ăn tiêu, làm việc vất vả để dành dụm tiền cho anh ăn học. Người con trai lớn cũng không phụ lòng kỳ vọng của gia đình đã thi đỗ và có được công danh, được triều đình bổ nhiệm đi làm quan.

Trương Tam Phong nói về thực hành đạo Hiếu
(Tranh minh họa: Public Domain)

Người nhà vô cùng vui mừng, người trong làng cũng vô cùng ngưỡng mộ. Trước khi người con trai lên đường nhậm chức, cha mẹ đã dặn đi dặn lại rằng sau khi nhậm chức phải làm quan thanh chính liêm khiết yêu dân, không được tham thú hưởng lạc, càng không được thu lợi bất chính. Người con trai cả nói nhất định sẽ nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ.

Sau khi nhậm chức, trong thời gian đầu làm việc, người con cả thực sự đã nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, làm việc thanh chính liêm minh, làm việc gì cũng đều vì lợi ích của người dân. Nhưng thuận theo thời gian, anh không thể vượt qua được sự cám dỗ của tiền bạc, nữ sắc, bắt đầu bẻ cong pháp luật, hoàn toàn quên mất lời dặn dò của cha mẹ.

Người ta thường nói rằng chuyện tốt không ra khỏi cửa, chuyện xấu truyền xa ngàn dặm, tiếng xấu lan truyền về tận quê nhà. Vì cả gia đình đều là người chính trực, ngay thẳng nên sau khi nghe được những điều này, cha mẹ anh ta thật sự rất tức giận. Người cha cùng người em trai vội vã đánh xe cả đêm để đi tới nơi người con trai lớn làm quan. Vài ngày sau khi đến địa hạt nơi người con trai lớn cai quản, mọi điều họ nhìn thấy, nghe được đều là quan lại hủ bại, hà khắc, dân chúng oán hận ngày càng sâu nặng.

Khi họ tới phủ đệ của người con trai lớn, bởi vì đến thăm đột ngột, người con trai lớn rất bất ngờ, còn tưởng rằng trong nhà đã xảy ra chuyện gì, liền lập tức sai người đến tửu lầu chuẩn bị tiệc rượu để đón tiếp cha và em trai. Đồng thời anh ta còn sai người đi thông báo cho quan viên cấp dưới, phú thương thân hào giàu có, muốn nhân cơ hội này thu thêm nhiều quà biếu. Trong bữa tiệc bởi vì có người ngoài, người cha và em trai không tiện nói gì nhiều. Sau khi hồi phủ, người cha thấy người ngoài đã rời đi liền nói rõ mục đích đến đây, và khuyên người con trai cải tà quy chính, còn dặn dò thêm rằng: “Quan cao lộc hậu mà con nhận được là do mồ hôi nước mắt của người dân vất vả kiếm được, người dân thường dễ bị bắt nạt, Trời cao không dễ lừa gạt, con không được làm tổn hại âm đức, hủy hoại cả tương lai tiền đồ của mình, thậm chí còn có thể liên lụy đến gia đình nữa”. Người cha còn nói thêm rằng: “Mất bò mới lo làm chuồng cũng chưa muộn, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại bao giờ”.

Người ta thường nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Người con trai cả vốn đã quen nghe những lời tâng bốc xu nịnh, không thể nghe lọt tai những lời khuyên thành thật khó nghe. Vài ngày khuyên nhủ không có kết quả, người cha cùng em trai đã nói lời chia tay với đôi mắt rưng rưng. Lúc chia tay, người con trai lớn đã chuẩn bị rất nhiều quà tặng cho cha và em trai, nhưng cả hai đều từ chối không nhận. Họ biết rằng những thứ này đều không trong sạch. Sau khi lên đường, người cha đã nói với người con trai út rằng: “Trong nhà có người như vậy là nỗi ô nhục của gia đình, làm cho người nhà hổ thẹn, thà đuổi ra khỏi nhà. Kẻ xấu như vậy nên tránh xa, cũng không nên dính líu tới”.

Lúc chuẩn bị ra khỏi cổng thành, họ nhìn thấy bên đường có một vị tiên sinh đang giúp người khác viết thư. Hai cha con dừng xe, đi tới trước mặt vị tiên sinh và nói rõ chuyện. Vị tiên sinh này bị cử chỉ chính nghĩa của hai cha con làm cho cảm động, đã cầm bút viết hai tờ tuyên bố dán ở hai bên cổng thành, mời người qua đường làm chứng, và xin Thần linh chứng giám. Nội dung tờ tuyên bố như sau:

Khuyển tử vi quan
Tử dân thụ nan
Thiên lý tần thân
Chỉ vi tướng khuyến
Phụ thân mông tu
Vô quả thị phản
Cát bào đoạn nghĩa
Hỗ bất tướng khản
Đại lộ triều thiên
Các tẩu nhất biên
Thử thu vi chứng
Nhân Thần cộng giám

Tạm dịch:

Con trai làm quan
Dân chúng chịu khổ
Đi xa ngàn dặm
Chỉ để khuyên răn
Cha mẹ xấu hổ
Khuyên bảo bất thành
Cắt đứt tình nghĩa
Không còn liên quan
Đường lớn về Trời
Mỗi người mỗi hướng
Giấy này làm bằng
Người Thần chứng kiến

Câu chuyện về việc người nhà đoạn tuyệt quan hệ với người con cả đã được lan truyền từ người này sang người khác, mọi người trong khu vực này rất nhanh đều đã biết chuyện. Vài năm sau chuyện truyền đến kinh thành. Triều đình sau khi xác minh, đã ra lệnh bắt giữ anh ta. Bởi vì vụ án rất nghiêm trọng, gia đình cũng bị liên lụy, người xét án bèn cử người đi bắt cha mẹ cùng người em trai của anh ta. Lúc này có người nói lại chuyện xưa, cho rằng cha mẹ cùng người em trai đã dán cáo thị đoạn tuyệt quan hệ, nêu rõ lý do, hành vi chính nghĩa, không thể chịu liên lụy. Người xét án sau khi biết được liền không gây khó khăn tới gia đình ba người còn lại, chỉ đem người con cả nhốt vào xe tù giải về kinh thành. Nhưng chưa đi được nửa đường, người con cả đã chết rồi.

Sau khi mẹ kể xong câu chuyện, ánh mắt của bà hướng về tôi hỏi: “Con có hiểu được ý nghĩa thật sự của việc mẹ Mạnh Tử lựa chọn hàng xóm và môi trường sống cho Mạnh Tử hay không?”

Tôi lắc đầu và trả lời rằng tôi không thực sự hiểu, mẹ đã nói một cách sâu sắc, rằng: “Ý nghĩa thật sự là để người ta tránh xa điều ác, không bị liên lụy, dính líu tới nó”. Bà đồng thời nghiêm túc nhắc nhở tôi rằng bất cứ là ai, là nhóm người nào, nếu làm những điều gây hại cho thiên hạ thì không nên tham gia vào đó, bởi Trời cao có mắt, sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến thôi.

Theo “Nghe mẹ kể chuyện”
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: