Thơ văn giống như “thuốc phiện”…
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Nhân chuyện thơ trong sách giáo khoa đang được bàn luận sôi nổi xin phép được bàn tí về chuyện viết văn.
Có lẽ không nghề nào nhàn nhã như nghề văn: ngồi đâu, ở đâu cũng viết được kể cả trong tù, công cụ lao động sản xuất chỉ có giấy bút, máy tính, ipad, điện thoại thậm chí có nhiều người viết luôn trong trí nhớ cả cuốn sách dài. Vốn liếng, tư liệu sản xuất hữu hình gần như rất ít. Người viết văn có thể lao động bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu…
Nghề này cũng hứa hẹn “một vốn bốn lời” khủng khiếp. Cứ tưởng tượng một cuốn sách đem lại cả triệu đô la thậm chí hàng trăm triệu đô la như tác giả J.K Rowling hay Murakami Haruki, Kim Dung… chẳng hạn.
Rồi thì nổi tiếng nữa. Lên báo, đài, truyền hình, sách in búa xua. Nếu đưa vào sách giáo khoa thì các cháu còng lưng mà học rồi phân tích cái hay cái đẹp.
Nhưng nghề văn cũng là nghề khổ cực nhất. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều thi nhân, văn sĩ nhận thấy mình đang bị… đi đày, là “tiên” vì phạm lỗi bị trích giáng xuống trần để… làm thơ, viết văn. Kiểu cụ Nguyễn Bính trong bài “Hoa với Rượu” tự nhận “Mình tôi giời bắt làm thi sĩ”.
Nghề văn khổ bởi nhiều nỗi.
Một là khó ai biết thế nào là thành công trong nghề này và đâu là điểm tới tận cùng. Nhiều người coi sách in ra nhiều, được giải thưởng to là thành công trong nghề văn nhưng chính nhiều văn hào lại coi đó không đáng gì cả, là vớ vẩn và họ vẫn đau khổ vì chưa đạt đến đỉnh cao của nghề.
Viết để bạn đọc đón nhận, hài lòng đã khó nhưng viết để chính mình đọc lại cảm thấy hài lòng, viên mãn còn khó gấp vạn lần. Tôi tin rằng rất nhiều nhà văn nổi tiếng ngại đọc lại tác phẩm của mình vì lẽ đó. Tự họ thấy không hài lòng hoặc chán nản.
Hai là sản phẩm làm ra có được đón nhận không, được sử dụng không, được lưu truyền, được đọc không nhiều khi nằm ngoài ý muốn chủ quan thậm chí ngoài cả dự đoán của tác giả. Đầy tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao, đọc đi đọc lại, bán chạy nhưng người sáng tác ra nó lại chẳng coi là gì thậm chí chả buồn đọc vì… vớ vẩn.
Ba là nó… mung lung. Trước khi viết người viết không biết rồi mình sẽ viết ra cái gì, nó thế nào, hay dở ra sao… Mung lung vô định. Có người đã viết hay nhưng sau đó lại viết rất dở thậm chí tịt luôn không viết được gì nữa.
Bốn là rất nhiều người viết văn nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Văn viết ra chẳng ai đọc, chẳng ai quan tâm, chẳng ai trân trọng thậm chí coi thường. Tư Mã Thiên đã từng ngậm ngùi tâm sự rằng nghề viết sử cũng như nghề con hát, vua chúa thì coi rẻ mà thế gian thì khinh thường. Viết văn trong nhiều trường hợp cũng hao hao như vậy.
Năm là viết văn có thể làm cho người ta ảo tưởng. Một người viết vài câu vè cứ tưởng mình là thi sĩ. Một người viết được vài trang cứ tưởng mình là đại văn hào. Thế là cứ sống trong ảo mộng điên cuồng. Hiệp sĩ – quý tộc như Đông Ki Sốt khi sống ảo thì có cái đáng yêu chứ văn sĩ mà ảo tưởng thì chỉ làm cho người ta khó chịu hoặc thương hại. Nhiều người thành phế nhân cũng vì lẽ này.
Sáu là… đói và nghèo. Một số văn sĩ trên thế giới là tỉ phú. Một vài nhà văn ở Việt Nam có thể sống phong lưu bằng nhuận bút. Nhưng số đó rất hiếm, không phải số đông. Nghề văn là nghề không dành cho số đông. Nó luôn đòi hỏi đỉnh cao, chuyên nghiệp. Làng nhàng trong nghề văn cũng ngang thất nghiệp. Hơn nữa, như một sự thử thách của Thượng đế, đôi khi có tài, viết hay cũng vẫn nghèo như thường. Có thể nghèo vì nhà văn bị giới xuất bản bóc lột, lợi dụng mà không biết. Có thể nghèo vì sống ẩn danh kiểu ẩn sĩ. Có thể nghèo vì tư tưởng mới quá, tiến bộ quá, cao siêu quá đám đông chưa hiểu ngay được phải chờ đến khi cỏ xanh mộ người ta mới tung hô là vĩ đại và sách mới bán được hàng triệu bản…
Thế nên rất nhiều nhà văn sống và chết trong nghèo đói.
Cái khổ cuối cùng của nghề văn là đối diện hiểm nguy.
Đấy, khổ thế mà văn chương vẫn làm cho rất nhiều người mê đắm rồi sa vào như sa vào bàn đèn thuốc phiện, đắm đuối không ra nổi.
Không tin khi đến dự câu lạc bộ thơ nào, bạn cứ thử chê người vừa đọc thơ là “Thơ bác ứ hay gì” mà xem. Không no đòn mới lạ.
Vậy nên, nếu các bác có chê thơ trong sách giáo khoa thì nên chê người tuyển chọn hơn là chê tác giả.
Tác giả cũng không cần giải trình, chứng minh thơ, văn mình hay. Viết ra là xong. Ai đọc ai yêu thì sướng. Mà ai chê, ai không đọc thì cũng làm lơ. Đấy là thượng sách.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
- Chỉ cần học “kỹ năng sống” là sống tốt?
- Thất bại là một lẽ tự nhiên
- Bài toán giáo dục tư nhân: Khó hay dễ?
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương nghề văn