Nguồn gốc thú vị của thành ngữ “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử”
- An Hòa
- •
Ngày nay, câu thành ngữ “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử” (Dĩ tiểu nhân chi tâm, độ quân tử chi phúc) thường được dùng để chỉ việc lấy bụng dạ hẹp hòi của kẻ tiểu nhân mà suy đoán tấm lòng cao thượng của người quân tử. Nhưng nguyên ban đầu câu thành ngữ này lại nằm trong một lời khuyên, có hàm ý khác.
Câu thành ngữ “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử” có xuất xứ trong sách “Tả Truyện”. Chuyện được chép trong phần Ngụy Chiêu Công, đại ý như sau.
Ngụy Thư là tướng quốc của nước Tấn. Vào mùa đông năm 514 TCN, con trai của Ngụy Thư là Ngụy Mậu đảm nhiệm một chức quan địa phương ở Ngạnh Dương. Bấy giờ có một vụ án rất khó giải quyết, Ngụy Mậu liền đem tấu lên triều đình, đã đến tay của Ngụy Thư.
Ngụy Thư còn chưa thụ lý vụ án, bên thưa kiện đã tìm đến nơi, còn dẫn theo đoàn nhạc có vũ nữ ca kỹ. Ngụy Thư ở nước Tấn và các nước liệt quốc khác đều có tiếng tăm và được trọng vọng, không có điều tiếng gì. Nhưng lần này các ca kỹ mỗi người một vẻ, thướt tha yêu kiều, khiến Ngụy Thư động tâm, cuối cùng đã tiếp nhận.
Ngụy Mậu cảm thấy rất sốt ruột, nhưng thân làm con nên không tiện nói thẳng trước mặt phụ thân. Ngụy Thư còn là người địa vị cao, có uy nghiêm, muốn khuyên can ông thì cũng cần phải giữ thể diện cho ông. Thế là Ngụy Mậu liền ủy thác chuyện này cho hai thuộc hạ, một người tên là Diêm Một, một người tên là Nữ Khoan. Ngụy Mậu nói: “Nếu như phụ thân đã tiếp nhận đám người này, thì không còn kiểu hối lộ nào lớn hơn như vậy nữa”.
Diêm Một và Nữ Khoan cùng nhau tới chỗ của Ngụy Thư, sau khi bàn xong việc công, hai người không vội rời đi nên Ngụy Thư mời họ ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm, chỉ thấy hai người kia thỉnh thoảng lại lắc đầu thở dài, khiến Ngụy Thư cảm thấy khó hiểu.
Đợi lúc ăn xong cơm, Ngụy Thư mới hỏi: “Ta nghe nói lúc ăn cơm có thể quên đi mọi ưu phiền, nhưng các ngươi lại nhiều lần thở dài, rốt cuộc là chuyện gì?”
Diêm Một liền nói: “Hôm qua hai người chúng tôi uống rượu, không ăn cơm tối, hôm nay cảm thấy bụng rất đói. Ngay từ đầu lo lắng thức ăn không đủ ăn, cho nên lắc đầu thở dài. Ăn được một nửa thì đã bắt đầu tự trách, tướng quân sao có thể để chúng tôi ăn không no bụng được cơ chứ? Bởi vậy lại lắc đầu thở dài”.
Nữ Khoan tiếp lời: “Hiện tại bữa cơm đã xong, hạ thần hy vọng cái bụng của những kẻ hèn này giống như lòng của người quân tử là ngài, chỉ cần no là được”. Ngụy Thư không hổ danh là người giỏi giang, vừa nghe liền hiểu ẩn ý của hai người họ, đối với chuyện ca kỹ mỹ nữ đã có thể từ chối.
Câu nói “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử” vốn có ý nhún nhường khiêm tốn, sau này đã trở thành câu nói mang ý lấy bụng dạ hẹp hòi của kẻ tiểu nhân mà suy đoán tấm lòng cao thượng của người quân tử.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Người quân tử tiểu nhân Câu chuyện thành ngữ