Nguồn gốc và một số tập tục cổ xưa vào ngày Đông chí
- An Hòa
- •
Tiết Đông chí là một trong 24 tiết khí trong năm, là một trong những thời điểm tổ chức các nghi lễ truyền thống long trọng của cổ nhân. “Đông chí” còn được gọi bằng các tên như “Đông tiết”, “Trường chí tiết”, “Á tuế”, “Hạ đông”…
Người phương Đông xưa thấy được rằng, vào mùa hè mặt trời lên cao, bóng mặt trời ngắn, vào mùa đông mặt trời lên tương đối thấp, bóng mặt trời lại dài. Vì vậy, người xưa gọi ngày có bóng mặt trời ngắn nhất vào buổi trưa là ngày Hạ chí, ngày có bóng mặt trời dài nhất vào buổi trưa là ngày Đông chí.
Vào ngày Đông chí mặt trời sẽ chiếu thẳng góc vào chí tuyến nam vì thế mà ở bắc bán cầu có ban ngày ngắn nhất và ban đêm dài nhất. Sau khi Đông chí qua đi, ánh sáng mặt trời di chuyển về phía bắc, ngày sẽ dài hơn và đêm sẽ càng ngày càng ngắn hơn. Cổ nhân có câu: “Đông chí nhất dương sinh” ý nói, Đông chí tới, ánh mặt trời dần dần dài hơn, dương khí dần dần dồi dào hơn. Hay nói cách khác, âm khí sẽ đạt đến đỉnh điểm và sau đó suy giảm vào ngày Đông chí, còn dương khí bắt đầu manh nha. Cho nên, Đông chí còn được gọi là “Nhất dương tiết”. Cũng bởi vì trong khoảng thời gian này sẽ diễn ra rất nhiều các hoạt động thờ cúng và chúc mừng tràn ngập niềm vui nên Đông chí còn được gọi là “Hạ Đông chí”.
Vậy vì sao người xưa lại nói: “Đông chí đại như niên” (ngày Đông chí lớn như Tết)? Kỳ thực, trong lịch pháp sớm nhất thì Đông chí là ngày đầu tiên của năm mới, tức là Tết. Tới thời nhà Chu, nhà Tần cũng lấy tháng Đông chí là tháng Giêng, tháng đầu tiên của năm. Sau khi Hán Vũ Đế thay đổi lịch Thái Sơ đã lấy tháng Dần, tháng bắt đầu mùa xuân hàng năm, là tháng Giêng. Tuy nhiên, ở một số nơi có lịch sử lâu đời vẫn còn giữ phong tục dân gian đón năm mới vào ngày Đông chí này.
Thời nhà Hán, vào ngày Đông chí, quân đội ngừng hoạt động, triều đình ngừng bàn việc, tổ chức lễ hội cuối năm, quan lại và người dân địa phương tổ chức lễ hội tiễn mùa đông. Mọi người phải trở về nhà trước ngày Đông chí. Người đời nhà Tống ăn mừng ngày Đông chí với không khí Tết, nhà nào cũng dùng tiền tiết kiệm để chuẩn bị quần áo, mũ mới, chúc mừng nhau, tụ tập vui chơi, chợ phiên vô cùng sôi động.
Theo ghi chép, điển lễ hiến tế vào ngày Đông chí đã xuất hiện từ thời đại nhà Chu. Trong sách “Hậu Hán Thư” viết rằng: “Trước và sau ngày Đông chí, quân tử an thân tĩnh thể, các quan viên sẽ không làm gì“. Có thể thấy, vào thời này, Đông chí đã trở thành một ngày nghỉ quan trọng. Cho nên “Đông chí đại như niên” còn là câu dân gian sử dụng để nhấn mạnh tầm quan trọng như ngày Tết của ngày Đông chí.
Việc thờ cúng thần linh và tổ tiên trong ngày Đông chí có lịch sử lâu đời. Vào ngày Đông chí, các Hoàng đế sẽ dẫn quan lại cử hành hiến tế Thần Trời, Thần Đất, tổ tiên và Bát Thần một cách long trọng. Trong “Chu Lễ. Xuân quan. Đại ti nhạc” viết rằng vào ngày Đông chí sẽ tổ chức diễn tấu Hoàng chung, ca múa hiến tế Thiên Thần vì đã phù hộ che chở cho con người thế gian. Hoàng đế các triều đại đều kế tục truyền thống này và nó được ghi thành quy định.
Quan lại các địa phương cúng tế Thổ địa Thần xã, từng nhà cũng cúng tế Thần linh và tổ tiên. Lễ cúng tế được tổ chức vào sáng sớm và ở phòng khách. Các vật tế lễ thường có bánh trôi nước, bánh tổ mặn và nhiều món ăn thịnh soạn. Với lòng kính trọng và biết ơn, dân chúng khắp nơi đều tổ chức những đại lễ cúng bái long trọng để chào mừng ngày Đông chí và chào đón năm mới, hy vọng có nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp hơn sẽ đến. Cho đến ngày nay, tuy rằng dân gian không còn tổ chức hoạt động hiến tế long trọng và nhiều hoạt động chúc mừng, gióng trống khua chiêng như thời xưa nữa nhưng có một số các gia đình vẫn giữ được các tập tục tế bái, đoàn viên vào ngày Đông chí như xưa.
Vào ngày Đông chí, trời sẽ tối sớm hơn, khoảng 5, 6 giờ chiều bầu trời đã dần tối rồi, lúc này âm khí sẽ dần nặng hơn, dương khí của con người cũng yếu đi, bởi vậy mọi người phải cố gắng không ở bên ngoài, không về nhà muộn. Mọi người nên về nhà sớm hơn để tránh những điều không may có thể xảy ra vào khoảng thời gian âm khí mạnh nhất và dương khí yếu nhất trong năm. Ngoài ra, cổ nhân cũng kiêng kỵ việc mặc quần áo toàn màu đen hoặc toàn màu trắng khi đi ra ngoài vào ngày Đông chí.
Việc ăn nghỉ vào ngày Đông chí cũng được người xưa coi trọng. Ẩm thực cần phải tuân thủ nguyên tắc dưỡng sinh của mùa đông là “dưỡng tàng”, “bế tàng”. Vào ngày Đông chí nên ngủ sớm, cổ nhân cho rằng việc ngủ muộn vào ngày Đông chí sẽ ảnh hưởng đến dương khí của con người, ảnh hưởng đến sức khỏe và bất lợi cho vận thế của năm sau.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Mai
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: