Nguyễn Xuân Phiêu: Không đỗ đạt vẫn làm Thượng thư nhờ cần cù và tài năng
- Trần Hưng
- •
Thời kỳ quân chủ, hầu hết quan lại trong triều đình đều là những ai thông qua thi cử đỗ đạt. Chỉ có một số rất ít người dù không đỗ đạt nhưng được những Nho sĩ hay các quan đại thần có uy tín giới thiệu, được chính Vua xem xét tin tưởng mới được bổ nhiệm làm quan. Ngoài đó ra những quan rất lớn, nếu Triều đình xét có công cao thì ban thưởng cho phép con cái được “tập ấm” làm quan, nhưng nếu không thi đỗ thì cũng chỉ giữ chức quan rất nhỏ.
Về những vị quan trong triều không thông qua thi cử thời nhà Nguyễn có thể kể đến như Nguyễn Tri Phương, người chống quân Pháp mất cùng với thành Hà Nội; còn có Nguyễn Xuân Phiêu nhờ tài năng mà được làm Thượng thư bộ Công.
Nhờ cần cù chăm chỉ mà được tín nhiệm
Thời nhà Nguyễn quan Thị lang bộ Công Nguyễn Xuân Huyền là người tài năng và đức độ, nên con trai là Nguyễn Xuân Phiêu được tập ấm làm trong bộ Công của cha vào năm 1881, giữ chức Thừa biện Công bộ. Đây là một chức nhỏ được giao làm trong một thời gian, và chỉ được nhận việc mà làm chứ không được bàn bạc.
Nguyễn Xuân Phiêu làm rất tốt công việc được giao. Vua Tự Đức nhận thấy ông làm việc chăm chỉ lại có các sáng kiến. Bấy giờ người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với kỹ nghệ phương Tây nên còn rất lạ lẫm, vua Tự Đức có ý đưa người sang phương Tây học hỏi và quyết định Nguyễn Xuân Phiêu đi học.
Mong muốn chế tạo vũ khí chống Pháp nhưng không thành
Nguyễn Xuân Phiêu đến Singapore và Hồng Kông học thực tế. Sau 6 tháng chăm chỉ học tập Nguyễn Xuân Phiêu đã nắm được nhiều kiến thức kỹ thuật mới lạ của phương Tây.
Sau khi về nước ông chế tạo ra 2 khẩu súng, một kiểu của Anh và một kiểu của Pháp, một đồng hồ kiểu Anh, một mô hình tàu thủy Chaloupe, đồng thời dâng lên Vua báo cáo kết quả học tập của mình.
Một người không hề học qua kiến thức khoa học cơ bản, chỉ làm thực tế thời một thời gian mà tạo ra được những sản phẩm tinh xảo như vậy có thể nói là rất có tài.
Nhận thấy đất nước không có vũ khí mạnh để chống Pháp dẫn đến triều đình phải nhượng bộ, Nguyễn Xuân Phiêu đề xuất đóng các xưởng chế tạo vũ khí và tàu ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Biện Sơn. Tuy nhiên triều đình lại không đồng ý.
Vua Tự Đức cũng không có lòng muốn chống Pháp mà chỉ muốn hòa hoãn nên không bảo vệ Nguyễn Xuân Phiêu trước những chỉ trích của triều đình.
Vua Tự Đức giao cho ông làm chủ sự bộ Công, ông chế tạo được thuyền ngự cho Vua bằng máy hơi nước, chạy rất êm để dạo chơi trên sông Hương.
Được học hỏi từ kỹ nghệ phương Tây, Nguyễn Xuân Phiêu có lòng muốn chế tạo vũ khí và tàu chiến chống Pháp. Tiếc rằng Triều đình nhà Nguyễn bấy giờ không có lòng chống Pháp nên ông không có cơ hội mang hết tài năng phụng sự cho Xã Tắc.
Đóng ghóp cho triều đình
Năm 1883 vua Tự Đức mất, ít người để ý đến tài năng của Nguyễn Xuân Phiêu, nhưng sau đó quan Thượng thư bộ Công bổ dụng ông.
Đến năm 1886 ông được giao mở xưởng đúc tiền niên hiệu Đồng Khánh. Từ đó ông giữ chức vụ đúc tiền cho triều đình.
Năm 1901, ông được triệu về Huế phụ trách việc đóng tàu. Ông hoàn thành tốt công việc và được Vua tặng cho chiếc áo gấm thêu 9 con rồng, lại sai ông chế tạo xe hơi cùng các đồ ngự dụng trong triều đình.
Năm 1906, ông được giao làm Hộ Ty cục Nông Công kỹ nghệ. Năm 1911 ông làm Hộ lý trường Bách công. Vì thế mà Nguyễn Xuân Phiêu được xem là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường kỹ nghệ.
Thời gian này từ xây sửa Kinh thành cho đến các lăng tẩm các đời Vua, Thái hậu, Hoàng hậu đều do ông lên đồ họa xây dựng hoặc tu bổ. Ông còn được giao sửa chữa các công trình trong nội cung và hoàn thành công việc với kết quả vượt hơn mong đợi. Vua thưởng cho 500 lạng bạc nhưng ông chỉ nhận 200 lang bạc đủ để thanh toán cho công thợ.
Năm 1915, ông phụ trách tu sửa điện Thái Hòa. Việc hoàn thành, ông được ban Nhị hạng kim khánh và được thăng Tham tri bộ Công. Đến năm 1916 thì ông được thăng làm Thượng thư bộ Công.
Năm 1917, Nguyễn Xuân Phiêu 61 tuổi, ông xin được nghỉ hưu do tuổi cao, rồi về mở trường dạy học ở quê nhà. Ông giúp đỡ dân chúng nên dân làng Hành Thiện ai cũng quý mến thường gọi ông là “cụ Thượng Công”.
Năm 1925 đến 1936, ông được dân bầu làm Tiên chỉ của làng.
Dù ông đã nghỉ hưu, nhưng triều đình vẫn nhớ đến ông. Đến năm 72 tuổi ông vẫn được Vua nhớ và mời đến dự yến tiệc.
Nguyễn Xuân Phiêu là người hiếm hoi không có học vị, nhưng với bản tính cần cù cùng tài năng học từ kỹ nghệ phương Tây, ông vẫn được tín nhiệm làm Thượng thư bộ Công (tương đương Bộ trưởng Công nghiệp), đóng góp nhiều công lao cho nền kỹ nghệ nước nhà trong buổi đầu học hỏi từ phương Tây.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lòng người hướng về ai?
- Mạn Hòe: Người Pháp duy nhất được thờ ở miếu công thần nhà Nguyễn
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam