Phúc báo của con cái
- An Hòa
- •
Viên Mai, một học giả thời nhà Thanh đã viết trong bài thơ “Nhân tấn” rằng:
Thủ chế canh thang cường ngã xan,
Lược thính phong hưởng quái y đan.
Phân minh nhân tấn bạch như hứa,
A mẫu hoàn đương cưỡng bảo khán.
Ở đây ý nói rằng mẹ vì sợ con đói mà nấu canh rồi ép con ăn, vừa nghe tiếng gió liền ép con mặc áo ấm vì sợ con lạnh, cho dù con đã lớn khôn trưởng thành nhưng trong mắt cha mẹ thì con vẫn mãi là một đứa trẻ cần được chăm sóc. Có lẽ cha mẹ trên đời này đều giống như vậy, luôn lo lắng cho con cái đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên con cái là có số mệnh của con cái. Một người có thể hưởng được bao nhiêu phúc, bao nhiêu tài phú đây?
Phúc báo là được an bài
Phật gia có cách nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, miếng ăn, ngụm nước đều là có định trước. Câu này có nghĩa là dù ai khi đến thế gian, cả đời này đều là mang theo những phúc báo của quá khứ, phúc báo đó là đã được an bài. Con người trong cuộc sống tất nhiên cũng tích phúc, nhưng nếu chỉ là một người sống thông thường mà thôi, thì một năm có được bao nhiêu lần làm việc tốt, tích được bao nhiêu phúc báo đây? Hay nói một cách đơn giản, phúc báo của một người giống như tiền gửi trong ngân hàng vậy, nếu chỉ có rút tiền ra mà không gửi vào thì sẽ đến lúc cạn hết. Một khi phúc báo đã cạn thì những điều không được thuận lợi sẽ xảy ra. Đây cũng chính là điều mà cổ nhân thường nói: “phúc bất tận hưởng”, không nên mặc sức hưởng thụ phúc, tránh để tiêu hao hết phúc báo của bản thân.
Người xưa tin rằng mỗi một sinh mệnh, trong cả đời có thể sử dụng những gì đều là do có phúc báo mà có được. Khi phúc báo hết thì mệnh cũng hết. Bởi vậy, cổ nhân luôn răn dạy con cháu phải hành thiện tích đức, tích phúc báo, quý tiếc phúc báo, không được tùy tiện dùng hết phúc báo của mình.
Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình giàu có cho con ăn những thức ăn ngon nhất ngay từ khi còn nhỏ, sử dụng những thực phẩm tốt nhất, đi học ở những trường tốt nhất và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của chúng. Nhưng không ít con cái trong những gia đình như vậy lại có cuộc đời không được như ý muốn, thậm chí có người còn mắc nhiều bệnh tật hay khiến gia đình lụn bại, khiến cha mẹ rất lo lắng. Đây chính là vì cha mẹ đang tự mình tiêu giảm đi phúc báo của con cái.
Người xưa có câu: “Cùng nhân đích hài tử tảo đương gia”, ý nói trẻ con nhà nghèo sẽ sớm biết lo liệu việc nhà. Khi điều kiện sống đã được cải thiện, cha mẹ không nhất thiết phải dùng cảnh nghèo khó để bắt con cái sớm lo toan, nhưng cũng cần cho con biết rằng cơm ăn hay tiền bạc đều không phải dễ dàng mà có được. Cha mẹ nếu có thể dạy con cần cù tiết kiệm, biết ơn hết thảy những gì mình có thì chính là đang bảo tồn phúc báo cho con, cũng là cách yêu thương con mình đúng mực.
Phúc báo là phải biết quý tiếc
Các vị cao tăng thời cổ đại đều rất trân trọng và coi trọng phúc báo. Đối với họ, ăn chỉ cần no bụng, mặc chỉ cần không rét lạnh. Pháp sư Hoằng Nhất khi ăn cơm chỉ ăn với dưa muối. Có người hỏi ông rằng: “Dưa muối này rất mặn, ngài ăn có ngon không?” Pháp sư Hoằng Nhất đáp: “Có vị mặn”. Sau khi ăn xong, pháp sư Hoằng Nhất cầm một chén nước nóng. Người kia lại hỏi ông: “Ngài không cho trà sao? Nước lã quá nhạt!” Pháp sư Hoằng Nhất đáp: “Nhạt cũng có vị của nhạt!”
Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Lương điền vạn khoảnh, nhật thực nhất thăng. Đại hạ thiên gian, dạ miên bát xích”, dù có vạn khoảnh ruộng tốt thì mỗi ngày cũng ăn một thăng thôi, dù có nhà rộng cả ngàn gian thì đêm ngủ chỗ nằm cũng chỉ tám thước mà thôi. Có được thứ mình cần là phúc, nhưng tham cầu nhiều thứ quá thì là mệt. Những thứ mình có được chưa chắc là hưởng thụ được, tài phú quá nhiều nhưng hưởng thụ lại không đáng bao nhiêu. Cho nên, khi có được đủ những thứ thiết yếu thì nên bằng lòng, không nên dễ dàng lãng phí những phúc báo khó kiếm được của bản thân.
Viên Phàm cư sĩ có một người vợ rất tốt bụng. Một mùa đông nọ, bà may áo bông cho con trai mình. Trong nhà bà có bông tơ, nhưng bà đã bán đi và thay bằng xơ bông. Viên Phàm liền hỏi: “Trong nhà rõ ràng có bông tơ, vì sao lại phải đổi thành xơ bông?” Vợ ông nói: “Bông tơ rất đắt, bán đi lấy tiền thì có thể dùng cho được nhiều người cần hơn. Dù sao dùng xơ bông cũng có thể giữ ấm được rồi.” Câu nói của vợ Viên Phàm đã thể hiện trí tuệ của người xưa, quý tiếc phúc, không tham lam.
Ngày nay, không ít trẻ em không biết trân quý đồ ăn thức uống, từ nhỏ đã biết hưởng thụ, không chỉ lãng phí lương thực mà còn tiêu phí rất nhiều tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ hay phúc báo của chính mình. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ, thà rằng mình chịu khổ cũng không thể để con chịu khổ. Người xưa cho rằng sống kiêu ngạo xa xỉ thì sẽ sinh ra nhiều dục vọng, nhiều dục vọng thì sẽ vô đức, vô đức thì họa sẽ đến. Vì vậy, cha mẹ phải giáo dục con sống đơn giản, cần kiệm, hành thiện tích đức, phải biết quý trọng phúc thì phúc trạch mới được lâu dài.
Cha mẹ để lại phúc báo cho con hơn là tiền tài
Trong Kinh Dịch viết rằng: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Một gia đình làm việc thiện thì nhất định sẽ có phúc báo mà phúc báo nhiều thì đời con cái cũng được hưởng. Còn nếu một gia đình làm nhiều việc ác thì sẽ không thể tồn tại được lâu và con cháu cũng phải chịu tai ương.
Lâm Tắc Từ, một đại thần triều nhà Thanh, từng nói: “Nếu con cháu tôi đều bằng tôi thì chúng muốn tiền làm gì? Một người đức hạnh có nhiều tiền tài thì sẽ bị hao tổn ý chí. Nếu con cháu tôi không bằng tôi, thì chúng muốn tiền làm gì? Người ngu dốt mà nhiều tiền tài thì sẽ dễ bị tai họa.” Cổ ngữ có câu: “Tích tiền cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Tích sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được. Chi bằng tích âm đức cho con cháu”.
Tài phú quý nhất mà cha mẹ lưu lại cho con cái không phải vàng bạc của cải mà là phúc đức. Bởi vì “người trước trồng cây, người sau hóng mát”, tổ tiên có đức thì phúc ấm cả đời con cháu. Âm đức tích được càng lâu, càng nhiều thì phúc báo càng lớn. Đồng thời con cháu cũng sẽ nhìn tấm gương làm việc thiện tích phúc của ông bà cha mẹ mà học tập theo. Người làm được như thế thì vừa tránh được tai họa, vừa kéo dài thọ mệnh, gia tăng tài phú và phúc trạch được lâu dài.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Hòa Tử
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa con cái Phúc báo cha mẹ