Vài cảm tưởng về quan niệm Nho giáo gây bất bình đẳng giai cấp
- Minh Nhật
- •
Cuối thế kỷ 20, trong một thời gian dài trước, trong và sau cuộc biến động chính trị khốc liệt tại châu Á, sự phát triển của tân học và Tây học nổi lên, với nhiều mặt tích cực, nhưng cũng kéo theo không ít những tiêu cực: sự bài xích văn hóa truyền thống và phủ nhận các giá trị truyền thống trở nên phổ biến. Mặt khác trong các cuộc vận động chính trị với mục tiêu làm nổi bật và tuyên truyền cho chế độ mới, đứng trước việc phải bảo vệ bản thân và gia đình, người ta bị ép buộc phải phản đối và phê phán xã hội cũ. Cũng từ đó, các luận điệu như Nho giáo gây ra bất bình đẳng giai cấp, làm hại “dân đen”, bảo vệ “chủ nô lệ”, v.v. ra đời…
Không thể phủ định rằng trong quá trình lịch sử, Nho giáo càng tiến về cận đại thì càng suy kém và có các loại biểu hiện không được như ý. Nhưng ví như con người có sinh lão bệnh tử, thì bất kể một hệ tư tưởng nào, một loại chế độ nào cũng đều có quá trình “thành trụ hoại” của nó. Chúng ta thảo luận về bất kể hiện tượng nào, đều cần xem về tình huống vào thời kỳ chính thường của nó. Không thể vì người ta sắp lâm chung mà phủ định cả đời, không thể vì trong các việc có việc bất thành mà phủ định những thành công trước đó. Vậy nên khi bàn đến các tội lỗi bị gán cho Nho giáo, người ta cần đối sánh chúng với các kinh điển Nho học nguyên thủy.
Chính danh là duy trì phân biệt đẳng cấp?
Luận điểm mà những người phản đối Nho giáo đưa ra là: “Mục đích của chính danh mà Nho giáo đề cao là sự ổn định xã hội, suy cho cùng là để bảo vệ quyền của thiên tử, duy trì sự phân biệt đẳng cấp”. Vậy trước tiên, “chính danh” có nghĩa là gì?
Trong sách “Luận ngữ”, thiên Tử Lộ, có viết:
Tử Lộ hỏi: “Nếu vua nước Vệ mời thầy đi làm quan quản lý chính sự, thầy làm việc gì trước tiên?”
Khổng tử nói: “Việc trước tiên nhất định phải là chính danh đã.”
Tử Lộ hỏi: “Thật thế ư? Thầy nói viển vông đó. Sao lại phải chính danh?”
Khổng tử nói:
“Trò Do (Tử Lộ) sao lại ăn nói thô thiển như vậy? Người quân tử gặp việc mình chưa rõ thì không phát biểu tùy tiện.
Danh phận không rõ ràng, thì nói sẽ không thuận. Nói không thuận thì việc không thành. Việc không thành thì lễ nhạc sẽ mất đi trật tự. Lễ nhạc mất đi trật tự thì hình phạt sẽ không thỏa đáng. Hình phạt không thỏa đáng khiến cho dân không biết làm như thế nào cho đúng.
Cho nên người quân tử khi định được danh phù hợp với thực, thì có thể nói ra được, mà nói ra là có thể thực hành thông suốt. Người quân tử đối với lời mình nói thì không bao giờ để sơ suất.”
(Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2003)
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì nếu không là người có thể đại diện cho công ty như phó giám đốc, giám đốc, thì liệu có thể đứng ra quyết định công việc, ký kết hợp đồng, v.v..? Người có danh phận ấy thì mới có thể toàn lực gánh nhận trách nhiệm ấy. Kẻ không có danh phận, dẫu toàn lực làm điều mà mình nên làm, thì thông thường việc cũng không thể thông thuận. Bởi vậy chính danh là cách đối nhân xử thế của người quân tử, và hệ quả tất nhiên là nó đề cao sự ổn định của xã hội dưới thời trọng dụng hiền tài.
Nhưng cái gọi là “bảo vệ quyền của Thiên tử” thì tìm khắp Tứ thư Ngũ kinh cũng đều không thấy có.
Thuyết chính danh của Khổng Tử thể hiện ở câu: Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử. Tức là vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con. Trong tư cách ấy thì gánh vác trách nhiệm ấy.
Mạnh Tử nói: “Ta nghe nói Chu Văn Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ chưa hề nghe nói giết vua bao giờ”.
Tuân Tử lại nói: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền”.
Đây là những điều được ghi chép trong kinh điển Nho gia. Trong khi đó, những lời bị gán ghép cho Nho giáo như “vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung”, “tôi trung không thờ hai vua”… cũng không hề thấy chép trong Tứ thư Ngũ kinh.
Kỳ thực, Khổng Tử đã từng bỏ vua nước Lỗ để đi tìm kiếm minh quân. Hơn thế, ông bàn về trung và hiếu như sau:
Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng Tử không trả lời.
Lúc Khổng Tử ra ngoài, Khổng Tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi ý Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?”
Khổng Tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy”
(Khổng Tử gia ngữ: Tam thứ, IX).
Như vậy rõ ràng là nếu vua làm điều bạo nghịch thì kẻ dưới không những không phải bảo vệ quyền của Thiên tử, mà nếu vua không nghe can gián thì kẻ dưới còn không có trách nhiệm phải trung thành. Người quân tử chỉ làm điều đúng đắn là vậy.
“Lao tâm giả trị nhân” là bản tính của giai cấp bóc lột?
Câu nói “Lao tâm giả trị nhân; Lao lực giả trị ư nhân” (kẻ lao tâm trị người còn người lao lực thì bị người trị) của Mạnh Tử cũng thường hay bị đem ra phê phán là “bản tính của giai cấp bóc lột”. Có đúng vậy không?
“Lao tâm giả trị nhân; Lao lực giả trị ư nhân” là câu nói trong sách Mạnh Tử, Đằng Văn Công chương cú thượng. Hoàn cảnh Mạnh Tử đưa ra câu này như sau:
Có một người là Trần Tương theo Hứa Hành học đạo Thần Nông (Thần Nông là một vị Hoàng đế cổ dạy dân cày ruộng trồng lúa, mở mang nông nghiệp). Trần Tương cho rằng Đằng Văn Công tuy là bậc vua giỏi nhưng chưa hiểu được cái đạo trị nước. Theo Trần Tương thì vua hiền phải cày ruộng với dân để lấy cái ăn, phải tự nấu lấy cơm, chứ không nên tích trữ lương thực và tài sản.
Bàn đến chuyện này, xin được trích nguyên đoạn đối thoại giữa Mạnh Tử và Trần Tương trong sách Mạnh Tử như sau:
– Hứa Hành chắc là phải tự mình trồng lúa lấy gạo mà ăn phải không?
– Đúng vậy.
– Hứa Hành chắc phải tự tay dệt lấy vải rồi mới may áo mặc chứ?
– Không phải. Hứa Hành lấy vỏ đay bện thành áo mặc.
– Thế Hứa Hành có đội mũ không?
– Có.
– Đội mũ loại gì?
– Mũ làm bằng loại lụa điều trắng.
– Lụa ấy tự tay mình dệt ra chứ?
– Không phải, đem thóc đổi lấy lụa.
– Vì sao Hứa Hành không tự tay dệt lấy?
– Làm như vậy sợ là trở ngại đến việc cày cấy.
– Hứa Hành có dùng nồi đồng, niêu đất nấu cơm, dùng lưỡi cày sắt để cày không?
– Có.
– Tự mình làm ra cả ư?
– Không phải, đem thóc đi đổi.
– Đem thóc đi đổi lấy đồ dùng, điều đó không hại gì đến thợ gốm và thợ sắt cả. Thợ gốm và thợ sắt lấy sản phẩm gốm và kim khí đi đổi lấy thóc lúa, không có lẽ làm hại đến người làm ruộng. Lại nói, tại sao Hứa Hành không tự mình làm luôn việc luyện sắt nung gốm, cái gì cũng tự mình làm ra? Việc gì lại phải mua bán đổi chác với thợ sắt, thợ gốm? Vì sao mà Hứa Hành không kiêm hết tất cả?
– Nếu làm việc của cả trăm nghề ấy thì không thể nào mà cày cấy được.
Mạnh Tử liền nói:
– Thế chẳng lẽ riêng việc trị nước thì có thể vừa cày ruộng vừa làm ư? Có phần việc do quan lại làm. Có phần việc do dân chúng làm. Hơn nữa, muốn cung cấp đủ nhu cầu sinh hoạt của một con người, cần phải dựa vào đủ loại thợ mới được. Nếu như buộc mọi người ai cũng phải tự mình làm ra mọi thứ cho bản thân mình dùng, như vậy sẽ khiến cả thiên hạ phải lo chạy đôn chạy đáo khắp mọi nơi vậy.
Cho nên người xưa có câu rằng: “Có người lao tâm, có người lao lực…
(Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, 2003)
Như vậy, đặt trong ngữ cảnh của toàn bộ câu nói, “Lao tâm giả trị nhân; Lao lực giả trị ư nhân” chính là đạo lý thông thường trong thiên hạ. Từ “trị” này thời xưa cũng không có ý tiêu cực, không phải là kiểu “trị” mang theo phản ý của người thời nay.
Ngoài ra, cuối phần trên Mạnh Tử còn phê phán một thuyết nữa của Hứa Hành, chính là thuyết “hàng hóa ở chợ chỉ có một giá thôi, như vậy khỏi xảy ra các sự gian lận”. Mạnh Tử nói:
– Vật có tinh, thô, hơn, kém tức là không giống nhau. Đây là thuộc tính tự nhiên của chúng. Giá của chúng có thể khác nhau từ một lần đến năm lần, có thứ sai nhau mười lần, có thứ sai nhau cả nghìn lần. Nếu ngươi muốn cho các vật đều một giá như nhau, như thế là làm loạn thiên hạ vậy. Giầy dép lớn bé xấu tốt, giá tiền đều bằng nhau thì ai chịu làm thứ tốt? Nghe theo học thuyết của Hứa Hành, thì chỉ khiến người ta đua nhau làm những việc lừa bịp dối trá lẫn nhau hơn mà thôi, làm sao mà yên trị nước nhà được?
(Sách Mạnh Tử, NXB Quân đội nhân dân, 2003)
Nói về điều này, học giả Nguyễn Hiến Lê bàn rằng: “Nguyên tắc phân công là nguyên tắc căn bản cho mọi xã hội, không có phân công thì không có xã hội. Nó dựa trên luật tự nhiên này: vạn vật không giống nhau, không đồng đều nhau về tính chất.” – Sách Mạnh Tử, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa thông tin.
Nếu như “Lao tâm giả trị nhân; Lao lực giả trị ư nhân” đã là dựa trên luật tự nhiên, thì hà cớ gì người ta phải “Đoạn chương thủ nghĩa”, lấy ra một câu nói nhưng vứt bỏ đi ngữ cảnh và hàm nghĩa mà nó biểu đạt, để kết tội cho Nho giáo đây?
Thực chất của việc phê phán Nho giáo gây ra bất bình đẳng giai cấp
Thực ra, câu chuyện của Mạnh Tử mà chúng ta kể trên đây không chỉ đụng chạm đến vấn đề “công bình tuyệt đối” là cực đoan, mà còn đụng chạm đến vấn đề “bao cấp”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Những điều này làm sao mà không khiến những người muốn áp đặt một ý thức hệ mới không lo ngại và bài xích?
Sau những nhiệt tình cứu nước bất chấp tất cả, người ta tưởng rằng họ sắp bước vào một thời kỳ nắm quyền tự chủ trọn vẹn. Nhưng điều người dân không ngờ được là, để những học thuyết mới của chính quyền đứng vững, thì những giá trị đạo đức của Nho giáo phải bị tàn nhẫn dứt khỏi tâm trí người dân.
Đơn cử như đối với việc đi ngược lại lợi ích của kẻ cầm quyền. Thời xưa, kẻ cầm quyền là Thiên tử sẽ bị “vạn chúng chú mục”. Kẻ cầm quyền hành ác là không che dấu được, nếu làm việc xấu còn có sử quan chuyên ghi chép, chẳng hạn như câu chuyện chép sử về Thôi Trữ:
Vụ án Tề Trang công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết. Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ ba chép nguyên cũng bị giết. Tới khi người em thứ tư vẫn chép như vậy, không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ. Ông đành thôi không giết người chép sử nữa.
Sử ký – Tề Thái công thế gia
Câu chuyện chép sử này sau được nhắc đến trong bài thơ “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường, từng được nhiều học giả Việt Nam say mê:
Ta vốn chẳng có tài phép lớn
Nhưng trần ai khôn bận lòng ta.
Lòng ta chính khí chói loà
Âm dương điên đảo khôn mờ tấc son.
(Chính khí ca – Bản dịch của Nguyễn Văn Thọ)
Sự tồn tại của những nhân tố dũng cảm như sử quan chính là lý do tại sao xã hội hoàng quyền xưa không cần có hiến pháp. Thử hỏi ngày nay, ai dám dũng cảm trở thành sử quan? Ai dám là kẻ đi ngược lại với quyền lợi của giai cấp thống trị? Ở một số nước thiếu nhân quyền, những “kẻ độc tài” hoàn toàn nắm trong tay quyền sinh quyền sát, còn có cả những thủ đoạn thanh trừng vây cánh hoặc bịt miệng. Nó thậm chí còn bỉ ổi, đê tiện và hèn hạ hơn thời xưa rất nhiều.
Thựa ra, với lời hứa hẹn về một xã hội bình quyền, người ta kích động nhân dân tham gia vào một cuộc lật đổ trật tự xã hội cũ mà Nho giáo duy trì – Một cuộc lật đổ đầy máu và nước mắt. Điều người ta không nói với nhân dân là: Sau bao nhiêu năm “trao quyền” cho nhân dân, xã hội vẫn có kẻ giàu người nghèo, kẻ trên người dưới, vẫn phân chia tầng lớp, vẫn có chủ tớ, vẫn có khoán ruộng đất, vẫn có kẻ làm quan và người làm dân, vẫn có những cái gọi là “bất bình đẳng giai cấp”…
Với lời hứa hẹn giao đất, giao nhà máy, người ta kích động nhân dân đấu tố địa chủ, đấu tố tư bản, hoàn toàn vứt bỏ những giá trị đạo đức mà Nho gia đề cao, không quan tâm đến nạn nhân bị đấu tố là người tốt hay kẻ xấu. Điều người ta không nói với nông dân và công nhân là: Sau bao nhiêu năm “trao quyền” cho họ, họ sẽ vẫn là những kẻ nghèo khó nhất…
Với lời hứa hẹn về một thiên đường trên mặt đất, người ta kích động thực hiện một cuộc Đại nhảy vọt nhằm “nhân đôi sản lượng thép”, “vượt trên Anh quốc trong 10 năm và Mỹ trong 15 năm”. Nông dân buộc phải bỏ hoang ruộng để làm thép, bỏ phí cả hoa màu, lúa mạch chín hoang phế ngoài đồng. Nhưng quan chức chính quyền lại bịa đặt báo cáo rằng sản lượng lúa đang tăng vọt, rằng “Sản lượng trên mỗi mẫu là hơn mười ngàn cân”. Điều đó khiến cho toàn bộ phần lương thực còn sót lại của nhân dân đều bị tịch thu để nộp cho đủ số tương ứng với “thành tích”. Những năm tháng đó đã kích động ma tính trong con người ta đến mức điên cuồng và mù quáng, hoàn toàn rời xa văn hóa truyền thống. Kết quả là 30 đến 40 triệu người bị chết đói. Sau tất cả những việc ấy, kẻ cầm quyền vẫn tuyên truyền khắp nơi rằng đó là do “thiên tai”…
Điều đó đủ để thấy rằng cái gọi là thiên đường trên mặt đất thực chất lại là địa ngục chốn nhân gian, nơi dân tộc vứt bỏ giá trị Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo – những giá trị đạo đức truyền thống. Nói thẳng ra, hiện nay dẫu có sự thoải mái nhất định, thì những tôn giáo ấy cũng chỉ còn giữ lại được cái vỏ hình thức bề ngoài, còn nội dung bên trong thì trống rỗng hư không, nếu không phải là nơi rửa tiền thì cũng là chốn kinh doanh, thậm chí trác táng.
Cái xã hội méo mó của Trung Quốc hiện lên với những tượng đài ca ngợi lãnh đạo; với luật lệ hà khắc; với việc kiểm soát tư tưởng lan đến cả mạng Internet; với việc bức hại tín ngưỡng, từ Pháp Luân Công tới Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các hệ phái Kitô; và với tà sách liên đới quy định rằng một nhân sĩ lên tiếng sẽ khiến cả gia đình, họ hàng, và cơ quan bị phạt.
Ai là kẻ dẫm đạp lên nhân dân dưới chiêu bài “giai cấp”?
Minh Nhật
Xem thêm:
- Một thời huy hoàng của nữ quyền truyền thống
- Nữ quyền thời quân chủ và sai lầm dịch thuật “phụ nữ khó dạy”
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử chuyển biến tư tưởng Giải oan cho Nho gia