Mỗi ngôi làng ở Việt Nam thường gắn liền với một con sông hay dòng suối nào đó. Làng tôi ở gần ngay sông Thương. Tên chữ của sông Thương là Nhật Đức. Nghe bảo người ta còn gọi con sông này là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn. Đấy là tôi nghe người ta nói thế thôi. Ngay cả cái tên chữ Nhật Đức kia chắc cũng chỉ dùng trong sách vở viết về lịch sử. Ở quê tôi người ta gọi đơn giản là sông Thương. Ngay cả tôi, thú thật cũng không biết đến cái tên nào ngoài cái tên ấy cho đến khi đi học và đọc sách.

Trong sách người ta viết sông bắt đầu từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua ba tỉnh là Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương với tổng chiều dài lên tới 157km. Đoạn chảy qua xã tôi chắc dài chừng 3km, đi qua các làng Bến, Sấu, Lãn Tranh, Liên Bộ. Nếu tính riêng đoạn chảy qua địa phận làng tôi thì khoảng 500-700m. Đấy là một khoảng cách không dài nhưng sông đã chảy qua những địa điểm quan trọng nhất của xã: chợ, ủy ban nhân dân xã (cũ), trạm y tế (cũ), cống Chuông, bến đò Than, bến đò Mom, Trạm Bơm.

Về cơ bản, mọi sinh hoạt chung của toàn xã đều diễn ra xoay quanh đoạn sông này, trước khi Ủy ban nhân dân và Trạm y tế dời đến địa điểm mới. Cho dẫu thế, địa điểm mới của chúng cũng chỉ cách sông chưa đầy một cây số. Từ nhà tôi ra sông, tính đường chim bay chắc cũng chỉ khoảng 500m-700m. Nếu đi theo đường làng ra sông, cũng chưa đến một cây số. Đứng ở hiên nhà tôi có thể nhìn rõ cả rặng tre bên kia sông và những con thuyền lớn đang đi trên sông.

Người ta thường nói sông Thương nước chảy đôi dòng trong đục. Hình ảnh ấy đã đi vào cả ca dao của người xưa lẫn văn, thơ, nhạc, họa của người hiện đại. Câu ca dao “Sông Thương nước chảy đôi dòng/Bên trong bên đục em trông bên nào?” được rất nhiều người biết tới. Những nhạc sĩ nổi tiếng như Đặng Thế Phong, Phạm Duy cũng đều viết về sông Thương. Nhạc và lời của Đặng Thế Phong thật buồn thương, tha thiết:

Lướt theo chiều gió, một con thuyền,
Theo trăng trong, trôi trên sông Thương,
Nước chảy đôi dòng, biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu?
Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng…

Các nhà thơ: Lê Thánh Tông, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh cũng đều viết về sông Thương hoặc coi sông Thương là cội nguồn cảm hứng.

Có lẽ có hai lý do để các nhà thơ, nghệ sĩ rung động trước sông Thương. Một là nơi đây Lạng Sơn – Bắc Giang là đất phên dậu của bao triều đại, quân xâm lược Trung Quốc muốn tiến xuống Bắc Ninh hay vào Thăng Long đều phải qua đây. Mảnh đất này là mồ chôn quân xâm lược. Trong suốt hơn 2000 năm qua bao nhiêu trận đánh chống quân xâm lược đã diễn ra trên mảnh đất này? Bao nhiêu người đã chết và bị thương trong những trận chiến đó. Di tích thành Xương Giang vẫn còn kia. Chẳng thế mà người ta bảo rằng người dân gọi nôm na con sông này là sông Thương vì nơi đây diễn ra những cuộc chia tay tiễn những chàng trai lên ải bắc. Đến giờ cũng vẫn còn địa danh Bến Chia Ly (hay bị đọc trệch ra là Chi Ly).

Hai là sông Thương mang trong mình vẻ đẹp riêng. Người ta bảo sông Thương trong đục đôi dòng nhưng từ nhỏ, với nghìn lần ra sông, tôi chỉ thấy đoạn sông chảy qua làng tôi một màu xanh biếc. Nước xanh lắm vì lúc tôi còn nhỏ hai bên bờ sông, cả bên này của huyện Tân Yên lẫn bên kia của huyện Lạng Giang đều là rặng tre dày rủ bóng xuống sông. Nước sông xanh nhưng là xanh trong, không phải xanh màu nõn chuối đầy tảo như ở một số hồ nước thường thấy trong đô thị. Khi nhảy xuống sông tắm và lặn tôi có thể nhìn rõ cá tôm bơi dưới sông, cùng những cây tóc tiên lòa xòa theo sóng. Sông sạch đến độ thời đó chúng tôi không chỉ tắm mà còn uống cả nước sông. Đi chăn trâu, đi câu lúc khát vục tay hoặc lấy mũ, nón múc lên uống thẳng. Suốt tuổi thơ, chúng tôi đã uống bao lần như thế mà chưa từng thấy thằng nào kêu đau bụng.

Nước sông sạch nên nhiều người trong làng cũng ra sông gánh nước về dùng. Buổi trưa phụ nữ mang quần áo, chăn chiếu ra sông giặt. Giặt chăn hay chiếu phải mang ra sông trải trên mặt nước rồi dùng chày hay đòn gánh đập mới đã. Vào những trưa hè, bến sông kín những người. Những ngày giáp tết, người làng cũng mang lá đã luộc ra sông rửa. Ở làng tôi, người ta không gói bánh chưng bằng lá dong sống còn tươi như ở nơi khác. Họ sẽ luộc lá dong, lá ỏng (nơi khác gọi là là chít) lên, đem ra bờ giếng hoặc sông Thương rửa sạch, lau khô rồi mới gói. Họ cũng không gói nhiều bánh chưng vuông mà chỉ gói vài cái để thờ, chủ yếu họ gói bánh chưng dài mà nhiều nơi hay gọi là bánh tét.

Sông Thương là nơi chúng tôi thường xuyên ra chơi. Không câu cá thì bơi. Không tắm, không bơi thì xem những con thuyền ở trên sông. Thuyền chạy trên sông có rất nhiều loại: thuyền chở cát, ca nô chở dầu, sà lan chở than, gỗ, thuyền đánh cá… Chúng tôi rất thích xem người ta đạp cát trên sông. Thời đó không có máy móc, tất cả đều làm bằng tay. Những con thuyền lấy cát lớn hơn thuyền đánh cá rất nhiều lần, có lẽ nó chỉ nhỏ hơn những chiếc sà lan chở gỗ một chút.

Những con thuyền này thường không chạy máy mà chạy bằng buồm. Buồm của chúng màu trắng hoặc màu nâu cực lớn. Khi lặng gió, những thanh niên ở trên thuyền sẽ phải buộc dây vào thuyền rồi vừa đi dọc bờ sông vừa kéo thuyền lướt băng băng. Ba bốn người dây thừng lớn vắt qua vai nghiêng người về phía trước ráng sức kéo thuyền đi. Lũ trẻ chúng tôi đã bao lần chạy theo những thanh niên cởi trần, quần đùi da rám nắng suốt một chặng đường dài dọc triền sông.

Ở trên thuyền họ dùng một cái gàu lớn bằng sắt gắn vào một đầu cây sào để xúc cát dưới sông. Mọi thao tác đều cực nhọc và chậm chạp. Gầu thả xuống sông sẽ được kéo bằng dây tời đạp bằng chân cho cắm ngập vào ổ cát dưới lòng sông sau đó được kéo lên đổ vào thuyền. Họ vừa làm vừa hô hai ba, vừa hát. Lúc chuyển cát lên bờ họ dùng thúng đội cát ở trên đầu. Họ dường như là người ở đâu đó đến, tôi thấy họ toàn người lạ mặt và tiếng nói cũng lạ tai. Bây giờ, bãi cát ở đoạn sông chỗ cửa nhà tôi nhìn thẳng ra rất lớn, hai ba cái cần cẩu lừng lững chĩa lên trời, xe cộ đi lại chở cát tấp nập nhưng việc khai thác cát trên đoạn sông xã tôi đã bị cấm. Sau một thời gian dùng máy hút cát thay cho gàu xúc cát thủ công, hai bên bờ sông bị lở sụt xuống và thế là bị cấm.

Những thuyền đánh cá, thả rọ tôm thì nhỏ hơn. Nó có thể là thuyền nan ngồi một người, hoặc cũng có thể là thuyền có mái khum. Nếu thuyền có mái khum, nhiều khả năng là người ta sống luôn trên đó, coi thuyền là nhà. Có thể đấy là một gia đình nho nhỏ. Họ sống luôn trên đó, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông. Cũng đôi khi có những chiếc thuyền từ đâu đến làm cho bọn trẻ chúng tôi sửng sốt. Đấy là những thuyền lặn trai vạn. Họ lặn xuống sông mò bắt những con trai lớn vỏ xù xì, xà cừ lấp lánh mà không cần bất kì một thiết bị bảo hộ hay hỗ trợ nào, chỉ có hai bàn tay trần. Những con trai này quý là ở bộ vỏ. Có lẽ người ta lấy vỏ con trai này để khảm vào các đồ gỗ cao cấp như giường, tủ bàn, ghế… Lũ trẻ chúng tôi say mê xem họ lặn suốt buổi. Sông rất sâu, chỗ họ thường lặn lại còn sâu nữa vì chỗ sâu mới có loại trai đó nên dù thích cũng không đứa trẻ nào dám làm theo.

Ở quê tôi, lặn xuống sâu như thế chỉ có mấy ông đánh cá mìn. Lúc bấy giờ sông còn nhiều cá và đánh cá bằng chất nổ chưa bị cấm gắt gao. Những người đánh cá bằng mìn đa số đều là người Lãn Tranh. Người hay đánh mìn ở quãng sông thuộc làng tôi là ông Phấn và ông Dần. Ông Phấn bị hỏng một mắt và cụt một tay phải. Đấy là hậu quả của việc quả mìn do ông tự chế nổ luôn trên tay ông. Người thì bảo do ông tiết kiệm cắt dây cháy chậm ngắn quá, người khác lại bảo do ông đen thôi, đỏ quên đi. Ông Phấn bị tật như vậy vì mìn nhưng ông vẫn cứ ném mìn xuống sông giết cá như thường. Chỗ Bến Men, nơi có ghềnh đá ăn lan ra mặt sông và gần chỗ bãi thả trâu của chúng tôi là nơi đánh mìn ưa thích của ông. Để đánh cá ở đây tối hôm trước hoặc sáng sớm ông mang thính đến ném xuống chỗ bến gành. Cá đủ loại kéo đến ăn. Tầm 7-8 giờ sáng ông Phấn đến. Mồm ông ngậm điếu thuốc, cánh tay cụt đến khuỷu thò ra tay áo rung rung. Quan sát một hồi, ông móc túi lấy ra quả mìn, kẹp vào nách rồi đưa bàn tay còn lành kiểm tra. Đứng từ xa bọn trẻ chúng tôi không thể nào nhìn rõ quả mìn chỉ thấy nó có hình trụ tròn màu xám. Sau đó ông dùng tay trái cầm quả mìn, bình thản châm ngòi bằng điếu thuốc ông ngậm trên môi rồi ném xuống nước. “Uỳnh!” một tiếng nổ trầm đục nặng nề vang động khúc sông, đập vào núi và vọng lại tai chúng tôi. Một cột nước trắng vọt lên trời cao tầm mươi mét. Nước rụng rào rào. Dưới sông bong bóng nổi lên ào ào cùng cơ man là cá. Ông Phấn cởi áo nhảy xuống dùng vợt và tay vớt cá lia lịa vứt lên bờ. Bọn trẻ chúng tôi xô lại xem. Bao nhiêu là cá: cá vền, cá chép, cá chày, cá măng… Tất cả đều đã chết.

Mỗi lần đánh mìn ông Phấn thu được một bao đầy cá. Ông Dần thi thoảng cũng đánh cá ở chỗ này nhưng ông ta thận trọng hơn không ngậm thuốc lá ở miệng để châm ngòi. Thay vào đó ông cắm que hương ở bãi cỏ rồi ngồi xuống châm ngòi quả mìn vào đó.

Sau khi vớt hết cá nổi trên mặt nước, ông Phấn bắt đầu lặn xuống sông rất lâu để mò cá. Rất nhiều cá, nhất là cá to khi bị sức ép sẽ chìm xuống. Khi ông đã mò chán chê và bỏ đi rồi, rất có thể sẽ có một hai người lớn lại nhảy xuống mò tiếp. Đôi khi may mắn họ vẫn vớ được vài con cá lớn. Mò thế nhưng vẫn sót, thi thoảng tắm sông hay câu cá ven sông chúng tôi vẫn thấy những con cá lớn chết dạt vào bờ. Đấy không phải là cá chết vì ô nhiễm như thường thấy ở các hồ ao tù đọng mà là cá chết vì mìn.

Tôi không thích những người đánh mìn vì tôi biết làm như thế là giết sạch tất cả những loài sinh vật sống dưới sông, cả cá lớn, cá nhỏ lẫn rong rêu, ốc hến…

Bố tôi từng là bộ đội thì bảo tai nạn như ông Phấn mà không chết là quá may mắn. Chất nổ rất nguy hiểm không đùa được. Mẹ tôi thì hầu như không bao giờ mua cá đánh mìn. Mẹ giải thích là cá đánh mìn nhìn cái biết ngay vì nó là cá chết, cá đó khi rán, nấu sẽ bị nát ăn không ngon. Nhưng chắc ông Phấn, ông Dần vẫn bán được cá nên đánh suốt cho mãi tới khi xã cấm ngặt. Ai đánh mìn sẽ bị gọi lên xã hoặc bắt giải lên công an huyện. Hơn nữa, sông sau này nước ngày càng cạn, đục lờ, cũng không còn cá nữa. Trên sông không còn bóng những chiếc thuyền thả lưới hay câu cá.

Đi lang thang qua nhiều vùng khắp đất nước, tôi thấy ở nhiều nơi người ta thường nuôi cá bè ở trên sông. Tuy nhiên, ở làng tôi không có ai nuôi cá bè. Làng Bến – nơi gái trai nổi tiếng về bơi cũng không có ai nuôi. Ở phía dưới làng tôi, hai làng Lãn Tranh, Liên Bộ cũng không có ai nuôi. Phía bên kia bờ đoạn sông chảy qua làng tôi là xã Dương Đức cũng không có bè cá. Ở làng tôi người làng cũng không ra sông đánh cá bằng lưới hay câu trên sông. Người làng tôi chỉ đánh cá ở cửa cống Chuông, nơi nước con ngòi đổ ra ào ạt. Vào đầu mùa mưa, cá từ sông ngược dòng nước vào ngòi nhiều khủng khiếp. Trên mặt nước cá mương nổi đầu thành từng đàn, đứng trên bờ nhìn thấy rõ. Lâu lâu lại có con cá lớn ngược dòng nước không thành bực mình nhảy vọt lên cao. Người làng tôi câu, xỉa, kéo vó… ở đây. Hôm nào đêm mưa to thì sáng ra ở đây đông như hội.

Sông với tôi yêu thương thân thiết vô cùng. Đi chăn trâu vào mùa hè ngày nào tôi cũng tắm. Chúng tôi hay tắm ở chỗ cống Chuông chảy ra. Cứ đứng trên mặt đê nhảy xuống dòng nước chảy để nó xối mình trôi tuột ra tận gốc gạo nhà ông Đức phía sông rồi lại lội vào bờ nhảy tiếp.

Có khi chúng tôi tắm ở bến Đò Than ở phía trên một chút hoặc tắm ở phía dưới bến Gành nơi ông Phấn, ông Dần hay đánh mìn. Cũng có khi chúng tôi tắm ở Giàn Van, gần Bến Gành, nơi là cửa cống lấy nước vào trạm bơm. Chúng tôi trèo lên đỉnh Giàn Van, nơi thò lên cái trục điều khiển cánh cống và nhảy xuống. Dễ chừng từ đó xuống mặt nước phải cao đến 5-7m.

Nước sông hồi đó trong xanh, tha hồ tắm. Vào mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn từ thượng nguồn về kéo theo đủ thứ gỗ mục, lá cây, phù sa nên nước rất đục. Đục thế nhưng chúng tôi vẫn tắm. Chúng tôi bơi cả ra giữa sông để vớt củi, vớt hoa quả từ rừng trôi về. Người làng tôi, xã tôi còn mang thuyền ra vớt củi đen cả mặt sông. Sau khi nước lụt rút đi, những khu ruộng ở ngoài đê và bãi sông, triền sông được phủ bởi một lớp phù sa mịn như bánh đúc và cực mát. Đất ở đó rất tốt, trồng gì cũng xanh non. Bây giờ, nước sông vừa cạn vừa đục đi nhiều. Vào mùa lụt, nước vẫn dâng cao hơn bình thường nhưng không còn củi, gỗ trôi trên sông, cũng không còn chút phù sa nào nữa. Có người bảo do không còn rừng nên những thứ đấy chẳng còn. Người khác lại giải thích rằng do người ta xây đập làm thủy điện ngăn nước ở nhiều nơi nên nó như vậy. Chẳng biết ai đúng, ai sai. Tôi hi vọng có dịp sẽ đi bộ hoặc đi xe đạp từ hạ lưu tới đầu nguồn sông Thương xem ai là người nói đúng.

Hai bờ sông tre mọc dày, thi thoảng điểm một cây gạo, cây sung hoặc cây gáo. Ở bờ bên phía làng tôi, thi thoảng lại một khoảng trống lộ ra chứ bên sông tre mọc dày như thành lũy phòng thủ, chỉ hở ra một khoảng chỗ bến đò. Nơi có nhiều cây gạo nhất là đoạn bờ sông giáp làng tôi và làng bến gọi là Làng Đồng. Nhà tôi có một ruộng chuyên trồng lạc ở phía đó vì thế tôi thường đi qua đoạn bờ sông này khi đi trồng lạc, xới lạc và thu hoạch lạc với mẹ. Mùa xuân hoa gạo ở đây nở đỏ rực nhìn đẹp vô cùng. Chỗ cống Chuông chảy ra cũng có một cây gạo mà chúng tôi quen gọi là cây gạo ông Đức. Cây gạo khá lớn mọc sát mép nước. Mùa xuân cây bung hoa đỏ rực như lửa cháy.

Khi tôi tốt nghiệp đại học, những cây gạo này vẫn còn. Nhưng thật buồn, khi đi du học trở về tất cả gần như biến mất. Đoạn chỗ Làng Đồng cũng chỉ còn một hai cây. Gỗ gạo nấu thì không cháy, lại khói, làm ván thì rất thường, không hiểu sao người ta lại chặt đi những cây gạo ấy. Cây gạo bến Tuần ở xã Hợp Đức ở phía trên cách làng tôi chừng 4-5 cây số cũng bị sét đánh gãy ngọn. Vậy nên, bây giờ, nhắc đến hoa gạo sông Thương người ta thường chỉ biết đến cây Gạo ở Lãng Sơn – Yên Dũng mà thôi. Những người đã từng biết đến vẻ đẹp của hoa gạo sông Thương như tôi tất nhiên là buồn và tiếc nhớ ngày xưa.

Bây giờ, người ta kè đá dọc bờ sông chảy qua làng Bến, làng Sấu tức làng tôi, làng Lãn Tranh và Liên Bộ. Đá và bê tông làm cho đê rất vững chãi. Sẽ không có cảnh cả xã, cả làng nơm nớp lo đê vỡ mỗi đêm mưa lớn như ngày trước. Nhưng sông bây giờ không còn đẹp như xưa nữa. Tre ngày một ít đi. Những cây gạo chỉ còn những cây nhỏ và thưa thớt. Nước sông, chưa đen như sông Tô Lịch hay bốc mùi hôi thối nhưng đã đục lờ, một thứ màu chỉ nhìn qua đã biết là không nên tắm, rửa. Không còn ai ra sông tắm nữa, có rửa tay chân hay nông cụ cũng là khi chẳng thể đặng đừng. Có lần về quê chạy bộ dọc sông, tôi thấy khắp sông phủ kín một loại bèo nhỏ màu xanh lục, điều từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng thấy. Đấy là một sự dị thường. Một số tờ báo cũng đưa tin về hiện tượng này nhưng không tờ báo nào nêu rõ nguyên nhân tại sao. Tờ báo địa phương chỉ có một hai câu vắn tắt cho biết các cơ quan hữu quan đang điều tra làm rõ nguyên nhân.

Trên sông vẫn có thuyền qua lại nhưng không còn thuyền buồm, cũng chẳng thấy thuyền câu hay thuyền thả lưới. Những con thuyền chạy qua phần lớn là chở than, chở vật liệu xây dựng và xăng dầu. Vẻ đẹp nên thơ của con sông đang dần biến mất. Sông như đã bước qua tuổi trung niên. Bạn bè tôi ở nơi xa đến, nhất là những người sống ở nơi không có sông hoặc từ nhỏ tới lớn sống nơi thành thị khi thấy sông Thương và các cánh đồng ở xung quanh thường ồ lên khen đẹp! Tôi biết đó không phải là lời khen xã giao, nó là cảm xúc thật. Nhưng họ đâu biết, sông Thương ngày xưa đẹp gấp 10, mà không, phải là gấp trăm lần hiện tại.

Sông Thương trong ký ức
Ảnh: Thuyền trên sông Thương – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: