Thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn khiến quân Minh khiếp sợ
- Trần Hưng
- •
Nguyễn Tuấn Thiện là thủ lĩnh của nghĩa quân Cốc Sơn. Ông có những trận đánh làm quân Minh thiệt hại nặng, cũng được nhắc tên trong cuốn chính sử nhà Minh là Minh thực lục.
Nghĩa quân Cốc Sơn
Nguyễn Tuấn Thiện sinh năm 1401 ở thôn Phúc Đậu, xã Phúc Dương, tổng An Ấp (nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Về sau gia đình ông chuyển đến làng Ninh Xá, xã Sơn Ninh.
Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, Nguyễn Tuấn Thiện làm ruộng và đánh cá nuôi gia đình. Ông có vóc người cao lớn khỏe mạnh, lại mê võ thuật.
Năm 1407, quân Minh đánh bại nhà Hồ và thiết lập ách đô hộ ở Giao Chỉ. Nguyễn Tuấn Thiện cùng bạn bè cùng chí hướng luyện tập võ nghệ rồi thành lập đội quân Cốc Sơn chống quân Minh bảo vệ xóm làng. Nghĩa quân Cốc Sơn có những trận thắng vang dội, làm chủ cả huyện Hương Sơn, gây ảnh hưởng cả Hà Tĩnh trước sự bất lực của quân Minh.
Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn
Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn nam tiến vào Nghệ An. Phương nam là vùng đất rộng lớn, lương thực và nhân lực đều dồi dào, nhằm củng cố lưc lượng cho việc tiến quân ra bắc.
Năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đến Hương Sơn thì gặp nghĩa quân Cốc Sơn, hai thủ lĩnh Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện gặp nhau. Theo các giai thoại còn lưu truyền trong dân gian thì hai thủ lĩnh đã cắt tóc ăn thề cùng chung sức đánh đuổi quân Minh dưới gốc cây thị ở xóm Nậy (xã Sơn Phúc). Cây thị này vẫn còn đến ngày nay, đã hơn 700 năm tuổi. Gốc cây thị được khắc tấm bia đá ghi lại gốc tích lời thề của hai thủ lĩnh.
Nguyễn Tuấn Thiện đưa cả đội quân ở Cốc Sơn gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, được giao chức Thị thần, rồi giữ chức Thống lĩnh quân đội của Châu Hoan và Châu Ái. Bằng tài năng, ông được phong làm Đô tổng quản phó nguyên soái.
Sử nhà Minh là “Hoàng Minh thực lục” có nói nhiều đến Nguyễn Tuấn Thiện, xem đây là tướng tài của Giao Chỉ. Cuốn “Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam” của Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh cũng viết rằng:
“Giữa năm 1426, Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy một đạo quân ra Quảng Oai (Ba Vì- Hà Tây) góp phần quan trọng trong chiến thắng ở cầu Nhân Mục (tháng 10 năm 1426).
Tháng 11 năm 1426, ông lại cùng các tướng Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, bố trí quân chặn đánh Vương Thông trong chiến thắng Tốt Động- Chúc Động.
Sau chiến thắng này, ông được Lê Lợi điều lên Bắc Đạo chặn địch. Đầu năm 1428, ông được xếp vào hàng công thần khai quốc. quản lĩnh vùng Lạng Sơn…”.
Sau khi nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh, Lê Lợi lên ngôi lập ra nhà Lê, Nguyễn Tuấn Thiện được phong làm Tĩnh nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô tổng quản Phó nguyên soái Trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ Đại tướng quân, tước Đại trí tự. Vì lập công lao, ông được ban cho quốc tính họ Lê gọi là Lê Thiện.
Tưởng nhớ
Lê Lợi sau khi lên ngôi đã giết hại nhiều công thần khai quốc, vì thế mà Nguyễn Tuấn Thiện từ quan xin về quê tại đất Ninh Xá. Sau khi Nguyễn Tuấn Thiện từ quan, Triều đình nhà Lê vẫn diễn ra cảnh đấu đá. Cuối cùng mãi đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi thì cục diện Triều đình mới thật sự yên ổn.
Năm 1494, Nguyễn Tuấn Thiện mất, thọ 93 tuổi. Theo lời dặn trước, con cháu an táng ông ở động Kim Quy. Đến nay lăng mộ của ông vẫn được bảo tồn.
Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng giêng, con cháu dòng họ cùng chính quyền địa phương đều tổ chức ngày giỗ ông. Người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền câu thơ:
Cắt tóc giết ngựa trắng
Dưới gốc thị thề nguyền
Nguyện đồng tâm đồng chí
Phá giặc xây cơ đồ.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trần Nguyên Hãn: Vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn
- Lâm vào tử địa buộc phải đánh cảm tử, nghĩa quân Lam Sơn lập kỳ tích
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nghĩa quân Lam Sơn