Trần Hữu Hội & những người đàn bà cô đơn và bất hạnh
- Nguyễn Phú Yên
- •
Ý tưởng ấy chợt hiện ra khi có dịp đọc một vài truyện ngắn của nhà văn Trần Hữu Hội, ở đó có bóng dáng của người phụ nữ xuất hiện khi là nhân vật chính, khi là sau lưng một người đàn ông nào đó. Mà dường như thấp thoáng trong văn chương của anh rất nhiều bóng dáng như thế.
Họ không xuất hiện trong nét tô vẽ hoa mỹ của sự tưởng tượng mà xuất hiện trong đời thường ở khắp mọi xó xỉnh của cuộc sống hậu chiến này.
Thật vậy, những câu chuyện của anh dường như là mảnh cắt sắc cạnh của đời sống anh từng trải nghiệm. Như là một tấm gương soi phản ánh những hiện thực dung dị, những sự thật hồn nhiên được phô bày dưới cái nhìn ngắm tỉ mỉ để mở ra cho mọi người một thế giới nội tâm phức tạp của người phụ nữ trong hoàn cảnh của đất nước. Trong thế giới đó, số phận người đàn bà bị thử thách ghê gớm. Nhà văn đã đẩy họ phải sống hết mình trong nhiều hoàn cảnh cực đoan, những hoàn cảnh không có sự chọn lựa nào khác.
Đó là cuộc sống của Hương: “Gió biển cuốn ra khơi xa những lời thầm thì như tiếng thở dài của Hương… Mưa và sóng vẫn giật từng cơn. Hương thét lên hoảng hốt quay lại phía Hiến, nhưng một màu tối đen và mưa gió quất vào mặt. Hương gục xuống hai bàn tay nức nở: – Hiến, Hiến… ơi! Chỉ có sóng, gió, mưa và một màu đen của đêm” (Đêm Phan Thiết). Đúng là người đàn bà ấy chỉ có một con đường tất yếu phải đi tới. Hương phó mặc cho số phận đưa đẩy đời nàng. Nhà văn không cho ta biết ngày sau người đàn bà ấy sẽ ra sao vì tác giả bỏ lửng câu chuyện và dừng lại ở đó một cách đột ngột để mọi người có thể đoán định tương lai và số phận một con người.
Một hoàn cảnh khác cũng đủ đem lại tâm trạng u buồn, sầu thảm. Câu chuyện chấm dứt cũng là lúc cuộc đời người phụ nữ kết thúc: “Cuối cùng, chị bỏ anh ra đi sau hai ngày đau đớn vật vã, những hạch bằng những viên bi mọc quanh cổ chị, những lời cuối cùng chỉ là những tiếng ú ớ không rõ ràng, chỉ cái bóp tay anh là có ý nghĩa! Chị mất vì chứng ung thư đường huyết!”.
Với trường hợp người đàn bà này, nhà văn muốn lý giải một cách triết lý qua lời của một nhân vật khác, một lời nói có lẽ làm dịu được tâm hồn: “…Con ạ, duyên nghiệp trùng trùng, chớ băn khoăn. Quá khứ thì đã qua… đừng vọng tưởng sinh phiền lụy. Con và vợ, con của con, chưa đủ duyên nên ly tán, khi đủ duyên ắt sẽ hợp… Mọi sự theo duyên mà đến, mọi sự theo duyên mà đi…” (Duyên nghiệp).
Có người đàn bà khác lại yên phận, không còn muốn níu kéo những kỷ niệm xưa, những ngày tháng cũ. Tình yêu không thể tái hồi. Hãy bỏ qua lòng trắc ẩn miên man kẻo lại vương vấn cái số kiếp long đong biết đâu lại đọa đày thêm lần nữa. “Hãy nhớ rằng em cũng đã từng quên anh khi quyết định lấy chồng! Không ai sống mãi với chiếc bóng của ký ức, dù đẹp mấy cũng chỉ là quá khứ… Không, quên nhau đi, hãy sống thật hạnh phúc, Thuấn ạ!”. Ừ nhỉ, cũng là một cách sống hết mình trong sự chọn lựa đầy lý tính của Nguyệt (Bóng xưa).
Có thể đó là người đàn bà tên Hạnh, chỉ còn lại trong ký ức xa xăm vẫn in dấu mãi trong lòng chàng trai biết mê mẩn: “Bao năm mong đợi một ngày về, nơi không là quê hương nhưng lại là chốn đã cho anh nhiều tháng ngày đẹp nhất với những kỷ niệm êm đềm thuở thành niên, anh đâu ngờ lần ra đi ấy là lần cuối cùng, để không bao giờ còn gặp lại Hạnh, gặp lại người con gái đã ban cho anh nụ hôn đầu đời và những giây phút ngọt ngào đằm thắm, thơ ngây! Đêm ngọt ngào với những nụ hôn và mùi hoa sứ! Hạnh ơi, sao không chờ nhau hả Hạnh?” (Nụ hôn đầu, tình yêu cuối). Chao ôi, tiếng kêu thảng thốt và xót đau của người đàn ông trong tâm trạng chới với nghe ra cũng xé lòng ghê gớm!
Nhưng thà làm người khuất núi như Hạnh còn hơn phải chịu sự phản bội trong tình yêu của người đàn bà luống tuổi mang tên Phụng. Phải rồi, chẳng phải sống một đời để thấy hạnh phúc là một ảo ảnh, là một bóng mây u ám nổi trôi trên dương thế? “Chín tháng nay như vậy, chị cũng quá ngao ngán nên bỏ cuộc không thèm nghe thêm làm chi cho mệt! Nhưng trong lòng thì cứ đau đau xót xót, nghĩ tới cái chuyện anh Tăng phụ tình, rắp tâm bỏ mẹ con chị!” (Chung thủy).
Ở một hoàn cảnh khác, nhà văn vẽ nên bóng dáng một phụ nữ không tên tuổi đành đoạn bỏ đứa con của mình. “Bà ấy cũng đã năm mươi hai tuổi, bị lẫn, liệt nửa người và mờ mắt vì bị hỏng giác mạc”. Để rồi cuối đời bà không còn trí nhớ nữa, chỉ sống những ngày tháng hẩm hiu trong một viện dưỡng lão. Năm tháng tồn tại của người phụ nữ không biết còn đến bao giờ? Thì ra thế, sự oan nghiệt của một kiếp người không thể đong đếm được! Làm gì với linh hồn nếu không có niềm tin thánh thiện vĩnh cửu? Nhà văn tìm vào niềm tin bất tận ấy mong để cứu rỗi một thân phận: “…Lạy Cha, con luôn tin vào lòng yêu thương và tha thứ nơi Cha là vô cùng, xin Cha thứ tha cho một linh hồn tội lỗi trong thân phận mong manh của con Người mà ngài đã tạo dựng. Amen!” (Sa ngã).
Cũng một người phụ nữ sống hết mình như vậy được nhà văn đau đáu dõi theo như một người thân thuộc: “Năm tháng qua đi… Cuộc đời chị như cánh bèo! Qua không biết bao nhiêu cuộc vui, bao nhiêu lần hồi hộp trên vòng quay môtô và cũng không biết bao nhiêu hoan lạc với những người đàn ông trên dòng đời trôi nổi!”. Để rồi cuối cùng, nàng đã ra đi trong lặng lẽ: “Chị ấy chết tám năm nay rồi… Căn nhà trên đó em để thờ chị ấy. Nhớ lại những ngày khổ cực cũng buồn buồn vui vui anh ạ!”. Từ đó lời nhà văn như một chiêm nghiệm về cuộc đời: “…Mỗi con người tồn tại trong thế giới này, phải chăng là những hạt mầm, được định mệnh vay mượn từ hư vô, gieo ngẫu nhiên vào trần gian làm nên những số phận buồn đau, hạnh phúc… Rồi một sớm mai kia, bỏ lại sau lưng những hoan lạc, ưu phiền của cõi nhân sinh, trở về đâu đó trong vô cùng?” (Số phận).
Tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ cô đơn và bất hạnh chính là nhân vật Loan. Mở đầu là cái chết của nàng qua một số câu đối thoại hững hờ giữa hai người bạn quen biết với nhân vật. Và rồi thế giới của nàng được phô bày như một cuốn phim hồi ức. Những mảnh đời được kết nối bằng sự đau thương, mất mát mà nàng nếm trải trong dãi dầu của cuộc sống: người chồng đã bỏ mẹ con Loan hơn một năm rồi nhưng nàng không cần biết anh ấy đi nơi nào! Rồi thêm một cái thai nữa mà Loan mang theo trong từng giọt nước mắt buồn tủi. Và rồi côi cút trong bước đường mưu sinh, nàng từ giã cuộc đời thật tình cờ trong một tai nạn. Nàng đã sống mãnh liệt, sống hết mình như là để thách thức với cuộc đời. Nhà văn bày tỏ thương cảm: “Người nằm đó như hạt lúa gieo vào đất này… Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài, nhuộm đất này, nhuộm cho hồng… hạt mầm trót vay. Anh nhẩm lại từng lời trong một bài hát. Giọt nước mắt đọng trên khóe mắt, khóc cho một ‘hạt mầm trót vay!’” (Hạt mầm trót vay).
Hầu như trong mọi truyện ngắn của Trần Hữu Hội, hình ảnh người phụ nữ luôn là cái cớ để anh bày tỏ mối suy tưởng về quan hệ thế nhân. Mô tả cuộc đời của họ là trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa là không theo ý niệm về thời gian vật lý được. Nổi bật là thân phận người đàn bà từ trong mỗi câu chuyện. Dường như tác giả cảm nhận được mỗi nhân vật đều là những linh hồn nhỏ bé, yếu ớt và run rẩy, không phải do sức lực mà do cái gánh nặng của những cơn phiền muộn, của những lời thở than hay nức nở. Người đàn bà rồi sẽ chìm khuất sau những lời thổn thức ấy trong nỗi cô đơn toàn vẹn. Không cô đơn sao được khi mà cuộc đời và hạnh phúc mãi mãi là một ảo ảnh. Sống là đứng bên này bờ ảo vọng. Và để nhận lấy cái bất hạnh ngoài mong muốn. Họ biết vươn lên nhưng lại theo chiều cao của nghịch lý để rồi mãi rơi vào bi kịch của bất hạnh đó. “Sự cô đơn là con đường mà số phận thử dùng để dẫn dắt con người tới với chính mình”, Hermann Hesse từng nói như thế. Sự cô đơn là không thể tránh khỏi và cần thiết, họ luôn đắm mình trong đó để nhìn ngắm đời mình. Họ bị cô lập trong mọi cuộc tương giao, cái bi kịch của người đàn bà là ở đó. À ra thế, không ai bảo ai họ nhận ra sự việc rõ ràng là không có một cuộc đời khác sau này. Và đó là định mệnh.
Chợt liên tưởng đến một nhân vật trong tiểu thuyết Khung cửa hẹp của André Gide. Alissa, nàng cũng vậy thôi. Nàng mơ ước hạnh phúc với người yêu nhưng nàng hiểu rằng để đến với hạnh phúc phải bước qua một khung cửa rất hẹp, hẹp đến nỗi không thể hai người cùng bước qua trong cùng một lúc. Cái mệnh lệnh của con tim dường như mãi bị tắt nghẹn. Cái đau đớn là vậy nên Alissa phải tính lại con đường đời của chính mình, chẳng khác nào những người đàn bà Việt trong tác phẩm của Trần Hữu Hội. Hỡi những nàng Hương, Nguyệt, Hạnh, Phụng, Kim Anh, Loan…, hãy sống như những gì mình đã trải nghiệm, các nàng không thể vượt qua được số phận đâu, đó là định mệnh tất yếu rồi. Một bàn tay ấm áp đã là món quà mà các nàng đã nhận lấy như ân sủng của cuộc đời, nó quí báu mà các nàng không thể tìm thấy lại nữa khi đã rời bỏ nó.
Người nghệ sĩ cần phải biến đổi ý nghĩa của thế giới như A. Malraux mong muốn chăng? Không đâu, với Trần Hữu Hội, người nghệ sĩ đã chu toàn với đời sống bằng ngôn ngữ đầy tình người như thế là vừa đủ. Anh đã nhìn ngắm và chia sẻ mọi tâm tình cùng những nhân vật phụ nữ bất hạnh trong truyện của anh. Chừng đó anh đã như cánh chim chấp chới trong trùng khơi thế gian này rồi. Với anh, làm người đàn bà đã là một định mệnh!
Sáng ngày 7-5-2018, nhà văn Trần Hữu Hội đã đột ngột ra đi trong nỗi bàng hoàng và niềm thương tiếc của bạn bè. Bài viết trên thay cho nén nhang tưởng nhớ anh. |
Nguyễn Phú Yên
(Tháng 4-2018)
Tác giả gửi Trí Thức VN.
Xem thêm:
Từ khóa phụ nữ cô đơn Trần Hữu Hội