Trần Quang Diệu về tới Nghệ An thì mới biết thành mất, quân sĩ đào ngũ cả, ông và Võ Văn Dũng bị bắt. Bùi Thị Xuân nghe tin đuổi theo cứu được chồng, nhưng rồi tất cả bị bắt trở lại ở Thanh Chương. Sau đó Võ Văn Dũng phá cũi trốn thì hai vợ chồng không chạy theo được do Trần Quang Diệu bị phù chân. Nhưng điều đáng nói là xuyên suốt sự việc này, họ đều gặp phải một trở ngại lớn: lòng người không hướng về nhà Tây Sơn.

Khác biệt giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn

Năm 1777 khi quân Tây Sơn chiếm được Gia Định thì truy sát toàn bộ gia tộc chúa Nguyễn, chỉ duy nhất Nguyễn Phúc Ánh khi ấy mới 15 tuổi nhờ dân Gia Định che chở mà trốn thoát.

Sau đó hàng chục năm Nguyễn Phúc Ánh phải chạy trốn hết nơi này đến nơi khác ở vùng đất Nam Bộ, nhưng nhờ sự giúp đỡ và che chở của người dân, lần nào ông cũng trốn thoát.

Có lần ở đảo Phú Quốc bị quân Tây Sơn truy đến cùng đường, thì Lê Phước Điển tình nguyện đóng giả Nguyễn Vương, nhờ đó Nguyễn Vương thật lại chạy thoát được.

Mà thậm chí khi sức người không giúp được, thì Nguyễn Phúc Ánh lại được trâu nước giúp chạy khỏi khúc sông đầy cá sấu, được trời nổi mây che chở khi bị quân Tây Sơn vây kín đường…

Có thể nói, Nguyễn Phúc Ánh đã hàng chục lần thoát được quân Tây Sơn. Trong khi đó quân Tây Sơn không được lòng dân, nên binh lính đào ngũ.

Năm 1802 quân Nguyễn tiến đánh thành Thăng Long, vua Cảnh Thịnh đem quân chạy trốn, đến vùng Kinh Bắc thì bị dân chúng phát hiện và phối hợp với thổ hào địa phương bắt vua Cảnh Thịnh nộp lên cho quân Nguyễn.

Vua thua trận thì ngay lập bị người dân vây bắt nộp lại. Có thể thấy lòng dân ảnh hưởng đến cuộc chiến này là lớn đến mức nào. Đây chính là thể hiện sự khác biệt đến đối lập giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn.

Hận Tây Sơn, nhưng vua Gia Long cũng không nỡ giết một người

Quân Tây Sơn khi khởi nghĩa thì đưa ra khẩu hiệu là “diệt Trương Phúc Loan, phò chúa Nguyễn” nhưng lại truy sát cả gia tộc chúa Nguyễn, chỉ có mỗi Nguyễn Phúc Ánh còn sót lại, vậy nên mối hận trong lòng vua Gia Long với nhà Tây Sơn rất lớn. Mặt khác khi chiếm được Nam Bộ, quân Tây Sơn đã tổ chức cướp phá, tàn sát dân chúng. Vì thế khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã đem xử một số người trong quân Tây Sơn rất tàn bạo.

Dù thế nhưng trong đội ngũ Tây Sơn, vua Gia Long lại không nỡ giết một người, đó chính là Trần Quang Diệu. Tại thành Bình Định, Trần Quang Diệu bao vây Võ Tánh, khiến tướng yêu của vua Gia Long phải tử trận, nhưng đó là một câu chuyện vô cùng trung nghĩa. Thậm chí Trần Quang Diệu đã tha chết cho toàn bộ hàng binh quân Nguyễn tại thành Bình Định (Xem bài: Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn tại thành Bình Định).

Vậy nên dù Trần Quang Diệu là tướng trụ cột nhiều lần đánh bại quân Nguyễn, nhưng không chỉ quân Tây Sơn mà cả quân nhà Nguyễn đều rất cảm phục ông. Vua Gia Long lúc đó đã quyết định không giết Trần Quang Diệu mà muốn thu ông về với mình.

Tuy nhiên tôi trung không thờ hai chủ, Trần Quang Diệu đã đáp rằng:

Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu.

Bấy giờ thế cuộc mới chỉ vừa nắm được, lại thấy Trần Quang Diệu tận trung đến mức đó nên vua Gia Long cũng không dám sơ suất. Theo chồng, Bùi Thị Xuân cũng thà chết không khuất phục. Cuối cùng vua chỉ còn cách ngậm ngùi giết đi.

Trần Quang Diệu
Bộ đồ thờ giản dị tại từ đường họ Bùi. Cổ vật hiện được trưng bày trong Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Chính sử không thấy nhắc đến việc hành hình Bùi Thị Xuân ra sao. Sách “Đại Nam thực lục” có chép:

Nhâm tuất (1802 tháng 11 ): Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác.

…Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài.

…Ngày mồng 6 tháng này, tế cáo Trời Đất, ngày mồng 7 yết tế Thái miếu, làm lễ hiến phù, bọn Quang Toản và ngụy Thái tể Quang Duy, Nguyên súy Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dúng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ; Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng…

Như vậy chỉ có bốn con vua Quang Trung bị voi xé xác. Còn các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng… cùng với một số võ quan khác đều bị chém. Riêng nữ tướng Bùi Thị Xuân, không thấy sách Thực lục ghi tên bà trong số những vị tướng bị bắt; cũng không thấy tên bà trong danh sách các tướng bị hành hình. Những câu chuyện về việc Bùi Thị Xuân bị voi giày, Trần Quang Diệu bị lột da chỉ được ghi lại trong một lá thư của một giáo sĩ tên là Bissachère, chép lại những gì ông ta “nghe kể được từ một người khác”, bản thân Bissachère không chứng kiến cuộc hành hình. Vậy nhưng sau này nó lại được coi như một nguồn sử liệu khả tín.

Trần Quang Diệu
Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Hai vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đều là những hào kiệt hiếm có của Tậy Sơn. Tiếc thay nhà Tây Sơn không được lòng dân nên dù họ đã gắng tận sức chống đỡ cũng không sao thay đổi được. Tuy nhiên tấm lòng nhân hậu, sự quả cảm và trung trinh của họ vẫn được người dân đời đời nhắc đến.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: