12 sai lầm trong lúc dọn dẹp khiến nhà bạn càng mất vệ sinh
- Minh Minh
- •
Tất cả chúng ta đều biết cả thế giới đang phải chiến đấu với sự bùng nổ của dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (COVID-19). Đây là thời điểm mọi người phải đặc biệt giữ gìn vệ sinh cá nhân và dọn dẹp nhà cửa cẩn thận. Tuy vậy, hầu hết chúng ta đều mắc phải những sai lầm này khiến không gian sinh sống ngày càng mất vệ sinh.
1 – Chất tẩy rửa sẽ làm sạch mọi thứ
Mặc dù thuốc tẩy có thể loại bỏ các vết bẩn một cách nhanh chóng, đây không phải là sản phẩm phù hợp với mọi bề mặt hay đồ đạc. Thuốc tẩy có tác dụng khử trùng rất tốt cho vết bẩn trên quần áo, nấm mốc phòng tắm nhưng không hợp để làm sạch bếp dính dầu mỡ. Để vệ sinh bếp, tốt nhất là bạn chọn một chất có kết cấu thô ráp như baking soda.
2 – Chổi lông gà quét sạch bụi bẩn
Chổi lông gà đã qua sử dụng nhiều lần rõ ràng sẽ tích tụ rất nhiều bụi bẩn. Chưa kể mỗi lần bạn quét chổi từ món đồ này sang món đồ khác, vô tình bụi bẩn cũng di chuyển theo. Cách tốt nhất để xử lý bụi là dùng máy hút bụi hoặc một chiếc khăn ướt.
3 – Báo giúp đánh bóng thủy tinh
Đây là một trong những ‘huyền thoại’ về kinh nghiệm dọn dẹp được lưu truyền trong một thời gian dài. Báo giấy ngày nay có chất liệu mỏng hơn trước rất nhiều nên sẽ dễ dính lại trên đồ đạc của bạn. Không có ai chắc chắn về công dụng đánh bóng của báo nên tốt nhất là bạn dùng một chiếc khăn vải sợi nhỏ, mềm để lau đồ thủy tinh.
4 – Giấm là một chất tẩy rửa đa năng
Giống như thuốc tẩy, giấm không phải là sản phẩm đa năng có thể làm sạch mọi thứ. Giấm phù hợp để làm sạch vết dầu mỡ, loại bỏ vết nước bẩn đọng trên đồ đạc, làm sạch cửa sổ và máy pha cà phê nhưng không hợp với bề mặt bàn làm từ đá granit và sàn gỗ.
5 – Keo xịt tóc có thể loại bỏ vết mực
Trước đây có rất nhiều người dùng keo xịt tóc để loại bỏ vết mực dính trên quần áo nhưng ngày nay không ai còn áp dụng mẹo này nữa. Bởi keo xịt tóc ngày xưa chứa nhiều cồn, keo xịt tóc ngày nay chứa ít cồn hoặc không chứa cồn, để giữ nếp tóc tốt hơn. Kết cấu của keo xịt tóc có thể làm cứng vải nên tốt nhất là bạn chỉ nên sử dụng chất cồn đơn giản để tẩy vết mực.
6 – Giặt mọi thứ với nước lạnh
Nước nóng có thể làm co vải hoặc làm phai màu sắc nên chúng ta thường tin tưởng vào nước lạnh. Giặt đồ bằng nước lạnh mang lại rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm năng lượng, bảo quản màu sắc, nhiều chất tẩy rửa được tạo ra để hoạt động tốt hơn trong nước lạnh. Nhưng một số vết bẩn (như dầu mỡ) chỉ rời ra khi được ngâm trong nước ấm hoặc nóng. Các loại khăn (đặc biệt là khăn trải giường) nên được giặt trong nước ấm hoặc nóng.
7 – Xịt phòng giúp làm sạch không khí
Sau khi bạn xịt phòng, căn phòng sẽ có mùi thơm nhưng không khí thì không hề sạch hơn. Hầu hết các chất được giới thiệu công dụng làm mát không khí chỉ giúp che đi mùi hôi bằng một mùi hương dễ chịu. Sau khi mùi hương biến mất, mùi hôi sẽ quay trở lại. Phương pháp tốt hơn và tự nhiên hơn để bạn vệ sinh nhà cửa là mua một loại cây làm sạch không khí như cây thường xuân, lan ý, cây trúc mây, cây dương xỉ Mỹ, cây lưỡi hổ, cây trầu bà, cây thu hải đường trường sinh, phất dụ mảnh, cây dây nhện, cây lô hội, cúc đồng tiền, hoa phong lan, cây dừa cảnh, cây tuyết tùng.
8 – Cây lau nhà luôn sạch
Cây lau nhà bằng sợi bông kiểu cũ khá bẩn và khó vắt. Dùng cây lau nhà bẩn không có tác dụng gì cả, thậm chí bạn đang vô tình mang vi khuẩn rải khắp không gian sống. Ngày nay chúng ta đã có nhiều cây lau nhà làm từ sợi tổng hợp thấm ít nước hơn, vắt được ngay trong xô đính kèm và đầu lau có thể tháo rời để giặt trong máy giặt. Một nghiên cứu cho thấy giẻ lau sợi nhỏ có hiệu quả cao hơn khoảng 20% trong việc loại bỏ vi sinh vật.
9 – Nên lau mặt gỗ thường xuyên
Mặc dù mặt bàn trông sẽ bóng bẩy hơn sau khi được kỳ cọ, sự cẩn thận của bạn đang mang lại nhiều tác hại hơn tác dụng. Một số chất đánh bóng có thể làm xỉn màu gỗ và hít thêm bụi, một số khác thì dễ tích tụ theo thời gian và làm xỉn màu gỗ. Bản chất của việc đánh bóng đồ gỗ là giữ gìn lớp vỏ bọc bên ngoài chứ không phải chính khúc gỗ. Bạn cần giữ đồ gỗ tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, dùng chất tẩy rửa chuyên dụng và lau bằng một chiếc khăn mềm.
10 – Giặt khăn trải giường hai tuần một lần
Tần suất hiệu quả nhất là bạn giặt khăn trải giường một lần một tuần, ngâm trong nước càng nóng càng tốt. Khi chúng ta ngủ, mồ hôi thấm vào chăn gối, ga trải giường sẽ làm vi khuẩn tích tụ và thấm ngược lại vào cơ thể.
11 – Máy rửa bát đĩa tự làm sạch
Máy rửa bát đĩa giúp bạn bớt phần việc vệ sinh bát đũa hàng ngày nhưng bạn vẫn phải nhớ làm sạch cho chiếc máy đó. Máy rửa bát thường xuyên tích tụ các mẩu thức ăn, khoáng chất cứng, dầu mỡ nên phải được làm sạch bằng chất tẩy rửa chuyên dụng.
12 – Máy giặt cũng tự làm sạch
Giống như máy rửa chén, máy giặt không phải là sản phẩm có khả năng tự làm sạch. Sau khi giặt xong, không khí ẩm trong lồng giặt không thể khô hoàn toàn khi bạn bắt đầu giặt mẻ mới dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn, nấm và các vi trùng độc hại, vì vậy tốt nhất là bạn chăm sóc máy giặt khoảng 3 tháng/lần. Mỗi khi giặt xong, nên mở cửa máy giặt giúp không khí đi vào bên trong làm khô lồng giặt vì môi trường ẩm ướt bên trong máy giặt là điều kiện thuận lợi để nấm mốc phát triển. Bạn có thể dùng clo, nước javen, dấm ăn, chanh để làm vệ sinh lồng giặt. Ngoài ra, bạn nên vệ sinh lưới lọc của van cấp nước để tránh bị tắc do cặn bẩn bám đóng, vệ sinh ngăn đựng nước xả và xà phòng.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Vệ sinh nhà mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa