Trí tuệ cổ nhân: Nam tính và nữ tính
- An Hòa
- •
Cổ ngữ có câu: “Nam vô tính như thiết, nữ vô tính như ma”, là nam mà không có nam tính thì tựa như cục sắt, là nữ mà không có nữ tính thì tựa như như kẹo vừng. Đây là một câu tục ngữ có chút dí dỏm, tuy đơn giản nhưng lại phản ánh quan điểm truyền thống của người xưa về tính cách cần có của người nam và người nữ. Cổ nhân cho rằng nam giới thì cần có cá tính mạnh mẽ vững vàng, trong khi phụ nữ thì nên phải ôn nhu dịu dàng, như vậy mới hợp với lẽ âm dương của Trời đất.
“Nam vô tính như thiết”, thoạt nghe, chúng ta sẽ không khỏi thắc mắc, “sắt” cứng cáp như thế sao lại đi ví với một người đàn ông yếu đuối? Kỳ thực, nếu lấy “sắt” đem so sánh với “thép” thì sẽ nhìn ra được dụng ý của câu này. So với thép thì sắt dễ dàng bị ăn mòn và han gỉ hơn. Thép có đặc tính chắc chắn, phẩm cách kiên cường “ninh chiết bất loan”, thà gãy chứ không chịu cong mình. Một người đàn ông tính cách quá yếu đuối thì sẽ giống như sắt, thời gian lâu sẽ dễ bị ăn mòn, phẩm chất trở nên kém cỏi, các góc cạnh vốn có sẽ bị mất đi, như vậy không chỉ mất đi cái khí chất nam nhân mà cũng sẽ không cách nào có thể chống đỡ được việc lớn.
Để làm rõ ý này hơn, người xưa còn có câu tục ngữ: “Hận thiết bất thành cương”, tiếc hận vì rèn sắt không thành thép. Những lời này dùng để ví với thái độ của bậc cha mẹ, đặt kỳ vọng vào con cái của mình, mong muốn con mình sau này có thể có được thành tựu trong cuộc đời. Tuy nhiên con cái lại không phát triển như kỳ vọng đó, không thể rèn thành “thép”. Do đó, người nam mà không có nam tính thì giống như đứa trẻ chưa trưởng thành, không thể nói là một người đàn ông có thể gánh vác được.
Các thi nhân trong lịch sử cũng có rất nhiều câu thơ hay danh ngôn miêu tả về thép, ví như trong “Đạo Thất Thu Dạ”, thi nhân Lục Du đã viết: “Nhãn lực tân sinh độc, tâm nguyên bách liên cương”, ý nói khả năng phân biệt phải trái cần giống như mắt của sinh mệnh mới chào đời và tâm kiên định phải có thể bền chắc như trăm sợi xích thép. Mã Ngọc thời nhà Nguyên cũng từng nói: “Hội ác thanh cương kiếm, năng hàm bạch ngọc bôi”, nếu có thể nắm chặt được thanh kiếm thép thì ắt cũng có thể ngậm được ly bạch ngọc. Từ đó có thể thấy được vị thế của “thép” trong mắt của người xưa, nó được giao phó cho đức hạnh ngoan cường và kiên trì vững chắc của con người.
Vô luận là đặt vế tục ngữ “Nam vô tính như thiết” ở thời cổ xưa hay thời hiện đại ngày nay thì đều mang một ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Người đàn ông tất phải có chí khí cao xa, đỉnh thiên lập địa, đội trời đạp đất, tính cách phải vững màng, mạnh mẽ và độc lập.
Nửa sau của câu tục ngữ là “Nữ vô tính như ma”. Từ “ma” là chỉ cây mè, cây vừng, ám chỉ kẹo vừng. Đối với rất nhiều người mà nói, loại kẹo vừng này thoạt đầu mới ăn thì thấy mùi vị rất ngon, vị ngọt lại có hương thơm, nhưng ăn một lúc thì lại thấy dính răng, đem lại cảm giác không dễ chịu sau khi ăn xong.
Nếu một người phụ nữ không có nữ tính truyền thống, mà lại có chút nam tính, hoặc có tính cách nào đó khác lạ, thì sẽ giống như kẹo vừng. Lúc ban đầu mới tiếp xúc, có thể thấy họ đáng yêu, thấy có chút cuốn hút, nhưng khi đã ở bên lâu ngày thì chắc chắn người ta sẽ bắt đầu cảm thấy phiền phức hoặc nhàm chán.
Một hàm ý khác của câu này là đức hạnh của người phụ nữ luôn quan trọng hơn vẻ bề ngoài. Ví như nàng Chung Vô Diệm, vương hậu của Tề Tuyên Vương thời Chiến Quốc, mặc dù có vẻ ngoài xấu xí, nhưng bà lại rất trí tuệ và đức hạnh, có thể hỗ trợ đắc lực cho Tề Tuyên Vương, trở thành một liệt nữ anh kiệt trong lịch sử.
Vậy nên, bất luận là đàn ông hay phụ nữ thì đều cần phải có tính cách của riêng mình, mà tính cách đó lại cần thuận theo quy luật âm dương, thuận theo tiêu chuẩn truyền thống, không nên giống như nước chảy bèo trôi, bảo sao hay vậy. Đàn ông thì cần phải có tính cách kiên cường, tự lực cánh sinh, đừng để bản thân dễ gỉ như “sắt”. Còn phụ nữ thì phải có đức hạnh, không nên chỉ để ý chăm chút đến dung mạo bên ngoài, cũng không nên mang tính cách khác lạ lập dị, giống như kẹo vừng mới ăn thì ngọt, nhưng về sau lại khiến người ta chán ghét dính răng.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Văn Lệ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân nam nữ hữu biệt