Vì sao vó ngựa Mông Cổ phải dừng bước tại Mamluk Sultanate?
- Trần Hưng
- •
Năm 1219, vó ngựa quân Mông Cổ dồn dập tiến vào Trung Á, Đế quốc hùng mạnh Khwarezmia bị tiêu diệt, Baghdad bị hủy hoại, thế giới Hồi giáo kinh hoàng run rẩy. Thế nhưng vó ngựa bách chiến bách thắng của quân Mông Cổ cuối cùng cũng dừng lại tại Vương quốc Mamluk Sultanate.
Thế giới Hồi giáo kinh hoàng
Năm 1251, Mông Kha lên ngôi Đại Hãn, chỉ định em mình là Húc Liệt Ngột đưa quân tiếp tục tấn công các nước Hồi giáo.
Sức mạnh quân Mông Cồ thật khủng khiếp. Năm 1258, thành Baghdad với chiều dài văn hóa lịch sử là thế vẫn sụp đổ dưới vó ngựa quân Mông Cổ, 5 vạn quân của vương triều Abbasid tử trận dẫn đến sự diệt vong của vương triều này, kết thúc kỷ nguyên hoàng kim của Hồi giáo.
Vó ngựa quân Mông Cổ tiếp tục tràn vào vùng đất thuộc Syria ngày nay, lần lượt chiếm được các thành phố Hồi giáo. Năm 1260, vua An-Nasir Yusuf bị quân Mông Cổ bắt được.
Lúc này các thành trì vốn là trung tâm của Hồi giáo là Aleppo, Baghdad, Damascus, Nablus và Gaza đều bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Lúc này niềm hy vọng duy nhất của người Hồi giáo là Vương quốc Mamluk Sultanate (Ai Cập ngày nay) do Quốc vương Qutuz trị vì.
Người Mamluk quyết chiến
Năm 1260, quân Mông Cổ tiến đánh Mamluk Sultanate. Cũng như các cuộc chiến khác, đầu tiên Sứ giả Mông Cổ đến đưa thư hăm dọa để Vương quốc này đầu hàng. Bức thư của Húc Liệt Ngột có nội dung như sau:
“Từ Vua của các vị Vua phía Đông và Tây, Đại Hãn gửi tới Qutuz, kẻ bỏ chạy để thoát khỏi lưỡi gươm của chúng ta. Ngươi nên nghĩ về kết cục của những nước khác và đầu hàng chúng ta đi. Ngươi đã nghe cách mà chúng ta chinh phục một đế chế rộng mênh mông và thanh tẩy mặt đất khỏi những thứ ô uế rồi đó. Chúng ta đã chinh phục những vùng đất rộng lớn, tàn sát tất cả mọi người. Ngươi không thể thoát khỏi sự kinh hoàng của quân đội chúng ta đâu. Ngươi chạy đi đâu? Người sẽ chạy trên con đường nào để thoát? Ngựa của chúng ta nhanh, tên của chúng ta sắc bén, lưỡi gươm của chúng ta như sét đánh, trái tim chúng ta cứng như núi đá, quân của chúng ta đông như cát. Nước mắt hay sự ủy mị không lay động được chúng ta. Chỉ có những kẻ cầu xin chúng ta che chở mới được an toàn. Trả lời nhanh lên trước khi ngọn lửa chiến tranh bùng lên. Chống cự và ngươi sẽ chịu số phận thảm khốc nhất. Chúng ta sẽ đập bỏ những đền thờ, lôi ra sự yếu hèn từ Chúa của các người và sau đó, sẽ giết cả người già, trẻ nhỏ. Hiện tại, ngươi là kẻ thù duy nhất chúng ta sẽ phải chinh phục mà thôi.”
Theo “Saudi Aramco World – Bên lề lịch sử: Ain Jalut” của Tschanz, David W.
Dường như lời lẽ ngạo nghễ trong thư đã chạm đến lòng tự tôn của vua Qutuz, cộng với nụ cười đắc thắng của kẻ mạnh trên môi Sứ giả khiến nhà Vua tức giận và ra lệnh giết chết sứ giả Mông Cổ.
Quân Mông Cổ rất tôn trọng Sứ giả, hành động của vua Qutuz tương đương với việc tuyên chiến. Lúc này vương quốc Hồi giáo Mamluk Sultanate chỉ có 2 vạn quân, trong khi đó quân Mông Cổ của Húc Liệt Ngột có đến 30 vạn, chênh lệch là quá lớn. Người Hồi giáo đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn dưới vó ngựa quân Mông Cổ.
Thế nhưng đúng lúc này vận may đã mỉm cười với người Hồi giáo. Đại Hãn Mông Kha mới mất, các cuộc tấn công của quân Mông Cổ ở khắp thế giới đều tạm dừng, chuyển từ chinh phục sang nội chiến giành ngôi Đại Hãn.
Trước tình thế mới, Húc Liệt Ngột phải đưa gần 30 vạn quân rút đi, về Cáp Thạc Hòa Lâm tham gia đại hội các Khả Hãn đề bầu Đại Hãn mới và chuẩn bị cho cuộc nội chiến nếu xảy ra, chỉ để lại 2 vạn quân cho vị tướng thân tín là Khiếp Đích Bất Hoa.
Trước khi rút đi Húc Liệt Ngột đã căn dặn Khiếp Đích Bất Hoa rằng: Đừng khinh suất giao chiến, thậm chí nếu cần có thể rút khỏi Syria. Tuy nhiên thực tế sau đó cho thấy Khiếp Đích Bất Hoa đã không nghe theo lời này.
Khiếp Đích Bất Hoa đưa 2 vạn quân tiến về phía tây, tiến qua Jordan, hướng đến bình nguyên Esdraelon. Vua Qutuz bố trí sẵn một thế trận ở Ain Jalut đợi quân Mông Cổ. Theo văn hóa người dân nơi đây thì Ain Jalut nghĩa là dòng Suối của Goliath, ám chỉ người khổng lồ Goliath thất bại trước chú bé David.
Trận Ain Jalut chặn đứng vó ngựa Mông Cổ
Vừa đến Ain Jalut, quân Mông Cổ gặp một cánh quân do tướng Baibars chỉ huy chặn lại. Baibars cho quân tấn công trực diện thẳng vào quân Mông Cổ, điều này khiến Khiếp Đích Bất Hoa nghĩ rằng toàn bộ quân Mamluk Sultanate đã ở đây nên cho quân đánh lại. Quân Mamluk thất thế và rút lui.
Nghĩ rằng toàn quân Mamluk đã ở đây nên Khiếp Đích Bất Hoa cho quân đuổi theo. Khi quân Mông Cổ đuổi đến vùng trũng, vua Qutuz cho kỵ binh đang chờ sẵn của mình tấn công vào bên sườn quân Mông Cổ, dùng sức mạnh kỵ binh của mình đương đầu với kỵ binh nổi tiếng thiện chiến của Mông Cổ. Ở đây, kỵ binh Mamluk có lợi thế là bên tấn công.
Có phần bất ngờ khi thấy đối phương còn một cánh quân khác, Khiếp Đích Bất Hoa vẫn bình tĩnh quan sát thế trận rồi chỉ huy một cánh quân tấn công vào phía trái của quân Mamluk.
Vua Qutuz trực tiếp chỉ huy quân đối địch với Khiếp Đích Bất Hoa, tuy nhiên quân Mông Cổ dần dần chiếm ưu thế, quân Mamluk dần bất lợi và có nguy cơ thua trận. Lúc này vua Qutuz cởi mũ trên đầu xuống, ngửa mặt lên trời và hô lớn cổ vũ binh lính, nhắc binh lính rằng nếu người Mamluk thua thì toàn bộ thế giới Hồi giáo sẽ sụp đổ. Quân Mamluk bỗng trở nên vô cùng gan dạ.
Sự chuyển biến của những người lính Mamluk khiến thế trận xoay chuyển, kỵ binh Mamluk dần chiếm thế thượng phong, đánh tan quân kỵ binh Mông Cổ. Đây quả là kết quả khó tin bởi kỵ binh Mông Cổ nổi tiếng thiện chiến, lại đối mặt trong tình cảnh 1 chọi 1 (2 vạn quân Mamluk đấu với 2 vạn quân Mông Cổ).
Binh lính thân cận khuyên Khiếp Đích Bất Hoa rút đi, nhưng vị tướng Mông Cổ quyết đánh đến cùng và không dễ chấp nhận thất bại. Khiếp Đích Bất Hoa nói rằng: “Chúng ta sẽ chết ở đây và như thế là hết. Chúc Đại Hãn trường thọ an vui”. Khiếp Đích Bất Hoa đánh cho đến khi trúng một mũi tên, bị ngã khỏi ngựa và bị bắt.
Trận Ain Jalut là một trong những trận đánh nổi tiếng thế giới, khiến vó ngựa quân Mông Cổ phải dừng bước. Sau đấy, Đế quốc Mông Cổ chia nhiều Hãn khác nhau. Húc Liệt Ngột thành lập Hãn Quốc Y Nhi, một vùng đất rộng lớn mà ngày nay là các nước Iran, Iraq, Afghanistan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Pakistan .
Hãn Quốc Y Nhi trải qua các đời Hãn khác nhau luôn kình địch và tấn công Mamluk, nhưng vẫn không sao chiếm được Vương quốc này. Người Hồi giáo được bảo vệ và phát triển, biến Cairo trở thành trung tâm Hồi giáo mới.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới quân Mông Cổ