Vua Duy Tân và ước vọng giành quyền tự chủ (P2)
- Trần Hưng
- •
Sau cuộc hội kiến với vua Duy Tân, các lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên trở về Đà Nẵng lên kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa trong tháng 5/1916. Các thủ lĩnh tin cuộc khởi nghĩa sẽ thành công, một phần do sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần do có nội ứng của 2.500 binh lính người Việt làm việc cho Pháp ở đồn Mang Cá, một phần nữa là nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của chính Tổng chỉ huy quân Pháp tại Trung kỳ là đại tá Harmand (một người Pháp gốc Đức). Mặt khác người Pháp đang gặp khó khăn khi dốc toàn lực vào cuộc chiến vệ quốc trước sự tấn công của quân Đức trong cuộc Thế chiến thứ nhất.
- Tiếp theo phần 1
Kế hoạch của Việt Nam Quang Phục Hội
Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra đồng loạt ở Huế, Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sau đó sẽ làm chủ Trung kỳ, thành lập chính quyền mới.
Ngày 3/5, vua Duy Tân sẽ rời Kinh thành đến Quảng Ngãi để tạm lánh mặt.
Vào giờ Tý ngày 4/5/1916, Huế sẽ bắn pháo lệnh cho Quảng Trị, Quảng Bình biết. Tiếp đó trên đèo Hải Vân sẽ đốt lửa để làm hiệu cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tại Huế, Trần Quang Trứ sẽ chỉ huy một cánh quân tấn công đồn Mang Cá. 2.500 binh sĩ Việt chuẩn bị sang Pháp ở đây sẽ hưởng ứng cùng chiếm đồn Mang Cá. Tổng chỉ huy quân Pháp tại Trung kỳ là đại tá Harmand cũng là chỉ huy đồn Mang Cá ủng hộ cuộc khởi nghĩa.
Sau khi chiếm đồn Mang Cá, tất cả sẽ cùng tấn công vào Tòa khâm sứ Pháp. Ngoài ra một cánh quân cảm tử từ Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng phối hợp tấn công Tòa khâm sứ, có thêm sự hậu thuẫn của một số binh lính ở trong Tòa khâm sứ.
Sau khi khống chế được đồn Mang Cá và Tòa khâm sứ, Nguyễn Quang Siêu chỉ huy đội thị vệ trong cung sẽ chiếm Kinh thành Huế. Sau khi thành công, vua Duy Tân sẽ trở về Kinh thành và thành lập thể chế mới.
Chiều ngày 2/5, cuộc di chuyển quân bắt đầu, các lực lượng nghĩa quân từ Đà Nẵng và Quảng Trị bí mật di chuyển đến Huế. Địa điểm tập kết chính của quân khởi nghĩa là ngã ba sông Hương – sông Lợi Nông (tức sông An Cựu) kéo dài từ cồn Dã Viên đến gần Bến Ngự. Sở chỉ huy là một ngôi nhà nằm gần bến đò ga Huế.
Từ ngoại thành, những chiếc thuyền chở đầy dao, rựa, mã tấu được che đậy ngụy trang bí mật chuyển về địa điểm tập kết. Các lực lượng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cũng được tập hợp chuẩn bị đồng loạt nổi dậy ngay sau khi có hiệu lệnh.
Kế hoạch bị lộ vào phút cuối
Theo kế hoạch, đúng 10 giờ tối 3/5, các cận vệ trung thành đưa vua Duy Tân đến góc đường gần trường Quốc Tử Giám. Nơi đây, Trần Cao Vân đã chờ sẵn, tất cả lên 4 xe kéo đi đến bến Thương Bạc thì có thuyền của nghĩa quân chờ sẵn đưa Vua đến Sở chỉ huy khởi nghĩa ở đò ga Huế (đoạn đầu sông Lợi Nông). Tại đây những người chỉ huy cuộc khởi nghĩa cùng thề sẽ đem hết sức mình phục vụ cho đại nghĩa.
Sau đó mọi người đều thực hiện kế hoạch cho khởi nghĩa vào giờ Tý (1 giờ sáng) ngày 4/5. Theo kế hoạch, vua Duy Tân sẽ đến Quảng Bình, Trần Quang Trứ sẽ về đồn Mang Cá cùng binh lính người Việt chuẩn bị đánh úp đồn.
Thế nhưng Trần Quang Trứ không về đồn Mang Cá như kế hoạch mà lại đến Tòa công sứ Thừa Thiên báo lại toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa.
Có người nhìn thấy việc Trần Quang Trứ chạy đến Tòa công sứ và báo lại cho Thái Phiên. Lúc này mọi người mới giật mình, linh cảm thấy điều không lành.
Người Pháp ra tay trước
Công sứ Carlotti nhận tin lập tức lệnh cho ông Trứ đưa lính khố xanh đến ngăn vua Duy Tân lại nhưng không kịp, Vua đã lên thuyền đi mất.
Công sứ Carlotti điện khẩn cấp cho Tòa khâm sứ Trung kỳ báo vua Duy Tân đã rời khỏi Cung và có một cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra vào lúc 1 giờ sáng. Bức điện khẩn này được gửi đi lúc 11h30 ngày 3/5, tức chỉ 90 phút trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra theo kế hoạch.
Khâm sứ Charles cho người hạ sát ngay Đại tá Harmand, đồng thời cho người đến Hoàng cung kiểm tra, quả nhiên không thấy Vua ở đâu. Viên Khâm sứ này liền cho đuổi theo Vua, đồng thời ra lệnh giới nghiêm, thu hết vũ khí của binh lính trong đồn Mang Cá, ráo riết tuần tra trên đường phố, kiểm soát chặt chẽ Kinh thành Huế.
Cuộc khởi nghĩa vì thế mà không thể nổ ra như kế hoạch. Những thông tin này được thể hiện trong bản báo cáo ngày 5/5/1916 (tức chỉ 1 ngày sau đó) của chính Trần Quang Trứ cùng những người khác, hiện được lưu trữ tại Aix-en Provence (Pháp).
Đã qua 3 giờ sáng nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu gì, Trần Cao Vân liền cho người do thám và biết được tình hình.
- Xem phần 3
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đội Cấn, cuộc binh biến Thái Nguyên và ước mơ Đại Hùng Đế Quốc
- Khởi nghĩa Yên Thế (P1): Từ Đề Nắm tới Đề Thám
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn Duy Tân chống Pháp