Vua Duy Tân và ước vọng giành quyền tự chủ (P3)
- Trần Hưng
- •
Khi biết cuộc khởi nghĩa bị lộ, Trần Cao Vân liền khuyên vua Duy Tân nên trở về Hoàng cung. Tuy nhiên Vua không nghe theo mà ở lại nhà một người của Việt Nam Quang Phục Hội ở làng Hà Trung. Vua cũng cho soạn chiếu chỉ thông báo Vua xuất cung một thời gian và sẽ trở về sau. Vua Duy Tân không muốn trở về làm Vua bù nhìn nên quyết định sẽ chống Pháp đến khi thành công mới trở về. Sau khi bàn bạc với Trần Cao Vân, Vua sẽ đi theo vùng đồi núi đến phía tây của Huế, dự định sẽ đến căn cứ Bà Nà (Quảng Nam).
- Tiếp theo phần 2
Vua Duy Tân bị bắt
Đến 6 giờ sáng ngày 6/5, Vua nghỉ ở nhà một lính thị vệ tên Võ Đình Cơ (Đội Cơ), nằm cạnh chùa Thuyền Tôn và núi Ngũ Phong. Các nguồn sử cho rằng Đội Cơ và em trai là Trùm Tồn đã lén báo cho Tòa khâm sứ biết Vua đang ở nhà mình.
Tuy nhiên sau này nhóm nghiên cứu của Nguyễn Trương Đàn tìm được tài liệu của người Pháp cho biết người luôn theo sát bảo vệ Vua là thị vệ Dương Đức Tuyên thú nhận chính ông đã bảo Đội Cơ tìm các Thượng thư Triều đình đón Vua về.
Nhận được tin, ngay sáng 6/5, cả quân Pháp và Triều đình đã đến “đón Vua”. Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng đoàn tùy tùng đều bị bắt.
Khâm sứ Charles cũng báo cho các Công sứ các tỉnh Trung kỳ biết để đối phó với cuộc khởi nghĩa.
Tình hình cuộc khởi nghĩa ở các nơi
Ở các tỉnh, nghĩa quân đã chuẩn bị sẵn, nhưng chờ mãi không thấy pháo lệnh từ Huế nên tự rút lui hoặc bị quân Pháp giải giáp.
Tại Hội An, cuộc khởi nghĩa bị phát hiện, các thủ lĩnh đều bị bắt.
Tại phủ Điện Bàn, dù không thấy hiệu lệnh, nhưng nhận thấy sĩ khí đang hăng và lại chuẩn bị sẵn sàng rồi, Trần Chương (cháu của Trần Cao Vân) lệnh cho tấn công vào thành La Qua. Tuy nhiên quân Pháp chuẩn bị trước đã đánh lui và giải giáp quân khởi nghĩa.
Tam Kỳ (thuộc Quảng Nam) là nơi cuộc khởi nghĩa diễn ra với quy mô lớn nhất. Dù không nhận được hiệu lệnh khởi nghĩa, nhưng các sĩ phu nơi đây được tin vua Duy Tân cũng tham gia và kêu gọi khởi nghĩa nên quyết tâm nổi đậy đánh Pháp.
Nhiều công nhân đã bỏ làm cho các đồn điền của Pháp để tham gia nghĩa binh, dân chúng ủng hộ của cải lương thực hy vọng sẽ đánh đổ chính quyền của Pháp.
Vào chiều ngày 3/5, khoảng 650 người của nghĩa quân đã bí mật tập kết tại căn cứ Gò Chùa, đến tối thì bí mật tiến đến phủ lỵ Tam Kỳ.
Dù không thấy tín hiệu khởi nghĩa, nhưng nghĩa quân vẫn tiến hành theo kế hoạch từ trước. Một cánh quân tiến đánh đồn Trà My, lính khố xanh không chống được phải bỏ chạy vào rừng.
Các cánh quân khác đánh chiếm đồn Thương Chánh Hiệp Hoà, phủ đường Tam Kỳ và đồn Đại Lý Pháp. Tri phủ Tam Kỳ được báo trước cuộc khỏi nghĩa nên đã rời đi.
Nghĩa quân cũng tấn công tòa Đại Lý của Pháp (có đồn lính khố xanh ở đây), tuy nhiên nơi đây cũng trống vắng. Quân Pháp biết trước nên dời quân toàn phủ Tam Kỳ đến khu vực gần tòa Đại Lý Pháp và ém sẵn ở đấy.
Chỉ huy đội nghĩa binh Kim Đái là Trịnh Uyên leo lên cột cờ Phủ Đường thay cờ Pháp bằng cờ Ngũ tinh của Việt Nam Quang Phục Hội thì bị một loạt đạn bắn vào khiến tử trận ngay tại cột cờ. Quân Pháp chuẩn bị sẵn tấn công vào Phủ Đường, bắn xối xả vào nghĩa quân.
Bị đánh bất ngờ nhưng nghĩa quân vẫn quyết cầm cự suốt 8 tiếng đồng hồ rồi mới phải rút đi. Quân Pháp bắt được 31 người, trong đó chủ yếu là các chỉ huy.
Trần Huỳnh là chỉ huy đội nghĩa quân Tân An Tây cũng bị bắt ở đây. Ông là người đại diện cho 650 người của nghĩa quân Tam Kỳ đọc lời tuyên thệ ngay trước khi xuất quân. Sau này trong nhà tù, Trần Huỳnh luôn động viên mọi người vững vàng khí tiết trước sự tra hỏi của quân Pháp, đồng thời ông cũng nhận toàn bộ trách nhiệm cuộc khởi nghĩa về phần mình.
Các thành viên nghĩa quân phân tán trở lại gia đình của mình. Quân Pháp điều thêm quân từ Hội An đến lùng sục bắt bớ khắp nơi, đến từng làng, từng hộ. Nhiều người sau khi về nhà phải chạy vào rừng để lẩn tránh. Quân Pháp bắt bớ tràn lan 500 người đưa về Phủ đường tra hỏi.
Trần Huỳnh bị xử chém tại Chợ Củi gần tỉnh lỵ La Qua (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trước khi mất ông vẫn tươi cười, vẫy chào mọi người và hô vang: “Dòng giống Lạc Hồng thiên thu! Việt Nam vạn tuế!”.
Sau đấy Tam Kỳ luôn là vùng đất nổi tiếng chống Pháp, người Pháp phải tách vùng đất phía tây rộng lớn của phủ Tam Kỳ thành lập huyện Tiên Phước để dễ bề kiểm soát và cai trị.
Từ bỏ ngai vàng
Ở trong tù, Trần Cao Vân nhận hết mọi trách nhiệm về mình và xin tha cho vua Duy Tân. Toàn quyền Đông Dương cùng Khâm sứ Charles thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng, nhưng ông không chịu mà nói rằng: “Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm Vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông Vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp”.
Cuối cùng người Pháp quyết định đày vua Duy Tân cùng cha ông là vua Thành Thái đến đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương. Thái Phiên, Trần Cao Vân, cùng hộ vệ cho Vua là Tôn Thất Đề, chỉ huy thị vệ Nguyễn Quang Siêu đều bị xử chém.
Khi không thuyết phục được vua Duy Tân trở lại ngai vàng, người Pháp đã tổ chức cuộc họp ngày 10/5/1916. Trong cuộc họp, Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume đã nói: “Chúng ta đã chứng kiến trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử xứ An Nam, một ông Vua nổi dậy chống lại chính quyền của chính mình”.
- Xem phần 4
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đội Cấn, cuộc binh biến Thái Nguyên và ước mơ Đại Hùng Đế Quốc
- Cuộc tấn công bất ngờ vào tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế (P1)
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn Duy Tân chống Pháp