“Tam xã đăng khoa lục” là cuốn sách ghi chép về khoa bảng của 3 xã Kẻ Rưng là Văn Trưng, Lăng Trưng và Hiến Trưng thuộc huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (nay là xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài ra còn có thôn Bảo Trưng nay đã cắt sang xã bên).

Sách được ghi chép từ năm 1618 đến năm 1909 (thời kỳ nhà Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn) qua 76 khoa thi Hương, 19 khoa thi hội, ghi lại 451 người thi đỗ từ tam trường thi Hương đến Tiến sĩ thi Hội, trong đó có 104 người đỗ trung khoa và 3 người đỗ đại khoa. Trước đó số người đỗ cũng rất nhiều, riêng số người đỗ đại khoa trong lịch sử nơi đây là 21 tiến sĩ và 1 phó bảng.

Vùng đất Kẻ Rưng và cuốn “Tam xã đăng khoa lục”
Cảnh trường thi năm 1900. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Chú trọng khoa bảng

Hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng là nơi có trường dân lập sớm nhất cả nước, trường được xây dựng vào năm 1702. Có 45 gia đình của 2 xã đã cung tiến 4 mẫu, 7 sào, 5 tấc đất để dựng trường, thu hút được sĩ tử các nơi đến theo học.

Để các sĩ tử trong xã yên tâm học hành, các xã cũng quy định rằng: “Người nào đến tuổi đi học, bản xã miễn trừ các khoản sưu sai, người nào hằng năm trúng khảo khóa thì được miễn lính và thuế khóa”. Đến tận năm 1940 quy định này vẫn được áp dụng để miễn trừ tạp dịch cho học sinh.

Kẻ Rưng có nhiều người đỗ đạt vì việc học rất được quan tâm, luôn có thầy giỏi trong trường, nhà nghèo mà hiếu học đều được giúp đỡ.

Trước mỗi kỳ thi Hương, sĩ tử phải vượt qua được kỳ khảo hạch của làng. Ai vượt qua được gọi là “sử sĩ”, được dự thi Hương, đến ngày hội làng thì những người này được ngồi trong Đình. Ai không vượt qua thì gọi là “chạ” không được dự thi Hương, ngày hội làng phải ngồi dưới cầu nhị hàng, thậm đến ngày giỗ cha mẹ mà người đó là con trưởng thì không được khấn mà chọn con thứ, nếu con thứ cũng không vượt qua được kỳ thi khảo hạch này thì phải chọn người trong dòng họ khấn thay.

Những kỷ lục hiếm có

Người đỗ sớm nhất vùng là Nguyễn Văn Chất, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1448 thời vua Lê Nhân Tông. Ông làm quan trải qua các chức vụ quan trọng như Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, Đồng tu soạn ở Quốc Sử viện, Đô Ngự sử ở Ngự Sử đài, Thượng thư bộ Hộ .

Sau khi nghỉ hưu, ông biên soạn thêm 4 câu truyện vào bộ “Việt điện u linh” của Lý Thế Xuyên soạn năm 1329, trở thành một danh sĩ nổi tiếng.

Sau Nguyễn Văn Chất còn nhiều người đỗ đại khoa nữa, ví như Phí Văn Thuật đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình khoa thi năm 1640. Theo lệ thì Phí Văn Thuật đã đỗ đầu tức Đình nguyên Hoàng giáp, tuy nhiên nhà Vua lại ra thêm kỳ thi thơ ứng chế do đích thân Vua ra đề. Một lần nữa bài thơ của Phí Văn Thuật lại được chấm đứng thứ nhất, vì thế mà người thời đấy gọi ông là Tứ nguyên tức 4 lần đỗ đầu.

Theo “Tam xã đăng khoa lục” thì khoa thi nào Kẻ Rưng cũng có người thi đỗ, nhiều nhất là khoa thi Hương năm 1690 có 1 người vượt qua tứ trường và 15 người đỗ tam trường. Khoa thi Hương năm 1717 có 3 người vượt qua tứ trường và 12 người đỗ tam trường.

Điều đặc biệt là 3 xã ở Kẻ Rưng có 13 dòng họ thì dòng họ nào cũng có người đỗ đạt, họ Nguyễn có nhiều người nhất nên có số người đỗ đạt cao nhất là 137 người, họ Đặng 62 người, họ Đỗ 56 người, họ Phan 55 người, họ Kim (sau đổi sang họ Đồng) 54 người… Cũng có những trường hợp 3 đời liên tiếp thi đỗ.

Gia đình có nhiều người đỗ đạt nhất là gia đình của danh Nho Nguyễn Tiến Sách. Ông cùng con trai thứ hai Nguyễn Đình Toản đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong 9 người con thì 4 người đỗ tứ trường kỳ thi Hội, 5 người đỗ tứ trường kỳ thi Hương. Ngoài ra 5 người cháu nội của ông cũng thi đỗ.

Các gia đình khác cũng có nhiều người đỗ như Đỗ Hi Thiều đỗ tiến sĩ năm 1721, 6 người con và 3 người cháu của ông cũng đỗ đạt.

Có những người đỗ đạt khi còn rất trẻ như Văn Bá Đĩnh đỗ khoa thi 1747 khi mới 15 tuổi, Nguyễn Đình Toàn đỗ đạt khi mới 17 tuổi.

Đền thờ họ Nguyễn còn có đôi câu đối ghi lại kỷ lục của dòng họ:

Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy.

Nghĩa là:

Cùng thời ba vị tiến sĩ làm quan cùng triều
Một nhà hai người thi đỗ vinh quy về làng một ngày.

Còn nhà thờ họ Đặng thì truyền tụng rằng:

Bách thế xưng thần lịch niên dữ quốc
Bát thôn cư thủ do tộc nhi hương.

nghĩa là:

Làm quan trăm đời nhiều năm giúp nước
Giữ đất tám thôn nhờ họ nên làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: