Ganh tỵ ở người trưởng thành
- FB HUỲNH VĂN SƠN
- •
Sự đố kị, ghen ghét là điều rất phổ biến đối với giới trẻ nhưng nó cũng khá phổ biến ở những người trưởng thành. Đôi khi, họ ghen tị với một người chỉ vì họ đẹp hơn bạn, có tài hơn bạn, có tài sản, có gia thế hay sự nổi tiếng. Tính hay ghen tị hình thành bởi cảm giác kém vui, căm ghét, bực bội, cảm xúc tức giận lẫn chút xấu hổ khi so sánh, tị nạnh với những người quen biết chung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… Lòng ghen ghét và đố kỵ là mức độ cao của sự ích kỷ, nó như con quái, làm biếng dạng nhân cách và mài mòn tâm hồn con người.
Sự ghen tị có khi để lộ ra ngoài hoặc chôn giấu trong lòng, nhưng dù với hình thức nào, tính ghen tị đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống . Ganh tỵ khiến cá nhân có thể thực hiện những hành vi tiêu cực hay suy nghĩ nhiều làm cuộc sống bớt vui, làm căng thẳng đời sống tinh thần, ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh của thể chất. H M, một diễn giả vốn đang trong quá trình phấn đấu để khẳng định mình. Nhưng chẳng bao giờ có ai thoát khỏi lời chê của anh. Từ việc ngoại hình còn yếu cho đến nhân trung không sâu hoặc giọng nói chưa vang mà còn cà lăm… đều trở thành điểm đến trong tư duy tiêu cực của anh. Đó là chưa kể nếu là một cá nhân hơn anh ấy nhiều mặt thì chuyện gia đình, chuyện quá khứ, chuyện uống rượu hay hút thuốc sẽ trở thành đề tài anh bắn tỉa… Không chừa một chiêu nào để có thể đè bẹp một cá nhân không cùng chiến tuyến hay chẳng cùng lĩnh vực… Nếu có cơ hội là bắn, là ném, là tỉa, là chọt, là chém… H. M trở thành chuyên gia cạnh khoé… Còn mình thì có thể đánh lừa về chiều cao bằng mọi cách, có thể biến hoá chuyện học hành hay bằng cấp bằng đủ mọi cách thức. Hoặc dùng tất cả chiêu trò từ tạo scandal phát biểu gây sốc đến việc tham gia các chương trình event đa cấp để mưu cầu nhận diện và nổi tiếng… Bất chấp, không nghe, không quan tâm, không đếm xỉa… đến lời phê bình hay góp ý trở thành thương hiệu!
Trước hết, lòng ghen tị phá hoại mối quan hệ giữa người và người, cản trở con người phát triển tài năng, đồng thời sức mạnh đoàn kết và tinh thần hợp tác ngày càng suy yếu.Câu chuyện về anh P, anh xuất phát từ gia đình nông dân nghèo khổ nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu anh tốt nghiệp Đại học loại giỏi, cộng thêm việc chịu khó học ngoại ngữ nên anh xin được một việc làm rất tốt. Trong cơ quan, anh âm thầm nỗ lực đầu tư thêm tri thức và kỹ năng, chịu khó học nâng cao hay làm tốt các công việc được giao. Chính vì vậy, anh tạo được tiếng tăm nên một số công ty khác mời anh làm ngoài giờ. Anh kiếm được thu nhập khá, mua được nhà thành phố, cưới được vợ đẹp. Nhưng cũng từ sự thành công này mà anh dần mất đi tình bạn khi mọi người né tránh vì tin đồn anh làm ăn bất chính và thậm chí trong cơ quan họ thảo luận ngầm về việc anh nhận hối lộ trong một dự án mới… Chính những tin đồn từ sự ghen ghét này khiến công việc anh nhiều bất ổn, áp lực và đời sống hôn nhân cũng nhiều mâu thuẫn do căng thẳng tạo nên.
Ghen tỵ về tài năng hay sự thành công ở người trưởng thành có thể giải thích do sự mất căng bằng và sự yếu đuối ở cái tôi, ghanh tỵ thể hiện sự yếu kém và tự ti về bản thân mình. Tuy nhiên, sự ganh tỵ về nhan sắc thì thật khó lý giải và có phần trẻ con, đôi lúc có thể có thể gọi đó là sự ganh tỵ ngớ ngẩn của người trưởng thành. Ganh tỵ vì nữ đồng nghiệp cùng cơ quan xinh xắn hơn, chân dài hơn và được nhiều chàng trai trong cơ quan chú ý. Không ích sự ganh tỵ mù máng tìm mọi cách phá hoại đối phương không đơn giản là chuyện bịa đặt, tạo tin đồn, nói xấu, bới móc mà đôi khi còn là những trò chơi xấu trong việc nhằm “tống” đối phương ra khỏi tầm mắt. Đôi khi, cứ ngỡ người bị ganh tỵ là người sẽ gánh chịu những tổn thất tinh thần. Nhưng ngược lại, chính tinh thần và thể chất của bản thân người có tính ghen tị bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến cả thể xác lẫn tinh thần. Nhà văn Balzac từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.
Tính ghen tỵ và lòng đố kỵ luôn tồn tại, nhất là trong xã hội hiện đại, khi cạnh tranh giữa các cá nhân ngày càng gay gắt, đặc biệt là tại công sở, nơi lòng đố kỵ thể hiện rõ nét nhất. Đã là con người ai mà chẳng có lòng ganh tị, tùy theo mức độ ghen tị tốt hay xấu. Ghen tị nhiều lúc giúp con người vươn lên hơn. Nhưng đừng để sự ghen tức đánh mất bản thân mình.Vượt qua khỏi sự ganh tỵ, chúng ta cần nhận thức được sức mạnh của mình.Hãy yêu thương và trân trọng bản thân, khi bạn yêu thương bản thân mình bạn sẽ thấy không ai có thể bằng mình. Bên cạnh đó, hãy coi thành công của người khác là mục tiêu phấn đấu cho mình, chân thành với mọi người, nhìn nhận những thành công, những may mắn đến với người khác từ sự nỗ lực của họ. “Thật may mắn cho ai học được cách khâm phục mà không ghen tỵ, đi theo mà không bắt chước, khen ngợi mà không tâng bốc, và dẫn đường mà không thao túng.” William Arthur Ward.
Từ khóa thất bại Thành công hạnh phúc ganh tỵ